Thị trường ghi nhận một phiên kiểm định đáy mạnh mẽ, song một số chuyên gia cho rằng, xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường vẫn xấu bởi rất có thể đó chỉ là phiên hồi kỹ thuật. Tuy nhiên, xét về dài hạn vẫn còn nhiều điểm sáng để thúc đẩy đà tăng cho VN-Index.
Chốt phiên ngày 10/5, mặc dù VN-Index đã tìm lại được sắc xanh khi tăng 23,94 điểm (+1,89%) lên 1293.56 điểm với sự dẫn dắt của cổ phiếu blue-chips. Tuy nhiên, quan sát trong khoảng thời gian 7-10 ngày vừa qua, VN-Index liên tiếp lao dốc không hề có lực cầu bắt đáy xuất hiện, thanh khoản của thị trường rất yếu, quanh mức 14.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên.
Lo cho thanh khoản
Theo Fiingroup, trong tháng 4, số liệu nhà đầu tư cá nhân ghi nhận bán ròng mạnh nhất từ đầu năm 2021 (4.300 tỷ đồng), song lượng tiền trên tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán không tăng tương ứng, số dư tiền gửi/tài khoản của quý I/2022 thậm chí giảm so với quý IV/2021. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền đã được rút ra khỏi thị trường.
Xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường vẫn xấu nhưng xét về dài hạn vẫn còn nhiều điểm sáng để thúc đẩy đà tăng cho VN-Index. (Ảnh minh hoạ)
Trên một diễn đàn chứng khoán, anh Nhật Nam, một nhà đầu tư cho biết đã chính thức cắt lỗ khi cổ phiếu giảm 60% giá trị và nói lời tạm biệt với thị trường. “Tiền nên để đầu tư, gửi nơi an toàn chứ không phải “chơi” chứng khoán”, anh Nam nói.
Một số chuyên gia cho rằng, thị trường rơi vào xu hướng giảm kéo dài hơn 1 tháng qua đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư F0. Theo đó, những người đã rời bỏ thị trường trong đợt giảm trước vẫn chưa có can đảm mua lại hoặc tính “nghỉ chơi”, một số khác đang chờ tín hiệu thị trường nên dù cổ phiếu đã giảm giá rất sâu họ vẫn lưỡng lự.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế bao trùm áp lực lạm phát, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, thị trường tài sản như tiền ảo, vàng đều giảm, niềm tin của giới đầu tư vào xu thế hồi phục của thị trường không còn mạnh mẽ.
Ngoài ra, việc thua lỗ trên thị trường chứng khoán cơ sở thời gian qua đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển qua phái sinh với mục đích “gỡ gạc”.
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 4, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tăng mạnh so tháng trước đó. Tính bình quân, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trong tháng đạt 202.670 hợp đồng/phiên, tăng 56,68% so tháng trước; giá trị giao dịch đạt 29,55 nghìn tỷ đồng, tăng 53,15% so tháng trước.
“Ở thị trường cơ sở để mua vào thời điểm này dường như rất khó, bởi tăng 1-2 phiên sau đó đều giảm ngay. Trong khi nhà đầu tư cá nhân muốn kiếm tiền thật nhanh để gỡ nên họ chọn phái sinh. Điều này cũng dễ hiểu”, ông ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank phân tích.
Cơ hội cho đầu tư dài hạn
So sánh 2 lần giảm kỷ lục gần đây cho thấy, mặc dù mức giảm điểm của các chỉ số trong phiên ngày 9/5 không lớn bằng phiên giảm kỷ lục hôm 25/4 nhưng lại khiến nhà đầu tư lo lắng hơn rất nhiều khi chứng kiến trên 946 mã cổ phiếu giảm giá, trong đó tới 345 mã giảm kịch sàn, không chỉ cổ phiếu đầu cơ mà nhiều mã cổ phiếu trụ, sức khỏe tài chính doanh nghiệp sau mùa công bố báo cáo tốt vẫn nằm sàn la liệt.
Không chỉ vậy, dù mức giảm của VN-Index trong phiên 9/5 vẫn chưa rơi xuống mức thấp nhất như trong ngày 26/4 nhưng rất nhiều cổ phiếu đã giảm sâu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
“Xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường vẫn xấu. Sự hồi phục có khả năng xảy ra nhưng chỉ tạm thời, mang yếu tố kỹ thuật là chủ đạo. Bởi khi giá giảm quá sâu sẽ có lực bắt đáy, còn người bán sẽ nản lòng không bán nữa, trừ những tài khoản bị giải chấp do sử dụng margin (đòn bẩy tài chính) cao”, ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Hiện tại, giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đã giảm tới 40%-50% nhưng thống kê của Chứng khoán BIDV (BSC) cho thấy, đến hết tháng 4 đã có khoảng 900 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh, tổng quy mô lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này tăng trưởng mức 33% so với quý I/2021 và tăng trưởng hơn 12% so với quý IV/2021.
Về định giá, nhiều doanh nghiệp có chỉ số P/E chỉ 6-10 lần và P/E của toàn thị trường chỉ khoảng 13 lần. “Các doanh nghiệp đang dần phục hồi và thị trường đang được định giá rẻ”, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích BSC nhận xét.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam trong 4 tháng vừa qua không những ổn định mà còn có nhiều điểm sáng, tạo đà thuận lợi cho tăng trưởng trong các quý tiếp theo của năm. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn đủ hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn và biến động thời gian qua là cần thiết cho thị trường, đảm bảo đà tăng trưởng dài hạn.
Đáng chú ý, mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết đang phối hợp các công ty chứng khoán thử nghiệm giao dịch lô lẻ, diễn ra từ ngày 9/5 đến 20/5. Nếu việc giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu được áp dụng trở lại sẽ đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư nhiều hơn, từ đó có thể kéo nhà đầu tư cũng như dòng tiền quay trở lại thị trường.
Đưa ra lời khuyên chiến lược cho các nhà đầu tư, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, vùng điểm 1.300 điểm được xem là ngưỡng tâm lý thu hút dòng tiền của nhà đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư cần quan sát kỹ thị trường đến hết tháng 5. Trong kịch bản giữ được mốc 1.300 điểm đến hết tháng 5 thì xu hướng tăng vẫn còn có thể xác lập.
Tuy nhiên, “nhà đầu tư phải có chiến lược đầu tư rõ ràng, tránh những sai lầm phổ biến như mua bình quân giá, cố gắng dự đoán thị trường và không có thời điểm cắt lỗ rõ ràng. Nhóm cổ phiếu tiêu dùng, bán lẻ và hoá chất vẫn là nhóm "trú ẩn" cho nhà đầu tư dù xu thế dài hạn của thị trường kém tích cực”, ông Minh lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị, nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét giải ngân khi thị trường về hỗ trợ quanh 1.300 điểm cho mục tiêu 6-12 tháng tới ưu tiên giải ngân vào những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2022-2023 và định giá đã ở mức chiết khấu tốt sau giai đoạn điều chỉnh lớn vừa qua.
“Thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường cực kỳ tiềm năng. Thay vì đầu tư thời gian ngắn hạn trong tuần, trong tháng, nhà đầu tư hãy nghĩ đến năm 2023, 2024 khi Việt Nam có cơ hội để trở thành thị trường mới nổi”, Giám đốc phân tích BSC nói.