• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
09 Tháng Mười Một 2024 11:51:55 CH - Mở cửa
Nâng cao hiệu lực của Luật Chứng khoán
Nguồn tin: Vneconomy | 03/05/2022 11:07:02 SA
Sau những lùm xùm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, điều quan trọng hơn là tạo một thị trường minh bạch, hiệu quả và bảo vệ tối đa quyền lợi của nhà đầu tư, bất kể là trong nước hay nước ngoài. Khoảng cách giữa luật trên giấy và luật trên thực tế cũng cần được thu hẹp, lý tưởng nhất là không còn khoảng cách...
 
Cùng với những xử lý quyết liệt mới đây của các cơ quan quản lý nhà nước trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chiều ngày 22/4 Chính phủ đã tổ chức Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
 
Với quyết tâm cao làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính và nâng hạng thị trường từ cận biên (frontier) lên mới nổi (emerging), kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các hành động hiện đưa các quy định vào thực tế.
 
 
 
LUẬT TRÊN GIẤY VÀ LUẬT TRÊN THỰC TẾ
 
Trong việc giám sát, quản lý, và bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung, vấn đề mà rất nhiều nước đều gặp phải đó là hiệu quả của việc thực thi (enforcement) của các quy định pháp luật. Cụ thể ở đây là khoảng cách giữa những quy định trên giấy và thực tế áp dụng các quy định ấy.
 
Như Việt Nam cũng đã có Luật Chứng khoán (sửa đổi) năm 2019, các Nghị định và Thông tư đi kèm nhưng các vi phạm vẫn diễn ra và mãi đến gần đây mới được đánh động và xử lý. Vậy đâu là nguyên nhân?
 
Thứ nhất là mức độ xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ mạnh và có tính răn đe. Chẳng hạn trên website thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hoạt động thanh tra giám sát thì nhiều vụ xử phạt bằng tiền chỉ vài chục triệu đồng đối với vi phạm của một công ty niêm yết hay một công ty chứng khoán. Nếu như lợi ích có được từ vi phạm lớn hơn rất nhiều so với tiền phạt thì dĩ nhiên ngại gì không vi phạm.
 
Thứ hai là nhân lực và nguồn lực của cơ quan quản lý giám sát thiếu và yếu, về số lượng và cũng có thể về trách nhiệm thực thi. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, số liệu cuối năm 2020 cho biết Ủy ban Chứng khoán (CSRC) có 3,278 cán bộ công nhân viên để giám sát 4.154 công ty niêm yết, và ở Hoa Kỳ là hơn 4.000 nhân viên cho khoảng 4.000 công ty niêm yết. Trong khi đó ở Việt Nam, có gần 400 cán bộ công nhân viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch tham gia vào việc giám sát 1.640 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch ở 3 sàn là HOSE, HNX và UPCoM.
 
Thứ ba là thiếu vắng hệ thống thực thi tư nhân (private enforcement) tức là những khiếu nại pháp lý giữa các bên tham gia của thị trường. Chẳng hạn một cổ đông có thể kiện doanh nghiệp hay Ban lãnh đạo của doanh nghiệp trong trường hợp quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề của nhiều thị trường khác vì trách nhiệm thực thi thường đặt lên vai của cơ quan quản lý nhà nước (public enforcement).

 
Thứ tư là hệ thống người thổi còi (whistleblowers) chưa được khuyến khích phát triển để trở thành một bên giám sát hiệu quả. Ở một số thị trường, một cá nhân có thể báo cáo các sai phạm của một doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán và được tưởng thưởng cho công lao của mình. Như ở Hoa Kỳ, Luật Dodd-Frank năm 2010 đảm bảo, bảo vệ danh tính của người báo cáo và nhận được các khoản tiền thưởng rất lớn, lên đến 10-30% số tiền xử phạt.
 
Trong số hơn 2 tỷ USD tiền phạt mà SEC và CFTC thu được, gần 500 triệu USD là để thưởng cho những người báo cáo. Người báo cáo có thể là nhân viên, nhà cung cấp, nhà thầu, khách hàng hay bất kỳ ai phát hiện ra được hoạt động vi phạm pháp luật của doanh nghiệp niêm yết.
 
MỘT SỐ KINH NGHIỆM VIỆT NAM CÓ THỂ THAM KHẢO
 
Trong quá trình làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư thì một thị trường đang phát triển như Việt Nam cần tích cực và chủ động trong việc hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về quản lý giám sát. Thực tiễn thị trường có những điều đi trước quy định và do đó phải nhanh chóng bịt lại các lỗ hổng để tránh bị lạm dụng. Một số quy định có thể được đưa vào sớm để đón đầu sự phát triển của thị trường, theo kinh nghiệm của những thị trường đã phát triển.
 
Trong quá trình thực thi và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cần chú ý đến sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với nhau. Thực tế ở một số nước, như Trung Quốc đã cho thấy việc xử lý vi phạm dường như có ưu ái hơn cho các doanh nghiệp có vốn hóa lớn, các doanh nghiệp có phần vốn của Nhà nước. Các hình thức xử lý vi phạm từ hành chính có thể lách sang phi hành chính cũng phụ thuộc vào trách nhiệm và sự mẫn cán của cán bộ được giao nhiệm vụ xử lý.
 
Đối với các doanh nghiệp bị xử lý, nếu thông tin được công bố rộng rãi và nhanh chóng kịp thời thì có ảnh hưởng khá nhiều đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với thị trường vốn của doanh nghiệp qua các hình thức khác như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu cũng bị ảnh hưởng theo. Do đó, việc thông tin các vi phạm cần được đẩy mạnh để doanh nghiệp thấy được thiệt hại của mình, mà từ đó có cân nhắc khi muốn vi phạm.
 
Trong các điều kiện hiện nay để Việt Nam trở thành thị trường mới nổi, chỉ còn trở ngại lớn nhất là thành lập mô hình bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty Clearing House) cho các chứng khoán cơ sở. Tuy nhiên, điều này cũng không khó khi Việt Nam đã có kế hoạch thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán trước năm 2023.
 
Việc nâng hạng thị trường của Việt Nam là điều hiển nhiên, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là tạo một thị trường minh bạch, hiệu quả và bền vững. Muốn vậy thì chỉ có cách tối đa bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, bất kể là trong nước hay nước ngoài. Khoảng cách giữa luật trên giấy và luật trên thực tế cũng cần được thu hẹp, lý tưởng nhất là không còn khoảng cách. Cần sớm có một Luật riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính, trong đó có dịch vụ đầu tư.
 
Và cuối cùng, cần phát triển các bên độc lập trong thị trường như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, giáo dục nâng cao kiến thức hiểu biết cho nhà đầu tư, những người thổi còi, cũng như việc thông tin có trách nhiệm của các nguồn thông tin đại chúng.