Cổ phiếu MSN liên tục có những phiên biến động mạnh và thường tụt áp cuối phiên khiến nhà đầu cho rằng bị dùng “phục vụ” phái sinh và trở nên “xấu xí”...
Ảnh minh họa
Tháng 3/2022, MSN của Tập đoàn Masan đang là một trong những cổ phiếu biến động mạnh nhất trong rổ VN30, cả quá trình lẫn diễn biến trong từng phiên.
Đặc biệt trong tuần từ 14-18/3, tuần đáo hạn phái sinh, cổ phiếu có ảnh hưởng hàng đầu đến chỉ số VN30 lẫn VN-Index này có những diễn biến đáng chú ý.
Sau 4 phiên lao dốc rất mạnh trước đó, giá MSN từ quanh 160.000 đồng/CP rơi hẳn về thấp nhất sát 134.000 đồng/CP, và đây cũng là quãng điều chỉnh mạnh của thị trường chung trước khi bước vào tuần đáo hạn phái sinh. Với riêng MSN, quãng lao dốc trên đi cùng với lượng bán ròng lớn và liên tục của khối nhà đầu tư nước ngoài.
MSN đã liên tiếp có những phiên giá hồi phục mạnh nhưng không thành công, bởi thường xuyên tụt áp chóng vánh vào cuối phiên hoặc qua đợt ATC xác định giá đóng cửa. Trong phiên đáo hạn phái sinh ngày 17/3, sự chóng vánh này ghi nhận ở quãng giá từ quanh 142.000 đồng rơi hẳn xuống 138.000 đồng; hay phiên 18/3 từ gần 143.000 đồng rơi xuống còn 136.700 đồng với trọng số tác động từ lượng bán ra lớn (khoảng 1,8 triệu đơn vị) của quỹ ngoại cơ cấu…
Trong tuần vừa qua, nổi bật ở phiên 23/3, giá cổ phiếu MSN từng bật lên tới 153.800 đồng rồi đột ngột rơi hẳn về 147.000 đồng vào cuối phiên, diễn biến tụt áp quen thuộc như trên.
Là một trong những cổ phiếu trụ có ảnh hưởng lớn VN-Index và chỉ số VN30, biến động giá nói trên của MSN thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, và trở thành điểm bàn luận ở một số diễn đàn mở, trong đó có góc nhìn cho rằng cổ phiếu này đã bị sử dụng để “phục vụ” phái sinh (tác động đến chỉ số VN30), qua đó khiến cổ phiếu của Masan trở nên “xấu xí” và cần phòng ngừa rủi ro(?).
MSN từng được xem là một trong những "công thần" đối với các chỉ số chính trên HOSE hồi tháng 2 khi thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt thị trường Mỹ suy giảm mạnh
Trên thực tế, bên cạnh hiện tượng thường xuyên tụt áp cuối phiên nói trên, cổ phiếu MSN có quãng biến động khá tương đồng với các chỉ số chính trên HOSE. Giá cổ phiếu này cũng vừa có vài phiên phục hồi đáng kể sau khi lao dốc từ vùng 160.000 đồng về sát 134.000 đồng/CP; chốt phiên 25/3 ở mức 146.400 đồng/CP.
Nếu lùi về quãng trước tháng 3, MSN còn được xem là một trong những “công thần” đối với các chỉ số chính trên HOSE, cũng như góp phần giữ thị trường chung có quãng tương đối ổn định và không bị suy sụp khi thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt thị trường Mỹ có đợt điều chỉnh rất mạnh và sâu. Tuy nhiên, sau quãng này cổ phiếu của Masan ghi nhận hoạt động bán ra rất mạnh và kéo dài của khối nhà đầu tư nước ngoài và sau đó điều chỉnh cùng thị trường chung.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, diễn biến một số cổ phiếu trụ vẫn thường có những biến động khó lường, và đâu đó vẫn được một số ý kiến nhà đầu tư cho rằng dùng để lái chỉ số phục vụ đầu tư chứng khoán phái sinh. Trong đó, nhiều thời điểm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn giai đoạn trước đây như SAB của Sabeco với đặc trưng thanh khoản hạn chế và lô lệnh thường tối thiểu có thể tác động đến biên biến động giá rộng; hay vừa qua là diễn biến thường tụt áp cuối phiên tại MSN…
Tuy nhiên, trên thị trường, các luật chơi đã định. Các giao dịch đối với mỗi cổ phiếu đều có biên độ, cơ chế biến động giá theo cung - cầu, cân đối lệnh… Các giao dịch đó được thực hiện trong khuôn khổ quy định cho phép. Cuộc chơi nhà đầu tư phải chủ động thích nghi.
Còn với MSN, giá cổ phiếu từng có quãng thăng hoa vào cuối năm 2021 khi lên tới quanh 175.000 đồng/CP. Diễn biến này cũng theo thị trường chung, bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan của Tập đoàn Masan.
Đầu năm nay, khi Masan công bố kết quả kinh doanh sơ bộ vào ngày 19/1, Khối phân tích của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) từng đánh giá đó là kết quả “vượt kỳ vọng”, mà qua đó HSC từng khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu MSN với giá mục tiêu khi đó là 176.800 đồng/CP.