Nga tuyên bố cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Hà Lan kể từ hôm nay thứ Ba (31/5), sau khi GasTerra, nhà cung cấp được Hà Lan hậu thuẫn từ chối thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp. Trong khi đó, EU đạt đồng thuận trong việc cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga.
Trước đó, Gazprom Export đã yêu cầu các nước châu Âu thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng rúp trước các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đối Nga sau khi Moscow quyết định đưa quân vào Ukraine.
Gazprom đã cắt nguồn cung khí đốt cho Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria sau khi họ từ chối tuân thủ các điều khoản thanh toán mới.
GasTerra là công ty phân phối khí đốt chính thức của Hà Lan. Ảnh Koen Suyk/ANP
GasTerra, công ty mua và kinh doanh khí đốt của Hà Lan, cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã 'lường trước' các động thái cắt giảm khí đốt của Nga và đã mua 'ở nơi khác' một phần trong số 2 tỷ mét khối khí đốt mà họ dự kiến sẽ nhận được từ Gazprom từ này đến tháng 10 tới.
Khoảng 44% năng lượng của Hà Lan dựa vào khí đốt, nhưng chỉ có khoảng 15% lượng khí đốt của Hà Lan đến từ Nga, theo số liệu của chính phủ nước này. Hà Lan trước đó đã công bố kế hoạch ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào cuối năm nay.
Các quốc gia châu Âu đang chia rẽ về việc đáp ứng yêu cầu của Moscow rằng tất cả các khoản thanh toán cho khí đốt phải được thực hiện bằng đồng nội tệ của Nga.
Đức và Ý được cho là đã nói với các công ty của họ rằng họ có thể mở tài khoản bằng đồng rúp để tiếp tục mua khí đốt của Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây (không cho phép thanh toán bằng đồng USD hay euro).
Trong một diễn biến liên quan khác, vào đầu giờ sáng của Việt Nam, hãng tin AP của Mỹ cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được đồng thuận một phần về việc cấm vận đối với dầu khí đến từ nước Nga.
Theo đó, hơn 2/3 lượng khí đốt từ Nga tới châu Âu sẽ bị cấm nhập khẩu nhằm chặn nguồn tài chính cho chiến tranh Ukraine.
Trước đó, theo Reuters, bất chấp các cuộc đàm phán vào phút cuối giữa các nước EU, các nhà lãnh đạo khối này đã không nhất trí được về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga hai ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU chính thức bắt đầu tại Brussels.
Trong khi các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia tuyên bố sẽ đồng ý về nguyên tắc một lệnh cấm vận dầu mỏ, các chi tiết của dự thảo cuối cùng của họ vẫn chưa được thông qua.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết ông mong đợi các bên sẽ đạt được một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của EU, dự kiến diễn ra vào các ngày 23 và 24 tháng 6, vẫn theo Reuters.