Dựa trên các bài phỏng vấn, bài báo và thư gửi cổ đông Berkshire Hathaway, công ty tài chính và tư vấn đầu tư Motley Fool đã tổng hợp 5 bí quyết lựa chọn cổ phiếu của đầu tư của vị tỷ phú 91 tuổi...
Tỷ phú Warren Buffett - Ảnh: Getty Images
Warren Buffett được xem là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại. Ông mua cổ phiếu đầu tiên vào năm 11 tuổi và trải qua 8 thập kỷ, tỷ phú này đã xây dựng được đế chế đầu tư khổng lồ Berkshire Hathaway – nắm giữ cổ phiếu của hàng loạt công ty đình đám như Apple, Coca-Cola, Amazon, Wells Fargo, JPMorgan Chase…
Dựa trên các bài phỏng vấn, bài báo và thư gửi cổ đông Berkshire Hathaway những năm qua, công ty tài chính và tư vấn đầu tư Motley Fool (Mỹ) đã tổng hợp 5 bí quyết lựa chọn cổ phiếu của đầu tư của vị tỷ phú 91 tuổi.
ĐỌC NHIỀU
Ông Buffett nổi tiếng với thói quen đọc nhiều. Ông từng tiết lộ dành khoảng 80% thời gian hàng ngày để đọc và suy ngẫm và khuyên mọi người nên đọc thật nhiều.
“Hãy đọc khoảng 500 trang mỗi ngày. Đó là cách mà kiến thức mang lại hiệu quả. Kiến thức được tích lũy dần dần, giống như lãi kép vậy. Tất cả mọi người đều có thể làm vậy, nhưng tôi đảm bảo không nhiều người sẽ làm”, tỷ phú 91 tuổi từng chia sẻ.
Trong một chương trình của CNBC năm 2007, người dẫn chương trình Becky Quick tiết lộ rằng Buffett có khả năng đọc nhanh và ông thường đọc khoảng 6 tờ báo mỗi ngày.
Buffett dành phần lớn thời gian hàng ngày để đọc - Ảnh: AP
Tất nhiên, tỷ phú này cũng đọc báo cáo thường niên của các công ty mà ông đã đầu tư vào, nhưng còn hơn thế.
Khi trả lời câu hỏi của các cổ đông tại đại hội cổ đông Berkshire năm 1996, ông nói: “Nếu chúng tôi nắm giữ cổ phiếu của một công ty, một ngành công nghiệp và có khoảng 8 công ty khác trong cùng ngành này, tôi muốn có mặt trong danh sách gửi mail để nhận báo cáo của 8 công ty kia. Bởi tôi không thể hiểu công ty mình đầu tư đang làm gì nếu không hiểu 8 công ty còn lại đang làm gì”.
Theo các chuyên gia, kể cả khi không đọc 500 trang một ngày như Buffett, nhà đầu tư cũng nên cố gắng đọc nhiều hơn mức hiện tại của mình, để tìm hiểu nhiều hơn về các nhà đầu tư thành công, các nhà quản lý quỹ giỏi, các công ty tốt, chiến lược đầu tư, các ngành tiềm năng và những diễn biến trong ngành…
TÔN TRỌNG VÒNG TRÒN NĂNG LỰC
Bí quyết tiếp theo là Buffett kiên định ở trong “vòng tròn năng lực” của mình – cụm từ mà ông thường dùng, đặc biệt là khi được hỏi vì sao không đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng phổ biến này hoặc cổ phiếu kia. Ông đã giải thích điều này trong thư gửi cổ đông Berkshire năm 1996.
“Những gì một nhà đầu tư cần là khả năng đánh giá chính xác một số công ty chọn lọc. Hãy chú ý tới từ ‘chọn lọc’. Bạn không phải là chuyên gia về mọi công ty hay một vài công ty. Bạn chỉ cần có khả năng đánh giá những công ty trong vòng tròn năng lực của mình. Kích thước của vòng tròn đó không quan trọng, mà quan trọng là biết được ranh giới của nó”, CEO của Berkshire viết.
Điều này cũng được ông đề cập tới trong thư gửi cổ đông Berkshire năm 1992.
“Chúng tôi cố gắng gắn chặt lấy những công ty mà chúng tôi tin tưởng và hiểu rõ. Điều đó đồng nghĩa rằng những công ty này phải có bản chất đơn giản và ổn định. Nếu một doanh nghiệp kinh doanh quá phức tạp hoặc liên tục thay đổi, chúng tôi không đủ thông minh để dự báo dòng tiền tương lai của họ”, ông Buffett viết. “Vì vậy, hãy dành thời gian để xác định điều mà bạn thực sự hiểu rõ và điều gì không. Bạn có thể mở rộng vòng trò năng lực thông qua đọc cũng như các hình thức học tập khác, nhưng mục tiêu là để không đầu tư vượt ra ngoài vòng tròn đó”.
TÌM KIẾM GIÁ TRỊ TỐT
Buffett là một tín đồ của thuyết đầu tư giá trị. Ông tìm kiếm những công ty có giá cổ phiếu thấp hơn giá trị nội tại của nó, bởi điều này mang lại cho ông “biên an toàn”.
“Chúng tôi kiên định với biên an toàn khi tìm kiếm giá mua. Nếu chúng tôi tính toán giá trị thực của một cổ phiếu phổ thông chỉ cao hơn một chút so với giá thị trường, chúng tôi sẽ không mua vào. Chúng tôi tin rằng nguyên tắc biên an toàn, điều cũng được nhấn mạnh bởi huyền thoại đầu tư Benjamin Graham, là nền tảng để đầu tư thành công”, ông Buffett viết trong thư gửi cổ đông Berkshire năm 1992.
Ông Bufett và "cánh tay phải" Charlie Munger - Ảnh: Getty Images
Đáng chú ý là quan điểm này của Buffett đã thay đổi một chút theo thời gian nhờ vào tác động của người bạn kiêm đối tác lâu năm - Charlie Munger. Giờ đây, ông tin rằng: “Tốt hơn rất nhiều nếu mua cổ phiếu của một công ty tuyệt vời với mức giá hợp lý, còn hơn là mua cổ phiếu của một công ty bình bình với mức giá tuyệt vời”. Dù vậy, tỷ phú này không bao giờ muốn trả giá quá cao cho cổ phiếu của một doanh nghiệp.
NGHĨ VỀ CỔ PHIẾU NHƯ DOANH NGHIỆP
Giá trị của Berkshire Hathaway là sự kết hợp giá trị của những công ty mà tập đoàn này sở hữu toàn bộ (bao gồm GEICO, Benjamin Moore paint, Fruit of the Loom, và công ty đường sắt BNSF) và cổ phần tại nhiều công ty. Ông Buffett đã giải thích rõ điều này trong thư gửi cổ đông Berkshire năm 2021.
“Dù hình thức sở hữu của chúng ta là gì, mục tiêu là có các khoản đầu tư ý nghĩa vào những doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh bền vững và một giám đốc điều hành hạng nhất. Xin đặc biệt lưu ý rằng chúng ta sở hữu cổ phiếu dựa trên kỳ vọng của mình về hiệu quả kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp chứ không xem đây như phương tiện để bắt đúng thời điểm của thị trường. Một điều rất quan trọng: Charlie và tôi không chọn cổ phiếu, chúng tôi chọn doanh nghiệp”.
GIỮ KHOẢN ĐẦU TƯ HÀNG THẬP KỶ
Điểm cuối cùng trong phong cách đầu tư của Buffett là ông giữ các khoản đầu tư của mình trong dài hạn, thường là nhiều thập kỷ. Khi mua cả một công ty, ông thường có ý định giữ nó mãi mãi. Tỷ phú này cho biết đây là một trong những lý do mà các chủ doanh nghiệp sẵn sàng bán công ty cho ông.
“Khi chúng tôi sở hữu một phần của các doanh nghiệp xuất sắc cùng những người quản lý xuất sắc, thời gian nắm giữ ưa thích của chúng tôi là mãi mãi”, Buffett nói trong thư gửi cổ đông Birkshire năm 1998.