Dự báo vào kỳ điều hành ngày mai (ngày 1/6), giá xăng trong nước có thể được điều chỉnh tăng từ 200 - 800 đồng/lít, tuỳ thuộc vào mức chi và trích lập Quỹ Bình ổn giá.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/5 của xăng 92 (dùng để pha chế xăng E5RON92) là 146,08 USD/thùng, xăng 95: 154.26 USD/thùng, dầu hỏa: 146,43 USD/thùng, diesel: 149,49 USD/thùng, mazut: 652,59 USD/tấn với xu hướng tăng nhẹ so với giá xăng dầu bình quân tại kỳ điều chỉnh ngày 23/5.
Dự báo giá xăng dầu có thể tăng vào kỳ điều chỉnh ngày 1/6.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam dự báo kỳ điều hành ngày mai (1/6), giá xăng sẽ có điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp. Nếu không sử dụng và trích thêm Quỹ bình ổn, xăng có thể tăng trong khoảng 200-800 đồng/lít, còn dầu tăng khoảng 400 đồng/lít. Nguyên nhân là do giá dầu thô Brent đã tăng tới 6%, chạm mức cao nhất 2 tháng qua và giá dầu thô WTI tăng 1,5%.
Trong khi đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác cho biết, so với 10 ngày trước, giá bán lẻ của các loại xăng trong nước đang thấp hơn giá bán xăng thành phẩm trung bình trên thị trường Singapore từ 350-850 đồng/lít.
Do đó, tại kỳ điều hành ngày 1/6, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 350-850 đồng.
Nếu dự báo trên chính xác, giá xăng RON95 trong nước nhiều khả năng sẽ chạm hoặc vượt mốc 31.000 đồng/lít. Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 23/5, xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít lên 29.630 đồng/lít ; xăng RON 95 tăng 670 đồng/lít lên 30.650 đồng/lít.
Ở thị trường thế giới, lúc 6 giờ 5 phút ngày 31/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 6 được giao dịch ở mức 117,5 USD/thùng, tăng 2,40 USD, tương đương 2,09%. Cùng thời điểm, giá dầu Brent giao tháng 7 được giao dịch ở mức 121,7 USD/thùng, tăng 2,24 USD, tương đương 1,88%.
Giá dầu thô thế giới tăng là do Thượng Hải - Trung tâm tài chính của Trung Quốc sắp dỡ bỏ các hạn chế xã hội để đối phó với dịch COVID-19. Thượng Hải đã thông báo chấm dứt việc phong tỏa vì COVID-19 kéo dài hai tháng và sẽ cho phép đại đa số người dân ở thành phố lớn nhất Trung Quốc ra khỏi nhà và lái ô tô từ 1/6. Việc dỡ bỏ lệnh trên làm dấy lên hy vọng rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại ở quốc gia Đông Á này.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng một phần bởi tồn kho xăng và dầu của Mỹ tiếp tục giảm trong khi không có bất kỳ bước đột phá nào để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm tiếp dầu Iran cho thị trường dầu thế giới đang ngày một thắt chặt hơn...