Chưa vội tăng vốn trong năm trước, kế hoạch năm 2022 của VDSC đã có thêm loạt phương án phát hành cổ phiếu gồm trả cổ tức, chia thưởng, chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - mã VDS) dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 5/4 tới đây.
Theo tài liệu họp công bố, một trong các nội dung đáng chú ý trình cổ đông là phương án tăng vốn khủng thông qua tới 4 đợt phát hành.
Cụ thể, VDSC dự kiến sẽ phát hành 36,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 35%; phát hành 10,5 triệu cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 10:1). Nguồn vốn thực hiện trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2021.
VDSC cũng lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 52,6 triệu cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền (tỷ lệ 2:1) và phát hành ESOP hơn 5 triệu cổ phiếu (tương ứng 4,8% lượng cổ phiếu lưu hành). Giá phát hành ở cả hai đợt phát hành này là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng cộng, VDSC dự kiến phát hành thêm 104,9 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.100 tỷ đồng. Số vốn thu được từ đợt phát hành được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động bảo lãnh phát hành, hoạt động đầu tư và hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ/ứng trước.
Làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán đã diễn ra rầm rộ hơn một năm qua. Tại cuộc họp cổ đông cách đây một năm, trả lời câu hỏi của cổ đông về câu chuyện chưa vội tăng vốn, ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT Rồng Việt cho biết mục tiêu chính của Công ty khi đó là cải thiện chính mình, để có được nền tảng thật vững chắc, rồi mới tính đến chuyện tăng vốn. “Khi đó, Rồng Việt tự khắc có sự hấp dẫn riêng mình, thì việc huy động vốn không có gì là khó”, ông Tuấn cũng nhấn mạnh.
Hiện giá cổ phiếu VDS đang giao dịch ở mức giá gần 38.000 đồng/cổ phiếu, gấp 2,5 thời điểm cách đây một năm và gấp gần 4 lần giá chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Với diễn biến thuận lợi của thị trường, VDSC đã đạt được những kết quả kinh doanh vượt bậc so với năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới đạt 314 tỷ đồng, tăng 197% so với cùng kỳ.
Mặc dù lên phương án tăng vốn khủng nhưng VDSC lại trình cổ đông kế hoạch kinh doanh khiêm tốn với lợi nhuận sau thuế 403,2 tỷ đồng, thấp hơn 5,5% so với kết quả thực hiện năm 2021. Hoạt động đầu tư đạt 328 tỷ đồng, tăng 150%. Doanh thu cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán tăng 59%, mang về hơn 300 tỷ đồng cho công ty chứng khoán này. Cùng đó, hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán dù mới góp 56 tỷ đồng vào tổng doanh thu nhưng đây là mảng ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý (322,7% ).
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 427 tỷ đồng, gấp 2,85 lần kết quả đạt được năm 2020. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phần xấp xỉ 4.050 đồng. Với giá giao dịch hiện nay, P/E xấp xỉ 9,38 lần. Mặc dù lên phương án tăng vốn khủng nhưng VDSC lại trình cổ đông kế hoạch kinh doanh khiêm tốn với lợi nhuận sau thuế 403,2 tỷ đồng, giảm 5,5% so với kết quả năm 2021. Với kế hoạch trên, EPS của VDSC năm tới không còn “hấp dẫn” như năm trước.