Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 dần được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn nhờ chuẩn bị kế hoạch kỹ càng đã ghi nhận kết quả kinh doanh rất khả quan trong quý đầu năm.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Quý đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số
FPT (
FPT Retail, HoSE:
FRT) ghi nhận doanh thu đạt 7.786 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 29% kế hoạch doanh thu năm 2022. Trong đó, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 2.159 tỷ đồng, tăng trưởng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, doanh thu online của
FRT đạt 1.475 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19% tổng doanh thu hợp nhất quý I. Đáng chú ý, ngành hàng laptop ghi nhận doanh thu tăng trưởng 74% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.407 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2022 của
FRT đạt 204 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với quý I/2021, hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE:
MWG) - chủ sở hữu của hàng loạt chuỗi bán lẻ đình đám như Thế giới Di động (TGDĐ), Điện Máy Xanh (ĐMX) và Bách hóa Xanh (BHX) cũng ghi nhận doanh thu tăng 18% lên mức kỷ lục 36.467 tỷ đồng trong quý I.
Trong quý này, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.445 tỷ đồng, cao thứ hai trong lịch sử hoạt động, tăng trưởng 8% từ nền so sánh rất cao của quý I/2021.
Trong quý I, các chuỗi TGDĐ, ĐMX và Topzone mang về cho công ty hơn 30.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ.
Đối với Bách Hoá Xanh (BHX), chuỗi ghi nhận doanh thu lũy kế 6.040 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và tăng 8% so với quý IV/2021. Chuỗi nhà thuốc An Khang ghi nhận doanh số trong ba tháng đầu năm gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE:
PNJ) cũng công bố tình hình kinh doanh quý I/2022 với doanh thu thuần khả quan khi đạt 10.143 tỷ đồng, tăng hơn 41% và lợi nhuận sau thuế đạt 721 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Sau quý đầu năm,
PNJ đã hoàn thành 39,3% mục tiêu doanh thu và 54,6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính riêng trong tháng 3/2022, doanh thu thuần của
PNJ đạt 3.077 tỷ đồng, tăng 41,5% và lãi sau thuế 199 tỷ đồng, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, WinCommerce (WCM) - đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ WinMart/ WinMart, thành viên của Tập đoàn Masan (HoSE:
MSN) cũng công bố doanh thu thuần quý I đạt 7.297 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,7% so với quý IV/2021. Trong đó siêu thị mini WinMart+ đem về doanh thu thuần 4.756 tỷ đồng, siêu thị WinMart đem về doanh thu thuần 2.510 tỷ đồng. EBITDA của WCM đạt 164 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang mở rộng với tốc độ chóng mặt.
Tăng tốc mở rộng mặt bằng sau đại dịch
Là nhóm ngành luôn thu hút giới đầu tư, bán lẻ được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ đà hồi phục của nền kinh tế. Mở màn quý đầu năm 2022 không chỉ bằng tình hình kinh doanh khả quan, các đơn vị bán lẻ cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh về quy mô.
Chỉ tính riêng quý đầu năm,
FRT đã mở thêm 146 cửa hàng Long Châu và 29 cửa hàng
FPT Shop. Được biết, trong năm nay,
FRT có kế hoạch mở ít nhất 300 cửa hàng Long Châu và 70 cửa hàng
FPT Shop. Song song đó, công ty tiếp tục thực hiện mở rộng trung tâm laptop với 87 trung tâm mở mới, nâng tổng số lên 157.
Kết thúc 3 tháng đầu năm 2022,
FRT có tổng cộng 676 cửa hàng
FPT Shop, tăng 29 cửa hàng so với hồi đầu năm. Tại ngày 31/3/2022, riêng chuỗi Long Châu có 546 nhà thuốc, mở mới 146 nhà thuốc so với thời điểm đầu năm 2022.
Nổi bật trong ngành thời gian qua với tốc độ phát triển cực nhanh, WinCommerce đặt tham vọng mở mới 1.000 cửa hàng bán lẻ mini trên toàn quốc đến cuối năm. 3 tháng đầu năm đã tăng thêm 109 cửa hàng mới gồm 2 siêu thị WinMart và 107 siêu thị mini WinMart+. WinCommerce kỳ vọng, quy mô chuỗi sẽ đạt hơn 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị trong năm 2022.
Về phía
MWG, tính đến cuối tháng 3, công ty vận hành 5.497 cửa hàng, bao gồm 985 cửa hàng TGDĐ, 2.077 cửa hàng ĐMX, 29 cửa hàng Topzone, 2.127 cửa hàng BHX, 211 nhà thuốc An Khang, 44 cửa hàng Bluetronics và 24 cửa hàng AVA độc lập. Trong đó, chuỗi ĐMX có thêm 85 cửa hàng, TGDĐ thêm 15, BHX thêm 21 cửa hàng.
Đối với các chuỗi mới như Topzone, AVA,
MWG cũng tăng tốc mạnh. Topzone tăng số lượng cửa hàng từ 10 lên 29 trong vòng 3 tháng, chuỗi AVA có thêm 24 cửa hàng độc lập.
Đặc biệt, chuỗi An Khang được thực hiện đúng như kế hoạch, mở rộng từ 178 cửa hàng lên 211 cửa hàng trong quý I. Theo chia sẻ tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, lãnh đạo
MWG đặt mục tiêu nâng lên 400 cửa hàng An Khang vào cuối tháng 6.
Tại
PNJ, trong kỳ,
PNJ Gold đã mở mới 2 cửa hàng và nâng cấp 3 cửa hàng. Theo đó, hệ thống
PNJ hiện có 340 cửa hàng độc lập bao gồm 321 cửa hàng
PNJ Gold, 10 cửa hàng
PNJ Silver, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 2 cửa hàng
PNJ Style, 1 cửa hàng
PNJ Watch và 3 cửa hàng
PNJ Art.
Song song với việc mở rộng mạng lưới, các doanh nghiệp bán lẻ cũng tập trung vào việc giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận đa dạng mẫu mã sản phẩm, tăng tính trải nghiệm với nhiều ưu đãi đặc biệt.
Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra mới đây, phía
FRT cho hay với chuỗi nhà thuốc Long Châu, công ty sẽ đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh, thành nhằm nâng cao vị thế trên thị trường dược phẩm. Song song đó,
FPT Long Châu sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hoá.
Về phía
MWG, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết trong năm 2022, BHX sẽ tạm ngừng mở rộng để tập trung xây dựng hệ thống quản trị với mục tiêu là hầu hết các quyết định đều do máy móc đưa ra thay vì do con người đưa ra. Bên cạnh đó, BHX cũng thay đổi về tư duy và cách thức bán hàng.
“Niềm tin trong quá khứ của BHX là đưa nhiều hàng hóa vào cửa hàng, dù lộn xộn nhưng khách hàng sẽ mua nhiều hơn. Tuy nhiên bây giờ, niềm tin đã thay đổi, BHX muốn khách hàng cảm thấy thoải mái, muốn ở lại lâu hơn, được tiếp xúc với nhân viên dễ thương, sẵn sàng giúp đỡ, từ đó muốn mua nhiều hàng hơn. Đến khoảng tháng 7-8/2022, toàn bộ 2.000 cửa hàng BHX sẽ tốt hơn rất nhiều so với trước đây”, ông Tài nhấn mạnh.
Ngoài ra, công ty tiếp tục thể hiện tham vọng xuất ngoại, dồn lực “đánh chiếm” thị trường Indonesia khi công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue). Mục tiêu của liên doanh là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới.
Đại diện
MWG cho hay, liên doanh Era Blue đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ở nước ngoài của
MWG và kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực giúp công ty nối dài chuỗi tăng trưởng trong tương lai.
Sự cộng hưởng giữa thực tế kinh doanh mô hình bán lẻ điện máy và năng lực vận hành mạng lưới bán lẻ của
MWG, cùng với nguồn lực sẵn có của Erajaya sẽ giúp Era Blue rút ngắn thời gian hình thành và phát triển tại thị trường Indonesia. Theo kế hoạch, cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ người tiêu dùng vào giữa năm 2022 tại Jakarta.