Kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021, VNDIRECT dự báo, đây sẽ là động lực quan trọng cho kịch bản kinh tế phục hồi. Công ty này cũng chỉ ra các nhóm doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc thúc đẩy đầu tư công trong năm mới.
Tại Báo cáo cáo Đầu tư công - động lực quan trọng cho kịch bản phục hồi kinh tế, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra 4 nhận định chính.
Dự báo về đầu tư công năm 2022 của VNDIRECT
Hạ tầng giao thông được ưu tiêu giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021-2025
Quốc hội mới đây đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 347.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 113.850 tỷ đồng, trong đó tập trung vào phát triển 13 dự án giao thông quan trọng (dự kiến chi 103.164 tỷ đồng). Tương tự trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, phân bổ vốn cho phát triển hạ tầng giao thông tiếp tục được chú trọng với 570.412 tỷ đồng, chiếm 52% tổng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương. Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam phía Đông, sân bay Long Thành sẽ được Chính phủ tập trung đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.
Giải ngân đầu tư công sẽ bứt phá ngay từ đầu năm 2022
VNDIRECT tin rằng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ (1) nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua; (2) nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; (3) giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới; (4) thực tế giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 84% kế hoạch cả năm; và (5) nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm sau.
Nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng - vật liệu xây dựng - hạ tầng viễn thông được hưởng lợi trực tiếp
Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-25 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới. Trong khi đó nhóm doanh nghiệp hạ tầng viễn thông cũng sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích 10.386 tỷ đồng (bao gồm 5.386 tỷ đồng đầu tư hạ tầng số & chuyển đổi số và 5.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng viễn thông, internet).
Những yếu tố có thể tác động đến tiến độ của các dự án hạ tầng giao thông
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (tổng chiều dài 729km) sẽ chỉ được thực hiện trong 4 năm (2022-2025) trong khi giai đoạn 1 (653km) dự kiến sẽ thực hiện trong hơn 6 năm (từ tháng 11/2017-2023). Do đó, VNDIRECT cho rằng, mục tiêu tham vọng của Bộ đang đứng trước nhiều thách thức như (1) suất đầu tư tại dự án vừa phải đảm bảo tiết kiệm vừa phải hấp dẫn các nhà thầu tham gia; (2) giải phóng mặt bằng thi công lớn và (3) áp lực giải ngân lớn của Bộ GTVT.
Nhóm các công ty dự kiến được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công