Giá cao su hôm nay 18/5 tiếp đà tăng ở cả hai sàn. Hoạt động mua gia tăng ở khách mua hàng đầu Trung Quốc là yếu tố tích cực cho giá cao su trong bối cảnh cầu trầm lắng hiện nay...
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 6/2022 ghi nhận mức 244 yen/kg, tăng 0,25% (tương đương 0,6 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 14h36 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2022 được điều chỉnh lên mức 12.850 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,12% (tương đương 15 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Cập nhật lúc: 18/05/2022 lúc 14:36:02
Cập nhật lúc: 18/05/2022 lúc 14:36:02
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay phục hồi từ mức thấp 8,5 tuần, do giá tại sàn Thượng Hải tăng thúc đẩy hoạt động mua mới trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu tăng ở Trung Quốc – nước mua hàng đầu - để sản xuất ôtô bất chấp các chỉ số kinh tế của nước này đang trì trệ.
Tháng 4/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 45,66 nghìn tấn, trị giá 78,97 triệu USD, giảm 34,6% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 tăng 37,4% về lượng và tăng 42,6% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.729 USD/tấn, giảm 1,2% so với tháng 3/2022, nhưng tăng 3,8% so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 325,89 nghìn tấn cao su, trị giá 562,17 triệu USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 3,58 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 621,77 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I/2022 chiếm 17,3%, giảm so với mức 19,2% của cùng kỳ năm 2021.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Trung Quốc đạt 1,14 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Lào, Indonesia và Việt Nam. Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 6 cho Trung Quốc với 59,87 triệu USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 5,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 8% của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Lào… Trong đó, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên từ Lào tăng mạnh nhất, tăng tới 12.838% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) của Trung Quốc đạt 1,49 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Lào là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.
Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 557,47 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 40,4% của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như: Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines; trong khi giảm nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia…