Chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên cắt lỗ nếu không hiểu rõ về cổ phiếu mình đang nắm giữ. Cơ hội ăn bằng lần khó hơn, chọn cổ phiếu tốt khó hơn , tuy nhiên không đồng nghĩa không có nhà đầu tư chiến thắng.
Thị trường đã tạo đáy hay chưa? Có nên cắt lỗ?… là các câu hỏi được nhiều nhà đầu tư gửi đến chuyên gia tham gia Talkshow chủ đề “Hành động trong vòng xoáy thông tin” do báo Đầu tư tổ chức chiều nay (21/4).
Buổi chia sẻ diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm 9/10 phiên gần đây, trong đó có 6 phiên giảm điểm liên tiếp.
Ông Trần Hải Hà (giữa) và ông Đào Phúc Tường chia sẻ với nhà đầu tư về xu hướng thị trường, hành động của nhà đầu tư
Tâm lý đám đông là chủ yếu
Đề cập tới diễn biến giảm mạnh của thị trường, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính, người từng có nhiều năm làm việc tại APS Asset Management, Singapore cho biết, thị trường giảm trong 3 tuần qua là điều bất ngờ với nhiều nhà đầu tư. Việc điều chỉnh giảm của thị trường bắt nguồn từ hai câu chuyện liên quan sự kiện FLC và Tân Hoàng Minh.
“Thực ra câu chuyện này với giới đầu tư chứng khoán không mới. Trước đó, cơ quan quản lý đã có đề cập phải làm lành mạnh thị trường. Nếu nhìn vụ việc Tân Hoàng Minh, trước đó UBCK đã hủy phát hành trái phiếu của một công ty khác nhưng quy mô nhỏ. Nếu nhà đầu tư phân tích sâu có thể thấy đó là điểm bắt đầu cho quyết tâm của cơ quan quản lý, theo đó có hành động với danh mục của mình”, ông Tường nói.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, cũng như những thị trường mới nổi khác, TTCK Việt còn non trẻ, đặc biệt năm 2021 có sự tham gia nhiều của NĐT F0, nên hành xử có sự non kinh nghiệm nhất định, tạo hiệu ứng bầy đàn, một người bán sẽ có nhiều người bán theo.
“Câu chuyện sau khi sự kiện FLC xảy ra, mọi người nghĩ chỉ ảnh hưởng trong nhóm đó. Đến khi sự kiện Tân Hoàng Minh, thị trường cũng chỉ giảm khoảng 1%. Sau đó mọi người có nhiều thời gian để suy nghĩ tới sự tác động lan tỏa của nó. Tiếp đến, tuần rồi và tuần này thị trường giảm mạnh hơn, trên nền margin cao”, ông Tường đề cập.
Đồng ý một phần quan điểm trên, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) chia sẻ, 4-5 tháng trước, ông Hà đưa ra dự báo quý 1/2022 sẽ là đỉnh 22 năm của TTCK, thực tế VN-Index đã đạt trên 1.530 điểm.
Ông Hà nêu, nhìn vào bản chất dòng tiền, hoạt động của doanh nghiệp niêm yết và sự tham gia của nhà đầu tư, quy mô TTCK hiện mở với khoảng 5 triệu tài khoản chứng khoán, 1.500 doanh nghiệp niêm yết, nhưng thực tế chất lượng dòng tiền, nội tại dòng tiền tham gia thị trường khác với hai năm trước.
Với sự quyết tâm chống dịch của toàn Đảng, Nhà nước, có thể chúng ta đã chiến thắng COVID. Đi cùng đó, dòng tiền bắt đầu quay lại sản xuất kinh doanh, dòng tiền chờ đợi cơ hội trên thị trường đang dần rút.
“Rõ ràng 2 năm qua vai trò nhà đầu tư cá nhân là chủ yếu khi nước ngoài liên tục bán ròng. Với thanh khoản gấp khoảng bốn lần 2019, với sự tham gia nhà đầu tư cá nhân là chính yếu, nên tâm lý đám đông cũng là chủ yếu. Với tâm lý không chắc, trong sự hỗn loạn thị trường thì có sự khủng hoảng, kết quả có 9/10 phiên giảm”, CEO MBS cho biết.
Nhà đầu tư có nên cắt lỗ?
Đề cập tới một số cổ phiếu, nhóm ngành đi ngược sóng là thủy sản, may mặc, bất động sản khu công nghiệp… ông Trần Hải Hà đưa ra một số lý giải. Thứ nhất, đặc điểm chung các nhóm này có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với kỳ vọng thị trường.
Thứ hai, tỷ lệ freefloat ở những cổ phiếu này thấp, như DPM, DCM… lượng cổ phần lớn nằm trong tay ông chủ doanh nghiệp, nguồn cung cổ phiếu giao dịch hạn chế. Thứ ba, bản thân các nhóm ngành này tỷ lệ nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính thấp, khi có sự giảm giá của các ngành khác thì không bị ảnh hưởng nhiều.
Nói về xu hướng thị trường thời gian tới, ông Hà nhận định, về dài hạn thị trường còn chứng kiến nhiều đỉnh mới. Sự đi lên của TTCK là chắc chắn, tất yếu.
“Nhìn về quá khứ, sau 2 năm thị trường tăng mạnh việc giảm là tất yếu, nghỉ một bước tiến nhiều bước. Năm 2022, quan điểm cá nhân tôi đây là thời điểm nhà đầu tư thông minh cân nhắc lựa chọn cổ phiếu. Nhưng cơ hội ăn bằng lần khó hơn, chọn cổ phiếu tốt khó hơn, tuy nhiên không đồng nghĩa không có nhà đầu tư chiến thắng. Quý 2 sẽ có khó khăn nhưng sẽ sớm tốt trở lại vào tháng 8,9 năm nay”, lãnh đạo MBS cho biết.
Chia sẻ về hành động trong tuần tới, ông Hà cho biết, trong giới đầu tư có khái niệm, có thời điểm ngồi im cũng là đầu tư.
“Thị trường sẽ có nhịp hồi từ nay tới giữa tháng 5. Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp hồi chuyển hướng danh mục tới những cổ phiếu hưởng lợi từ kinh tế vĩ mô như thủy sản, logistics, cao su, sản xuất vật liệu, bán lẻ, doanh nghiệp có câu chuyện riêng khi hưởng lợi từ chính yếu tố bên ngoài như cuộc chiến Nga - Ukraine”, lãnh đạo MBS cho biết.
Còn theo chuyên gia Đào Phúc Tường, thị trường hiện tại ở giai đoạn thiếu định hướng, không phản ánh câu chuyện thông tin của doanh nghiệp, mà đến từ bất ổn từ các yếu tố mới phát sinh của thị trường.
Chuyên gia này nêu, có ba yếu tố rủi ro đánh giá được trước khi đưa ra hành động. Thứ nhất là việc làm trong sạch thị trường đi xa đến đâu, sự kiện cuối tuần là điểm cuối cùng hay bắt đầu?
Thứ hai là việc siết phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng sẽ ảnh hưởng ra sao đến thanh khoản tới CTCK, TTCK.
“Theo thống kê ngân hàng và CTCK mua 80-90% tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 và đã phân phối ra ngoài thị trường, đa phần nhà phân phối có cam kết nhất định với nhà đầu tư. Sự kiện xảy ra với Tân Hoàng Minh có làm cho những trái chủ chột dạ, mang trái phiếu đến lấy lại tiền không? Nếu có sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền, tới CTCK”, chuyên gia Đào Phúc Tường đánh giá.
Thứ ba là yếu tố mới manh nha là lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên, lãi suất cho vay của các CTCK tăng lên.
Theo chuyên gia này, thực tế năm 2021 nhà đầu tư F0 chiến thắng quá dễ dàng, có tình trạng ai cũng có thể trở thành chuyên gia. Nhà đầu tư không chú trọng nhiều quy trình, trường phái, chiến lược đầu tư của mình.
“Ngay cách tiếp cận trận đấu đã có vấn đề. Đây là cơ hội tốt nhìn lại mình, định hình những công cụ, vũ khí mình có để đầu tư. Từ đó xác định cho mình mục tiêu, chiến lược, chiến thuật đầu tư. Sẽ có nhiều nhà đầu tư không coi đầu tư giá trị là trường phái của họ, nhiều nhà đầu tư theo các trường phái đan xen khác nhau. Hiện có trào lưu đầu tư theo dòng tiền, nhưng không nắm hết nội tại mình cầm cổ phiếu gì, lên như thế nhưng xuống sẽ như thế nào. Phải định hình, trang bị kiến thức công cụ. Nếu nhà đầu tư lướt sóng thì nên lướt chuyên nghiệp, nếu đầu tư giá trị thì cũng đầu tư chuyên nghiệp”, ông Tường chia sẻ.
Trả lời câu hỏi hiện có nên cắt lỗ hay không, ông Phúc cho rằng, nếu nhà đầu tư cầm cổ phiếu mà không hiểu gì về nó thì nên cắt lỗ.
“Nếu cầm cổ phiếu mà hiểu được giá trị nội tại thì tìm hiểu xem mình chịu lỗ được bao nhiêu, có chờ được cơn bão đi qua. Với nhà đầu tư F0, ngại nhất là cầm hàng mà không hiểu, nhìn vào danh mục đã thấy chán. Nhà đầu tư phải biết mình cầm cổ phiếu gì, tại sao cầm cổ phiếu đó, từ đó mới quyết định có nên cắt lỗ hay không", ông Tường nói.