Là một trong số ít thương hiệu vang bóng một thời còn sản xuất kinh doanh và chưa năm nào phải báo lỗ, nhưng hoạt động chung của Diêm Thống Nhất gặp rất nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm mới ngày càng hiện đại hơn.
Thương hiệu 63 năm bị "khai tử"
CTCP Diêm Thống Nhất ra đời từ năm 1956, xuất thân từ một doanh nghiệp Nhà nước sản xuất diêm truyền thống, hoạt động của công ty chủ yếu liên quan đến kinh doanh và sản xuất sản phẩm sinh lửa là Diêm và Bật lửa. Ngoài ra, Công ty phát triển ngành nghề sản xuất bao bì, in ấn, kinh doanh thương mại…
Trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, bếp gas hay bếp điện vẫn chưa xuất hiện, bật lửa cũng chưa phổ biến, thì diêm Thống Nhất là công cụ gần như duy nhất giúp người Việt thắp lửa. Tuy không có số liệu thống kê chính thức, nhưng có lẽ diêm Thống Nhất là sản phẩm có mặt trong tất cả các quầy tạp hóa, thống trị thị trường lúc bấy giờ.
Thách thức của Diêm Thống Nhất xuất hiện trong vòng vài năm gần đây, khi những bao diêm - từ vật phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình đang dần thay thế bằng các sản phẩm tiện dụng và hiện đại hơn, như bật lửa.
Nhà máy Diêm Thống Nhất. Ảnh: Lao động.
Bước sang năm 2020, hộp diêm có hình bồ câu trắng trên nền trời xanh đã chính thức khép lại vòng đời 63 năm của mình. Việc này đã được thông báo trước từ cuối năm 2019 khi Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất đã thông qua việc dừng sản xuất các sản phẩm diêm. Việc "khai tử" thương hiệu diêm Thống Nhất cũng sẽ kết thúc vòng đời 63 năm của sản phẩm vang bóng một thời tại Việt Nam.
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường, CTCP Diêm Thống Nhất đã thông qua quyết định dừng sản xuất diêm từ năm 2020.
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty ghi "dừng sản xuất diêm từ năm 2020" là chưa đầy đủ nội dung phiên họp. Theo đó, công ty dự kiến chỉ dừng sản xuất diêm đại trà với mảng bán lẻ, nhưng vẫn tiếp tục sản xuất các loại diêm quảng cáo theo nhu cầu của khách hàng.
Đồng thời, công ty cũng cho biết đã hợp tác với các nhà sản xuất trong và ngoài nước để sản xuất loại Diêm truyền thống với chất lượng, mẫu mã tốt hơn và chi phí hợp lý hơn.
Không chỉ dừng sản xuất diêm, doanh nghiệp này cũng rời khỏi sàn chứng khoán sau 6 năm niêm yết.
Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của CTCP Diêm Thống Nhất (MCK: DTN). Theo đó, ngày giao dịch cuối cùng của Diêm Thống Nhất trên sàn UPCoM là 21/10/2020.
Với 2,2 triệu cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu Diêm Thống Nhất hủy giao dịch tương đương 22 tỉ đồng (theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).
Lý do được HNX đưa ra: "CTCP Diêm Thống Nhất không còn đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng".
Trước khi chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán, Diêm Thống Nhất từng công bố thông tin về rủi ro mang tính đặc thù: "Mặt hàng chính của công ty là diêm hộp các loại sử dụng cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, Bao bì carton. Các mặt hàng này chịu ảnh hưởng nhiều từ sức mua của người tiêu dùng và sự thay thế của các loại sản phẩm khác. Đặc biệt diêm là sản phẩm tiêu dùng thông thường, tính thương mại kém, giá trị thấp, có nhiều sản phẩm thay thế".
Giá tham chiếu cổ phiếu của doanh nghiệp này đạt 12.000 đồng/cổ phiếu vào ngày giao dịch đầu tiên 23/6/2014. Sau đó 4 năm, đến 1/2018, cổ phiếu Diêm Thống Nhất từng rơi đáy, chỉ còn hơn 2.500 đồng, sau đó hồi phục dần.
Diêm Thống Nhất tìm hướng đi mới sau khi dừng sản xuất diêm
Khi sản lượng tiêu thụ sản phẩm cốt lõi giảm dần mỗi năm, ban lãnh đạo CTP Diêm Thống Nhất buộc phải tìm hướng đi mới cho công ty. Bên cạnh sản phẩm diêm truyền thống, công ty còn sản xuất cả bật lửa và bao bì carton đáp ứng sự thay đổi của cuộc sống hiện đại.
Riêng về bật lửa Thống Nhất, năm 2013 là năm đầu tiên bật lửa góp mặt trên thị trường và mới chỉ là số 0 tròn trĩnh. Bất chấp việc ra đời muộn màng, sản phẩm này lại đi đúng hướng, nhanh chóng được thị trường đón nhận. Bắt đầu từ năm 2014, sản phẩm này bán được 1,65 triệu chiếc và liên tục tăng theo cấp số nhân, lên đến 14,67 triệu chiếc vào năm 2018, trong đó chủ yếu được tiêu thụ ở miền Bắc và miền Trung.
Diêm Thống Nhất gắn bó một thời với người dân Việt Nam
Cùng với sản xuất bật lửa Thống Nhất, Công ty còn phân phối dòng bật lửa Thống Nhất – Cricket nhập khẩu từ Malaysia, sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ qua các hợp đồng quảng cáo với số lượng lớn. Tuy nhiên, lượng bán phục vụ người tiêu dùng còn thấp do giá cao, không hấp dẫn như các dòng bật lửa nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc…
Có thể nói, bật lửa ra đời thực sự trở thành “cứu tinh” cho kết quả kinh doanh của Diêm Thống Nhất. Trong khi doanh số bán diêm truyền thống liên tục sụt giảm, doanh thu của công ty vẫn được duy trì khá ổn định, dù thị phần bật lửa vẫn chưa đáng kể.
"Sức khoẻ" kinh doanh của Diêm Thống Nhất giờ ra sao?
Từ giai đoạn nền kinh tế bắt đầu mở cửa, Diêm Thống Nhất cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài, đặc biệt là bật lửa Trung Quốc. Khoảng 10 năm qua, doanh thu công ty đều đạt trên 100 tỉ nhưng dây chuyền sản xuất cũ, giá nguyên liệu tăng khiến giá vốn công ty luôn chiếm tỷ lệ cao. Kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp dao động trong khoảng 2-3 tỉ đồng/năm.
Từng là đơn vị giữ thị phần gần như tuyệt đối về sản xuất diêm tuy nhiên số lượng bao diêm mà đơn vị này tiêu thụ trong năm 2016 chỉ đạt 109 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với năm 2015.
Kết quả này cũng tiếp nối tình hình tiêu thụ giảm sút trong nhiều năm gần đây. Sản lượng tiêu thụ diêm năm 2016 đã giảm 6 triệu bao so với 2014 và gần 30 triệu bao so với năm 2013. So thời điểm cách đây 8 năm với mức tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm, sản lượng của Diêm Thống Nhất đã giảm tới gần 40%.
Không chỉ sản phẩm diêm hộp truyền thống, các sản phẩm diêm que xuất khẩu và diêm hộp xuất khẩu cũng chứng kiến mức sụt giảm đáng kể.
Năm 2016, sản lượng diêm que xuất khẩu của Diêm Thống Nhất chỉ đạt 138 tấn, giảm 30% so với cách đây 8 năm. Trước đó năm 2014, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này đã chạm đáy chỉ còn 42 tấn.
Trong khi đó, sau gần 20 năm xuất hàng cho đối tác truyền thống Malaysia, đến hết năm 2015 diêm hộp xuất khẩu gần như đã phải chấm dứt hoàn toàn do nhu cầu sử dụng không còn. Sản lượng xuất khẩu chỉ còn 700.000 bao trong năm 2015, trong khi năm 2008 đơn vị này xuất khẩu gần 20 triệu bao.
Năm 2018, công ty ghi nhận 123 tỉ đồng doanh thu nhưng giá vốn chiếm hơn 83%, sau khi trừ các chi phí hoạt động diêm Thống Nhất thu về vỏn vẹn 2 tỉ đồng lãi ròng sau thuế. Thậm chí năm 2019 lợi nhuận còn giảm xuống mức 900 triệu đồng.
BCTC năm 2021 của CTCP Diêm Thống Nhất
Mới đây nhất, CTCP Diêm Thống Nhất vừa công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong năm 2021 với doanh thu giảm 11,3% so với năm 2020 khi chỉ đạt gần 129 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lại tăng gần 28% so với năm trước khi đạt mức 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi trước thuế của doanh nghiệp cũng tăng nhẹ khi đạt 2,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng tài sản giảm từ 44,53 tỷ đồng (thời điểm ngày 1/1/2021) xuống còn 41,1 tỷ đồng (thời điểm ngày 31/12/2021). Trong khi đó, nợ phải trả cũng giảm 23% so với số đầu năm khi chỉ còn hơn 12,4 tỷ đồng.