Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 60% cơ sở nuôi cá tra theo quy trình khép kín từ ương giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu là những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định giảm được rủi ro.
Hiện nay diện tích thả nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp hơn 1.000ha, thu hoạch hơn 43.000 tấn, với cá tra nguyên liệu hiện nay bán được từ 29.000-30.000 đồng/kg. Giá thành cho 1kg cá tra từ 23.000-24.000 đồng, người nuôi lãi từ 6.000-7.000 đồng/kg.
Để cá tra nguyên liệu có giá cao, bảo đảm an toàn chất lượng xuất khẩu, người nuôi cá tra ở Đồng Tháp đang áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP... gần 700ha. Bên cạnh đó, tỉnh có ba cơ sở sản xuất giống cá tra áp dụng và được chứng nhận theo tiêu chuẩn BAP với diện tích hơn 11ha.
Về công tác quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản, đến nay, có 70 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có 177 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm và 86 ghe vận chuyển cá tra nguyên liệu từ vùng nuôi về nhà máy chế biến thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, tỉnh xây dựng Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp với diện tích 400ha nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc góp phần phát triển chuỗi cá tra theo hướng bền vững.
Nhiều người nuôi cho rằng giá cá tra tăng mạnh hiện nay là do nhiều hộ treo ao vì dịch COVID-19, trước đây nhiều hộ không thả cá nuôi do giá quá thấp không có lời... dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào hiện nay.
Mặc dù giá cá tra nguyên liệu tăng, nhưng những hộ, doanh nghiệp ở Đồng Tháp vẫn giử vững vùng nuôi cá tra. Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cá tra theo mô hình lớn, tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Hình thành các vùng sản xuất cá tra chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh. Vùng sản xuất giống cá tra, tập trung ở các địa phương như: huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự Hồng Ngự, huyện Châu Thành và huyện Cao Lãnh.
Hiện tỉnh có hơn 60% cơ sở nuôi cá tra theo quy trình khép kín từ ương giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu là những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định giảm được rủi ro.
Cá tra ở Đồng Tháp được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết và tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến.
Tỉnh có hai hợp tác xã, một tổ hợp tác và một Hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra và 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu có vùng nuôi với diện tích gần 1.000ha, chiếm 62% diện tích nuôi.
Còn lại các hộ nuôi đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tiếp hoặc thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác.
Trước tình hình giá cá tra lên xuống bất thường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Công Thương tăng cường công tác thông tin thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; đổi mới, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp để có những đề xuất kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nuôi cá tra, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh xuất khẩu./.