• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 8:21:01 SA - Mở cửa
DGC: Câu chuyện tăng giá của phốt pho vàng và đường đến vốn hóa tỷ đô
Nguồn tin: BizLive | 01/04/2022 10:30:03 SA
Trong một năm qua vốn hóa của DGC đã tăng 1,25 tỷ USD và trở thành doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất ngành hóa chất - phân bón. Câu chuyện tăng trưởng bứt phá của DGC là "phản ứng cộng" của nhiều mảng kinh doanh nhưng “chất xúc tác” lớn nhất là nhờ sự tăng giá của phốt pho vàng.
 
Vốn hóa tăng hơn 1 tỷ USD trong vòng 1 năm
 
Từng là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường xếp sau CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) trong nhóm ngành sản xuất hóa chất và phân bón nhưng chỉ trong hai năm đại dịch, vốn hóa của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) đã tăng hơn 15 lần (trong khi vốn hóa DCM tăng hơn 8 lần) và chính thức trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành.
 
Tại mức giá 228.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3), vốn hóa thị trường của Hóa chất Đức Giang đã vượt mốc 39.000 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD), tương ứng tăng hơn 29.000 tỷ đồng (gần 1,25 tỷ USD) so với cùng thời điểm tháng 3/2021. Trong khi đó, giá cổ phiếu DGC cũng ghi nhận mức tăng hơn 237% so với tháng 3 năm ngoái.

 
Diễn biến giá cổ phiếu DGC một năm qua
 
Trong năm 2021, cổ phiếu DGC ghi nhận đà tăng vững chắc khi liên tục đi lên và chính thức gia nhập câu lạc bộ thị giá 3 chữ số trong tháng 8 trước khi lập đỉnh của năm ở mức 177.890 đồng/cổ phiếu (phiên 13/12/2021). Ngay sau đó, DGC đi ngang rồi bước vào nhịp điều chỉnh trước khi bắt đầu chu kỳ tăng giá mới từ cuối tháng 1/2022 và bứt tốc mạnh từ đầu tháng 3 để xác lập đỉnh mới 234.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/3.
 
Cũng trong tháng 3 khối ngoại đã mua hơn 12,2 triệu cổ phiếu DGC với tổng giá trị giao dịch hơn 2.614 tỷ đồng, bằng với tổng khối lượng mua của 6 tháng trước cộng lại.
 
Đà tăng mạnh của cổ phiếu DGC diễn ra trong bối cảnh là giá các loại hàng hóa trên thế giới trong đó có giá các mặt hàng hóa chất tăng cao do những căng thẳng địa chính trị và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất trong đó có DGC được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp từ việc giá cả hàng hóa leo thang, do đó thu hút được dòng tiền trên thị trường.
 
Lãnh đạo DGC trong báo cáo thường niên năm 2021 cũng đánh giá, năm qua thị trường thế giới có nhiều biến động theo hướng có lợi cho các sản phẩm của tập đoàn. Điều này đã giúp toàn bộ sản phẩm ở cả thị trường trong nước và thế giới của tập đoàn tăng giá khiến doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ khi thành lập.
 
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh khả quan của DGC cũng nhờ duy trì nhà máy hoạt động hết công suất và đưa mỏ Apatit khai trường 25 vào hoạt động làm giảm chi phí đầu vào.
 
Theo đó, năm 2021 doanh thu hợp nhất của DGC đạt 9.550 tỷ đồng, tăng 53% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng tăng 165% lên mức 2.513 tỷ đồng và vượt 128% kế hoạch do đại hội đồng cổ đông đề ra.

 
Với lợi nhuận tăng mạnh, tại đại hội đồng thường niên vừa diễn ra vào ngày 29/3, DGC đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 127%, bao gồm 10% cổ tức tiền mặt (đã tạm ứng năm 2021) và cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 117% (phát hành thêm 200,16 triệu cổ phiếu trả cổ tức).
 
Cùng với đó, tập đoàn này đề ra mục tiêu đạt tổng doanh thu 12.117 tỷ đồng cho năm 2022, tăng 26% so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
 
Triển vọng tăng trưởng nhờ sự tăng giá của phốt pho vàng
 
Khởi điểm là một doanh nghiệp hóa chất và bột giặt được người tiêu dùng biết đến với nhãn hiệu bột giặt Đức Giang, phải đến năm 2003 sau khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất của Hóa chất Đức Giang mới dần khởi sắc. Đến nay, doanh nghiệp này được biết đến là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam.
 
Trong năm 2021, khi Trung Quốc tiếp tục cắt giảm sản xuất phốt pho vàng, giá phốt pho vàng trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh, kéo giá phốt pho vàng tại Việt Nam tăng theo. Do doanh thu từ bán thành phẩm (chủ yếu là phốt pho vàng và axit các loại) chiếm phần lớn doanh thu của DGC năm 2021 nên tổng doanh thu cả năm của tập đoàn cũng tăng mạnh.
 

 
Giá phốt pho vàng tại Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2021 - Nguồn: CEICdata
 
Phốt pho vàng và axit photphoric điện tử - sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin). Công ty tư vấn Wood Mackenzie dự báo sản lượng lithium iron phosphate toàn cầu có thể tăng gấp 5 lần lên 750.000 tấn vào năm 2030 đến từ ngành sản xuất pin xe điện, trong đó ước tính có 150.000 tấn phốt pho vàng, tương đương 13% sản lượng toàn cầu năm 2020.
 
Nắm bắt nhu cầu này, DGC đã phát triển một số hóa chất phốt pho mới phục vụ cho ngành công nghiệp pin lithium đang bùng nổ. Một số sản phẩm mẫu đã được gửi cho mảng xe điện VinFast và các khách hàng tiềm năng ở Trung Quốc. Ngoài ra, DGC cũng đang gửi các mẫu axit photphoric nhiệt (TPA) cao cấp cho các khách hàng Nhật Bản và Hàn Quốc để phục vụ các ứng dụng điện tử như màn hình LCD.
 
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, DGC tiếp tục xác định hơn một nửa doanh thu sẽ đến từ xuất khẩu phốt pho vàng với số lượng xuất khẩu lên tới 55.000 tấn, và có thể thu về khoảng 7.150 tỷ đồng.
 
 
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của DGC - Nguồn Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 của DGC
 
Rủi ro lớn nhất đối với kế hoạch của DGC có lẽ là sự đột ngột giảm giá của phốt pho vàng. Và quả thực sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 10 năm ngoái, giá phốt pho vàng trên thị trường thế giới đã lao dốc những tháng sau đó nhưng đã có sự phục hồi mạnh từ tháng 2/2022.
 
CTCK Mirae Asset Vietnam (MAS) kỳ vọng rằng xu hướng giá phốt pho vẫn sẽ duy trì mức cao do chính sách của Chính phủ Trung Quốc đang giảm dần các sản phẩm công nghiệp nặng, trong đó có mảng hóa chất để giảm bớt ảnh hưởng môi trường, cũng như những biến động mạnh của nguyên liệu thế giới.
 
MAS cho biết, DGC hiện có hai dây chuyền của nhà máy sản xuất axit phophoric điện tử vận hành cuối quý 3/2021 với công suất thiết kế là 30.000 tấn/năm. Nhu cầu sản phẩm lớn nên kỳ vọng hoạt động mảng này sẽ vượt công suất thiết kế trong năm 2022.
 
Ngoài ra, MAS cho rằng, việc giải phóng mặt bằng dự án Nghi Sơn đang đi vào giai đoạn cuối cùng, dự kiến việc xây dựng được triển khai trong nửa đầu năm 2022. Dự án Nghi Sơn có thể đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 cũng sẽ đóng góp cho sự tăng trưởng dài hạn của DGC.
 
MAS cho biết thông tin cụ thể mỏ quặng apatit thứ 2 của DGC chưa được công bố chi tiết nhưng sự đóng góp tích cực từ mỏ apatit 1 đã góp phần cải thiện chi phí dài hạn sẽ là cơ sở kỳ vọng tích cực dành cho DGC.
 
Năm 2022, MAS dự báo doanh thu thuần và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ DGC đạt 14.475 tỷ và 3.377 tỷ đồng, tăng 51,6% và 41,4% cùng kỳ nhờ giá bán vẫn duy trì tốt giúp biên lợi nhuận gộp chỉ giảm về mức 30,4% và đóng góp mới từ mảng bất động sản 340 tỷ đồng. Còn axit photphoric điện tử đạt sản lượng 45.000 tấn. MAS lưu ý rằng kết quả kinh doanh dự phóng chưa tính đến việc triển khai mỏ apatit mới.
 
Trong khi đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự phóng lợi nhuận trước thuế cốt lõi (không bao gồm mảng bất động sản) của DGC có thể tăng thêm 55% và 13% lần lượt trong 2022 và 2023. VCSC đưa mỏ quặng apatit thứ 2 của DGC vào dự phóng khi dự kiến mỏ này sẽ cung cấp 60% nhu cầu quặng apatit đầu vào, từ đó giúp công ty tiết kiệm 400 tỷ đồng chi phí quặng đầu vào hàng năm.