Có nhiều tín hiệu cho thấy cổ phiếu nhóm đầu tư công nhiều sẽ bứt phá trong thời gian tới khi cổ phiếu nhóm dầu khí đã cho dấu hiệu phân phối sau thời gian lập kỷ lục về giá...
Phiên giao dịch sáng nay 11/3 thị trường tiếp tục xu hướng giảm với áp lực chốt lời căng thẳng ở nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PLX cùng với hàng loạt mã khác quay xe sau suốt một thời gian giá lập kỷ lục nhờ hưởng lợi từ giãn đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khi Nga - Ukraine căng thẳng. Giá dầu đã lập kỷ lục trên 100 USD/thùng.
Trong khi đó, nhóm được cho là hưởng lợi từ đầu tư công lội ngược dòng bứt phá. HT1 tăng 6,6%,
HHV tăng 2%;
FCN tăng 2,26%, hàng loạt mã khác thuộc nhóm xây dựng, đầu tư công cũng tăng trong phiên sáng nay như BCG,
CTD,
HBC,
VCG...Cổ phiếu nhóm này suốt thời gian qua đã chịu áp lực điều chỉnh sau khi tăng mạnh trước Tết Nguyên đán 2022. Phân tích của giới chuyên môn cho rằng, mức giá hiện tại chưa phản ánh đầy đủ triển vọng lạc quan trong năm 2022-2023.
Ảnh minh hoạ.
CÔNG TY CHỨNG KHOÁN ĐỒNG THUẬN KHUYẾN NGHỊ MUA NHÓM ĐẦU TƯ CÔNG
Xét về yếu tố vĩ mô, nhóm này đang có nhiều hơn lợi thế để vụt sáng trong thời gian tới. Các công ty chứng khoán cũng đồng loạt khuyến nghị với nhóm này trong tháng 3.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, về đầu tư công, vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước trong tháng 2/2022 đạt 20.517 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 20% so với tháng liền kề trước đó. Như vậy, sau 2 tháng, tổng lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt 46.320 tỷ đồng, hoàn thành xấp xỉ 9% kế hoạch cả năm.
Trong tháng 3 này, Chứng khoán Bảo Việt đánh giá lượng giải ngân vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước sẽ tăng trở lại, khi tháng 2 trùng với dịp nghỉ lễ nguyên đán, lượng giải ngân có phần chậm lại so với tháng 1. Thêm vào đó, chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ, với gói chi bổ sung 113,5 nghìn tỷ vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, cũng sẽ tạo động lực kích thích đầu tư công tăng trưởng mạnh.
Trong báo cáo vĩ mô tháng 2 và triển vọng thị trường chứng khoán tháng 3/2022 vừa công bố, Chứng khoán Agriseco cũng kỳ vọng hoạt động giải ngân sẽ sớm được thúc đẩy trong các tháng tới.
Một số cơ hội đầu tư được Agriseco rút ra từ kinh tế vĩ mô tháng 2 như Quốc hội mới đây dự kiến giải ngân 50% gói kích thích tăng trưởng kinh tế, khoảng hơn 170.000 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Gói kích thích tập trung vào việc giảm thuế VAT, lãi suất cho vay, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế và hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp gồm Xây dựng, Vật liệu xây dựng.
Nguồn: BSC.
Báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 3 của Mirae Asset cũng cập nhật đến cổ phiếu nhóm xây dựng, đầu tư công. Trong thời gian 3-5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đáng chú ý đối với riêng dự án trọng điểm quốc gia, 12 dự án cao tốc Bắc – Nam được phê duyệt đầu tư theo vốn nhà nước, những doanh nghiệp Xây dựng, Xây lắp, Hạ tầng đang niêm yết được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ.
Mirae Asset kỳ vọng nhóm cổ phiếu này có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách này. Cụ thể: Nhóm Dân dụng:
CTD,
HBC,
HTN,
VCG. Nhóm Công nghiệp, Hạ tầng:
VCG,
HHV, CII,
LCG,
FCN, C47,
TCD.
Về những chủ đề đầu tư trong tháng 3, Chứng khoán An Bình (ABS) cũng duy trì quan điểm tích cực với nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng cao, nhóm ngành hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công.
Việc hưởng lợi từ đầu tư công sẽ là điểm sáng cho nhóm ngành này trong thời gian tới. Theo đó, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế, đặc biệt GDP được dự báo tăng 6,5% - 7% trong năm 2022 không chỉ tạo cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội,...
Nguồn: VnDirect.
Tương tự, Chứng khoán VND kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng năm nay. Các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như
VCG,
HHV, C4G… sẽ đươc hưởng lợi chính từ chủ đề này.
Bên cạnh đó, việc nhóm doanh nghiệp này đã vượt qua được những điều kiện đấu thầu khắt khe trước đây sẽ có tạo thêm ưu thế cho họ có thể tiếp tục tham gia các dự án hạ tầng lớn tiếp theo trong giai đoạn 2021-25.
Trước đó, đầu tháng 3/2022, thông tin thêm về gói đầu tư công của Chương trình phục hồi 350.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết, gói này phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác cụ thể. "Do vậy, cơ bản đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư", ông Phương cho biết.
NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐẶT MỤC TIÊU KINH DOANH KHẢ QUAN
Động lực duy nhất cho Vn-Index tăng trưởng trong thời gian tới chính là triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2022 khi mùa Đại hội cổ đông sắp tới. Hàng loạt công ty hưởng lợi từ đầu tư công tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tốt trong năm 2022.
VCG dự kiến đạt 10,121 tỷ đồng doanh thu tăng 80,1% và 723 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng 113% trong năm 2022. Dự báo tăng trưởng được dựa trên kỳ vọng về gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và doanh thu từ mảng phát triển bất động sản, ví dụ như dự án Green Diamond.
Với kỳ vọng về cơ hội từ dòng vốn đầu tư công của Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như từ các dự án xây dựng công nghiệp, hạ tầng mà FECON đang và sẽ tham gia cùng những dự án năng lượng tái tạo doanh nghiệp này sở hữu, FECON đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng lần lượt 30% và 145% so với năm ngoài.
Tương tự, với HHV, 2021 là năm kỷ lục của Đèo Cả.
HHV ghi nhận doanh thu tài chính 43,7 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020. Nhờ doanh thu tăng, lợi nhuận sau thuế năm 2021 cũng tăng mạnh so với năm trước, đạt 228 tỷ đồng (gấp 6 lần lợi nhuận sau thuế năm 2020), tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu đạt 23,3%.
Doanh thu hợp nhất kỳ lũy kế cả năm 2021 đạt 1.859 tỉ đồng, tăng 54,6% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng tăng trưởng tương ứng với 292 tỉ đồng, tăng 66% so với năm trước
Ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng từ năm 2022 - 2025 là giai đoạn phát triển thuận lợi của ngành thi công xây lắp, đặc biệt là phân khúc thi công xây lắp các dự án hạ tầng đường bộ nhờ việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, cũng như việc khởi công xây dựng đồng loạt các đoạn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, dự án sân bay Long Thành. Tập đoàn Đèo Cả sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thi công xây lắp trong giai đoạn tới.
Ngoài việc đấu thầu dự án đầu tư công, Đèo Cả dự kiến tiếp tục tham gia đầu tư vào các dự án PPP như: Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc… và một số dự án bất động sản trong nước. Bên cạnh đó, Công ty cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động sang các mảng mới gắn liền với sự phát triển của hệ thống cầu đường như các dự án bất động sản, dịch vụ trạm dừng nghỉ,…