Bất động sản ven các khu công nghiệp có nhiều tiềm năng, song không phải nhà đầu tư nào cũng khai thác thành công.
Những ngày đầu năm 2022, khi hay tin sắp có một số doanh nghiệp lớn từ Hàn Quốc muốn xây dựng một khu công nghiệp diện tích khoảng 50 ha tại tỉnh Long An, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ tại TP.HCM) đã sốt sắng huy động vốn để về đây săn đất.
Sau hơn 1 tuần tìm kiếm, nhà đầu tư này đã xuống tiền mua 2.000 m2 đất nông nghiệp tại huyện Cần Đước với mục đích phân lô bán nền hoặc xây nhà xưởng cho thuê, bởi theo lý giải của nhà đầu tư này, khu đất anh mua nằm ngay cạnh khu vực sắp có dự án khu công nghiệp mới.
“Khi khu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ kéo theo nhiều công ty gia công cũng như thu hút lượng lớn công nhân, kỹ sư đến làm việc nên nhu cầu về nhà ở, kho bãi, xưởng làm việc… sẽ rất cao. Vì vậy, tôi tin tưởng công việc kinh doanh sẽ phát triển trong tương lai”, anh Hùng nói.
Tương tự, Bình Dương cũng là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, quỹ đất dồi dào và giá còn rẻ nên được nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM nhắm tới. Ông Đinh Văn Dũng (ngụ quận 6, TP.HCM) tiết lộ mới mua gần 1.000 m2 đất tại thị xã Tân Uyên với mức giá 3,5 triệu đồng/m2.
Ban đầu, ông định xin chuyển đổi thành đất thổ cư và tách thửa bán nền, nhưng sau khi biết dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 (VSIP 3) quy mô 1.000 ha tọa lạc tại thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) chuẩn bị khởi công từ giữa tháng 3 này, ông quyết định chuyển hướng sang làm nhà xưởng và phòng trọ để cho thuê.
Thực tế, trường nhà đất nơi đây đã “chộn rộn” từ nhiều năm trước, khi thông tin dự án này mới manh nha xuất hiện. Từ đó đến nay, nhiều nhà đầu tư thắng lớn từ các thương vụ “lướt sóng” đất, nhưng cũng có không ít người “ngậm trái đắng”.
Kể về cú “mắc cạn” của mình, chị Nguyễn Thu Hoài, ngụ tại TP. Thuận An (Bình Dương) cho biết, năm 2019, khi hay tin sắp có dự án khu công nghiệp mới ở Tân Uyên, chị đã xuống tiền mua 2 lô đất nền tại dự án đã được đầu tư hạ tầng khá bài bản nằm trên 2 mặt tiền đường DT 745A và DT 746 với mức giá 10 triệu đồng/m2. Theo lời giới thiệu của nhân viên môi giới, đây là mức giá “hời” vì dự án này nằm liền kề Khu công nghiệp VSIP 3 và Nam Tân Uyên mở rộng nên tiềm năng khai thác rất lớn.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, do công việc chính bị ảnh hưởng bởi dịch, trong khi gia đình đang cần một khoản tiền lớn nên chị nhờ nhân viên môi giới bán lại 2 lô đất trên với giá 13 triệu đồng/m2, song rao mãi không ai hỏi mua. Cuối cùng, chị phải bán bằng giá gốc để đẩy được hàng.
Bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Đức Linh Real cho rằng, sở dĩ nhiều nhà đầu tư mạnh tay “rót tiền” vào bất động sản ven khu công nghiệp là bởi tiềm năng từ khai thác cho thuê, kinh doanh buôn bán... Tuy nhiên, có một thực tế là từ khi triển khai đến lúc hoàn thành một dự án khu công nghiệp thường kéo dài nhiều năm, chưa kể khi khu công nghiệp xây xong, để kéo công nhân về làm việc cũng cần thêm một khoảng thời gian tương đối dài nữa, bằng chứng là nhiều đô thị ở Thủ Dầu Một hay Bến Cát tới nay vẫn vắng bóng người, dù đã xây dựng cả chục năm qua.
“Nhiều công ty địa ốc, môi giới dựa vào thông tin triển khai dự án mới để “tô hồng” quá mức tiềm năng khai thác bất động sản ven khu công nghiệp. Bởi vậy, nhà đầu tư cần dành thời gian tìm hiểu thực tế thị trường để có quyết định phù hợp. Với phân khúc này, nhà đầu tư cần có tầm nhìn trung - dài hạn, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn”, bà Linh khuyến nghị.