• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.240,41 0,00/0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 9:04:59 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.240,41   0,00/0,00%  |   HNX-INDEX   224,61   -0,01/-0,01%  |   UPCOM-INDEX   92,42   -0,02/-0,02%  |   VN30   1.297,81   0,00/0,00%  |   HNX30   478,04   +0,24/+0,05%
05 Tháng Mười Hai 2024 9:14:55 SA - Mở cửa
Xuất khẩu phục hồi mạnh nhờ nội lực
Nguồn tin: Tạp Chí Tài Chính | 17/04/2022 8:50:00 SA
Dù phải đối mặt nhiều khó khăn song xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý đầu tiên năm 2022 vẫn thu về kết quả khá tích cực. Xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc trong những quý tiếp theo, đặc biệt nhờ sự trợ lực từ việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
 
 
Dấu ấn của hàng công nghiệp chế biến
 
Theo đánh giá mới nhất của Bộ Công Thương, tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ghi nhận hồi phục mạnh mẽ, ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
 
Từ đầu năm đến hết tháng 3/2022, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%). “Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.
 
Đi sâu phân tích góc độ mặt hàng XK cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Quý đầu tiên năm 2022, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động XK với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý 1/2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch XK chung.
 
Nhìn chung, kim ngạch XK hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều tăng trưởng cao hơn so với quý 1/2021, trong đó dệt may là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng XK khá mạnh mẽ tới 22,5%, thu về 5,29 tỷ USD.
 
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, thông thường sau tết Nguyên đán là thời điểm trái vụ của ngành may. Trước dịch Covid-19, đây thường là thời điểm ít việc, song năm nay lại là năm nhiều việc. Hiện nay, tình hình thị trường tốt hơn năm 2020, 2021.
 
Toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều đã kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022. Thậm chí, một số mặt hàng như veston sau khoảng 15 tháng liên tiếp nối từ năm 2020 sang năm 2021 ít đơn, chỉ 30% năng lực được sản xuất thì năm nay đã có đơn kín đến hết tháng 9/2022. Năng lực sản xuất của DN được khôi phục hoàn toàn, thậm chí đơn hàng còn tăng vượt năng lực sản xuất.
 
Bộ Công Thương dự báo thời gian tới XK sẽ tiếp tục khởi sắc. Lý do là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTA của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động XNK.
 
“Ngoài ra, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng DN, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Đỗ Thắng Hải thông tin thêm
 
Động lực từ các FTA
 
Về nguyên nhân giúp XK hàng hóa từ đầu năm đến nay, nhất là nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến đạt kết quả tích cực, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là Việt Nam đã tận dụng được lợi ích đem lại từ các FTA. Bên cạnh các FTA như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA)…, trong năm 2022 còn có thêm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực. Tận dụng những ưu thế, ưu đãi của các FTA là vấn đề được Trung ương, địa phương cũng như các DN khá quan tâm, tạo đà tốt cho XK.
 
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh: hiện nay, May 10 đang tập trung tận dụng 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA. Trong 2 FTA này, tận dụng EVFTA dễ hơn bởi tỷ trọng hàng may mặc XK của Việt Nam vào châu Âu hiện đang rất thấp so với tiềm năng. Có EVFTA nên chắc chắn năm nay và các năm tiếp theo tăng trưởng XK vào thị trường châu Âu sẽ rất cao.
 
Đáng chú ý là, thời gian qua, May 10 đã mở rộng năng lực sản xuất ở Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình. Trong năm nay, DN đặt mục tiêu tuyển dụng từ 3.000-5.000 lao động cho 3 dự án lớn tại 3 địa phương trên nhằm mở rộng năng lực sản xuất, không chỉ cho những đơn hàng XK hồi phục mà cả cho những đơn hàng tăng lên về thị phần ở các FTA như EVFTA hay CPTPP.
 
“Từ trước tới nay, thị trường XK chính của May 10 vẫn tập trung vào Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. May 10 luôn luôn cân bằng 3 thị trường nêu trên. Ví dụ, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40-45%; châu Âu khoảng 30-35%; Nhật Bản khoảng 10-15%; còn lại là các thị trường khác.
 
Tuy nhiên, năm 2020 và năm 2021, thị trường Mỹ có những thời điểm lên tới 65%. Năm 2022, sau khi dịch được kiểm soát và thị trường châu Âu cũng hồi phục, cơ cấu các thị trường XK của May 10 sẽ cân bằng trở lại. Dự kiến, thị trường châu Âu sẽ lấy lại tỷ lệ cũ là khoảng 30-35% tổng doanh thu XK của May 10”, ông Việt nói.
 
Trong cả năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, DN đã dần thích nghi với các cam kết của FTA cùng với lộ trình thuế NK của các đối tác tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Điều này tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, phát huy lợi thế với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh.
 
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bày tỏ quan điểm: “Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực ký kết các FTA, mở ra cơ hội về mặt thuế quan cho DN khi XK. Điều kiện cần là sự nỗ lực của các DN trong việc tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường NK, từ đó tận dụng ưu đãi từ các FTA”.
 
Trong những quý tiếp theo, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến XK, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, XNK của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.
 
"Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động XK, NK vừa tận dụng được cơ hội về giá để XK và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
 
Quý 1/2022, trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, điện thoại và linh kiện có giá trị XK lớn nhất, đạt 14,23 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch XK, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,05 tỷ USD, tăng 9,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,9 tỷ USD, tăng 8,8%; hàng dệt may đạt 8,84 tỷ USD, tăng 22,5%; giày dép đạt 5,29 tỷ USD, tăng 10,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,04 tỷ USD, tăng 5,6%; sắt thép các loại đạt 2,16 tỷ USD, tăng 7,1%.
 
Trong đó, một số mặt hàng tăng mạnh so với quý 1/2021 như: phân bón các loại tăng 183% (do giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến); hóa chất tăng 67%; đá quý và kim loại quý tăng 55,7%; mây, tre, cói và thảm tăng 34,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 30,2%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 29,7%..