Mặc dù chốt phiên VN30-Index chỉ giảm 0,88% nhưng tính cho cả tuần, chỉ số này bốc hơi tới 3,2% giá trị, về sát mức đáy hồi tháng 1/2022 và cũng là đáy thấp nhất trong vòng 5 tháng qua...
Mặc dù chốt phiên VN30-Index chỉ giảm 0,88% nhưng tính cho cả tuần, chỉ số này bốc hơi tới 3,2% giá trị, về sát mức đáy hồi tháng 1/2022 và cũng là đáy thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.
Diễn biến này cho thấy nhóm blue-chips lại chính là những mã kém nhất thị trường. Hôm nay không chỉ cổ phiếu dầu khí bị bán tháo, mà khá nhiều mã lớn khác cũng giảm đột biến, khiến những nỗ lực nâng đỡ của trụ ngân hàng trở nên vô ích.
GAS dĩ nhiên là cổ phiếu đáng chú ý nhất trong nhóm VN30 khi có một phiên điều chỉnh sốc nhất kể từ đầu năm. Cổ phiếu này đóng cửa giảm 4,73%, là nguyên nhân thổi bay gần 3 điểm ở VN-Index và tới gần 4 điểm ở VN30. PLX cũng giảm tới 5,38%, mức giảm kỷ lục trong một ngày kể từ phiên 22/11/2021.
VN30-Index giảm thấp nhất hôm nay đã về sát đáy 5 tháng.
Đại đa số cổ phiếu nhóm dầu khí đều giảm mạnh hôm nay trừ vài mã thanh khoản kém và không niêm yết như PEQ, PND, PPY. Ngược lại, PVC, PVB giảm chạm sàn, PVD giảm 4,38%, BSR giảm 2,13%, PVS giảm 3,4%...
Cổ phiếu dầu khí giảm hôm nay ngay cả khi giá dầu đã có diễn biến phục hồi trở lại sau hai phiên giảm mạnh vừa qua. Nguyên nhân có lẽ là nhà đầu tư lo ngại giá dầu đã đạt đỉnh, đồng thời lợi nhuận tăng giá ở nhóm này rất tốt vừa qua. Cổ phiếu dầu khí thật sự bị bán tháo khi thanh khoản tăng vọt ở rất nhiều mã đi kèm với mức giảm giá sâu.
Rổ VN30 kết phiên chỉ có 8 mã tăng/22 mã giảm. Ngoài GAS và PLX, loạt cổ phiếu giảm sốc phải kể đến là MSN bốc hơi 5%, HPG giảm 3,15%, GVR giảm 2,95%, PNJ giảm 3,51%, SSI giảm 3,43%, POW giảm 2,71%. Nhóm blue-chips giảm chạm đáy khoảng 2h20, VN30-Index mất 1,41% giá trị kéo theo VN-Index giảm 1,37%. May mắn là ít phút cuối phiên cùng đợt ATC, cổ phiếu đã hồi lại nhất định.
Một số cổ phiếu ngân hàng hồi lại khá tốt, giúp các chỉ số thoát đáy cuối phiên.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay bất ngờ “tươi” lại về cuối. Trong 8 mã còn tăng của rổ VN30 thì có 6 mã ngân hàng là BID tăng 2,2%, STB tăng 1,58%, HDB tăng 1,3%, MBB tăng 1,29%, CTG tăng 0,47% và VCB tăng 0,36%. Các cổ phiếu này đều bật giá lên khá mạnh ở những phút cuối, là động lực chính kéo các chỉ số thoát đáy.
Các mã ngân hàng đang có tín hiệu cân bằng lại sau chuỗi ngày điều chỉnh khá dài. Hôm nay 10/27 mã ngân hàng ở các sàn đóng cửa trên tham chiếu, 13/27 mã đỏ. Một số cổ phiếu quan trọng vẫn chưa tăng nổi như TCB giảm 0,71% dù ít phút cuối hồi lên tốt; ACB giảm 0,61%, VPB giảm 0,95%. Thêm nữa thanh khoản ở nhóm này khá kém khi các mã ngân hàng trên HoSE chỉ giao dịch chừng 2.655 tỷ đồng, tương đương 9,9% tổng giá trị khớp ở sàn này. Trung bình tuần, cổ phiếu ngân hàng HoSE giao dịch 3.445 tỷ đồng/phiên, giảm tới 34% so với trung bình tuần trước.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tín hiệu chững đà giảm đúng thời điểm VN30-Index quay về sát đáy ngắn hạn kể từ tháng 10 năm ngoái. Vùng 1460-1470 điểm ở chỉ số này được thử thách tới 5 lần trong thời gian này và luôn có bóng dáng cổ phiếu ngân hàng ở những nhịp giảm, do nhóm cổ phiếu này có ảnh hưởng rất lớn tới VN30-Index. Ngược lại, VN-Index dù giảm tới gần 39 điểm trong tuần này nhưng vẫn còn khá xa so với đáy ngắn hạn hồi tháng 1/2022.
Độ rộng của HoSE cuối phiên hôm nay rất tệ, chỉ còn 129 mã tăng/326 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng là 173 mã tăng/267 mã giảm. Số cổ phiếu giảm trên 1% cũng tăng từ 110 mã lên 185 mã, trong khi số tăng vượt 1% cũng co lại từ 109 mã còn 70 mã. Như vậy tổng thể mặt bằng giá phiên chiều đã yếu hơn buổi sáng đáng kể. Chỉ số VNMidcap đóng cửa cũng giảm 0,54%, Smallcap giảm 0,94%.
Thanh khoản trên cả hai sàn niêm yết buổi chiều khá lớn, đạt 14.515 tỷ đồng khớp lệnh, trong đó riêng HoSE là 12.750 tỷ đồng, tương đương trên 90% so với phiên sáng. Thanh khoản lớn và mặt bằng giá xuống thấp hơn cho thấy áp lực bán đã tăng lên.
Khối ngoại buổi chiều cũng tăng bán ra đáng kể. Riêng HoSE bị xả thêm gần 852 tỷ đồng nữa, cao gấp rưỡi phiên sáng (tăng 56%). Tổng giá trị bán ra đạt 1.396,7 tỷ đồng tương đương 5% tổng giao dịch ở HoSE trong khi phiên sáng chỉ chiế khoảng 3,8%. Giá trị bán ròng tương ứng 545,4 tỷ đồng cả phiên. Trong đó, MSN bị xả 150,3 tỷ đồng ròng, VND hơn 124 tỷ, DXG hơn 70 tỷ. Nhóm HPG, NVL, GAS, KDH đều bị bán ròng từ 40 tỷ đồng trở lên.