Vietravel Airlines kiến nghị bỏ quy định giá trần vé máy bay đối với những đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia. Việc bỏ trần giúp hãng có cơ hội nâng cao hơn chất lượng dịch vụ của mình.
Việc giá xăng dầu tăng 20-30% chỉ trong một vài tháng đã đè nặng thêm chi phí đối với các hãng hàng không khi ngành này vừa "gượng dậy" sau dịch COVID-19.
Do đó, các hãng hàng không đều đồng loạt có kiến nghị gửi Chính phủ về việc được thu phụ phí, điều chỉnh giá trần hay các biện pháp hỗ trợ,...
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, do chi phí xăng dầu tăng cao, hãng bay này dự tính chi phí sẽ tăng mức 5.000 - 7.000 tỷ đồng.
Vì vậy, bên cạnh chính sách giảm 50% phí bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay được ban hành trước đó, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ có những chính sách về giá vé để giúp doanh nghiệp phục hồi.
Giá trần vé máy bay: Hãng đòi tăng, hãng kiến nghị bỏ luôn!
Cụ thể, về giá trần vé máy bay, Vietnam Airlines kiến nghị cần điều chỉnh tăng lên do chi phí tăng xuất phát từ yếu tố giá xăng dầu.
"Việc điều chỉnh này không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà tạo điều kiện thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, một mặt bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác cải thiện chất lượng dịch vụ", Vietnam Airlines kiến nghị.
Một hãng bay khác là Vietravel Airlines cũng kiến nghị về giá trần. Tuy nhiên, hãng này đề nghị bỏ quy định giá trần vé máy bay đối với những đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia để tạo điều kiện cho ngành hàng không phát triển.
Lý giải về đề xuất này, Vietravel Airlines cho biết, việc áp giá trần vé máy bay nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tránh trường hợp hãng bay độc quyền và bán vé quá cao. Với các đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia, tính cạnh tranh đã được đảm bảo.
Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần sẽ giúp các hãng hàng không, trong đó có Vietravel Airlines có cơ hội nâng cao hơn chất lượng dịch vụ của mình.
"Hiện chúng tôi cung cấp suất ăn nhẹ trên máy bay cho khách và sắp tới là các dịch vụ giải trí trên không với mức chi phí đầu tư cao. Vì vậy việc áp giá trần sẽ khiến hãng khó lòng đầu tư các tiện ích mới, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng", ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines chia sẻ.
Đồng thời, trong giai đoạn du lịch cao điểm, các đường bay sẽ được khai thác lệch đầu. Việc khống chế giá trần khiến các hãng hàng không khó cân đối được hiệu quả khai thác hai chiều của đường bay. Chưa kể việc xăng dầu tăng giá, chi phí nhiên liệu tăng nhưng giá vé không đổi cũng khiến các hãng hàng không khó chủ động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Biên cho biết thêm.
Miễn thuế nhập khẩu, thu phụ phí giá xăng
Nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp hàng không đã đề xuất Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải xem xét giảm mức thuế nhập khẩu với nhiên liệu hàng không xuống 0% thay vì 7% như hiện nay.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vấn đề nguồn vốn.
"Những chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết, đặc biệt là hỗ trợ những gói tín dụng, kích cầu để đảm bảo cơ sở hạ tầng, giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn, người lao động yên tâm trở lại", ông Nề cho biết.
Cùng với chính sách về giá trần, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Nếu được áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.
Hãng cũng đề nghị được phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán, bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.
Tương tự, Vietravel Airlines cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay), thuế môi trường về 1.000 đồng/lít, cho đến hết năm 2022.
Ngoài ra, hãng cũng mong muốn được hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ngành hàng không; bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên.