Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh hiện nay có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư lựa “hạt giống tốt” cho mùa quả ngọt khi thị trường được nâng hạng.
Thị trường thăng hạng, định giá cổ phiếu sẽ cao hơn
Nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của MSCI là một trong những mục tiêu quan trọng Chính phủ đặt ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.
Gần đây, kỳ vọng thị trường sớm “thăng hạng” lại được nhen lên trong giới đầu tư, sau những thông điệp chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhất là sau chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cụ thể, trong chuyến công tác vừa qua, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) để chuẩn bị các điều kiện nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế các nhà đầu tư tham gia 2 thị trường.
Nhà đầu tư ngoại đang mua ròng trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhìn nhận về câu chuyện này, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam cho rằng, có thể phải đến năm 2025, việc nâng hạng mới diễn ra, do thị trường Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí về tỷ lệ sở hữu và quyền bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài, sự dễ dàng luân chuyển vốn vào ra và mức độ tự do của thị trường ngoại hối.
Đây là những tiêu chí khó và cần thời gian để hoàn thành, do liên quan đến vấn đề quy định pháp lý.
Ông Phục lấy ví dụ, hiện phần lớn các cổ phiếu lớn trong rổ VN30 hay các cổ phiếu có sức hấp dẫn khác đều đã hết room cho nhà đầu tư ngoại, do đó, dù nhiều nhà đầu tư dù có quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng cũng không thể giải ngân vốn do những rào cản về quy định room ngoại.
Tuy vậy, theo ông Phục, khi thị trường được nâng hạng sẽ là cơ hội định giá lại các cổ phiếu với mức cao hơn nhiều so với hiện tại.
"Nếu thị trường hiện tại là thôn xóm thì sau nâng hạng sẽ là thị trấn, thị xã. Mặt bằng giá bất động sản bao giờ cũng tăng giá mạnh khi huyện lên đời thành quận. Hình ảnh này khá đầy đủ khi mô tả về sự tương đồng với giá cả hàng hoá của thị trường chứng khoán trước và sau khi nâng hạng”, ông Phục ví von.
Theo vị chuyên gia này, khi được nâng hạng, thị trường sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền lớn đổ vào thị trường sẽ tạo nên cầu về cổ phiếu lớn và đẩy giá cổ phiếu lên cao. Thực tế cho thấy, tại nhiều thị trường, giá cổ phiếu và chỉ số chứng khoán chung đều tăng mạnh, có thể từ 50 - 70%.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE nhận định, việc nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút một khối lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư thụ động. Những dòng vốn mới này được ước tính có giá trị ban đầu khoảng 1 tỷ USD và có thể tăng lên hàng chục tỷ USD sẽ là lực đẩy đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mặt khác, quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, quản trị doanh nghiệp, đưa thị trường Việt Nam phát triển về chất lượng và tiến gần hơn tới chuẩn quốc tế, những yếu tố này về lâu dài sẽ có lợi cho tất cả các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết.
Theo bà Linh, hiện dòng vốn ngoại chỉ chiếm 15% giao dịch toàn thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường được nâng hạng, một dòng vốn ngoại rất lớn sẽ theo các quỹ đầu tư thụ động chảy vào thị trường Việt Nam. Hiện tại, trên toàn thế giới, có gần 7.000 tỷ USD được đầu tư vào các thị trường mới nổi thông qua các quỹ thụ động, chỉ cần một tỷ lệ rất nhỏ trong số 7.000 tỷ USD này chảy vào Việt Nam thì đó đã là một số tiền rất lớn, đủ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới.
Theo ước tính của HSBC, nếu tỷ trọng của Việt Nam trong rổ của thị trường mới nổi khu vực châu Á là 2%, các dòng vốn đổ vào thị trường sẽ đạt 8 - 9 tỷ USD. Con số này tương đương 1,4 lần giá trị phân bổ của các quỹ đầu tư nước ngoài và gần bằng thanh khoản của 8 ngày giao dịch. Khi đó, dòng vốn ngoại có thể chiếm đến 30 - 35% giao dịch toàn thị trường.
Thời điểm tốt để “gieo trồng”
"Hiện là giai đoạn mà nhà đầu tư có thể tìm hiểu và lựa chọn các cổ phiếu doanh nghiệp có nền tảng tốt và định giá còn rẻ, như một hoạt động gieo mầm cho tương lai."
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam
Ông Phục – người được biết đến với việc đi theo trường phái đầu tư “tích sản” – đưa ra khuyến nghị, hiện là giai đoạn mà nhà đầu tư có thể tìm hiểu và lựa chọn các cổ phiếu doanh nghiệp có nền tảng tốt và định giá còn rẻ, như một hoạt động gieo mầm cho tương lai.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, cơ hội nâng hạng thị trường là rõ rệt, nhưng chỉ thực sự phù hợp với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Còn theo bà Linh, nhà đầu tư nên hiểu rằng việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đến nhưng cũng không phải rất gần, vì vậy, chúng ta chỉ nên coi đó như một điểm cộng cho tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Việc đầu tư cổ phiếu vẫn phải căn cứ vào tiềm năng, sức khoẻ tài chính và mức định giá của doanh nghiệp.
Bà Linh cũng cung cấp thông tin, tại một số thị trường đã được nâng hạng trước đó như Pakistan, Kuwait, Arab Saudi thì dòng tiền sẽ đổ vào thị trường trước khi công bố nâng hạng và đưa định giá tại các nước này lên một mặt bằng mới, thường là gấp rưỡi mức định giá cũ.
Vì vậy, thời điểm đầu tư hợp lý đối với thị trường cho nhà đầu tư luôn là đầu tư càng sớm càng tốt, mua và nắm giữ những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, có tài chính lành mạnh cũng như có định giá hợp lý. Nếu chúng ta chờ đến khi có thông tin được nâng hạng mới đầu tư thì lúc đó sẽ phải mua với mức giá đắt hơn hiện tại rất nhiều.
Cũng đưa ra những cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường, ông Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc cho rằng, khi việc nâng hạng được thực hiện thì quy mô thị trường cải thiện, hàng hoá nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và thông tin cũng minh bạch hơn. Các chuẩn thị trường đều được nâng cao hơn và có thể bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư.
“Hiện là 'thời điểm vàng' cho các nhà đầu tư thông minh, việc nâng hạng sẽ là mốc son của cả thị trường sau ngần ấy năm thành lập. Khối ngoại đang rất háo hức trước những thông tin tích cực này, nên không có lý gì mà các nhà đầu tư trong nước lại đứng ngoài cuộc”, ông Kiên nói.
Dự báo việc nâng hạng có thể sẽ diễn ra vào khoảng năm 2024 - 2025, ông Kiên khuyến nghị “giờ là lúc các nhà đầu tư cần tìm mua và nắm giữ cổ phiếu những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, có tài chính lành mạnh cũng như có định giá hợp lý. Còn nếu chờ đến khi có thông tin được nâng hạng mới đầu tư thì lúc đó nhà đầu tư sẽ phải mua cổ phiếu với mặt bằng giá đã tăng cao”.