Hạ dự báo tăng trưởng và nâng dự báo lạm phát là điểm chung của các báo cáo kinh tế được các tổ chức tài chính quốc tế phát hành mới đây. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách ứng phó với những biến động có thể xảy ra trong tương lai...
“Cuộc chiến giá cả” là tựa đề Báo cáo Triển vọng tăng trưởng kinh tế được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phát hành ngày 8/6. Theo đó, OECD đã nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên lên 8,5%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1988. Đáng chú ý, một số quốc gia sẽ phải vật lộn với “cuộc chiến” lạm phát khi chỉ số giá dự kiến tăng tới 72% với Thổ Nhĩ Kỳ, 62,1% với Argentina hay 15,6% tại Lithuania…
Trong khi rủi ro lạm phát gia tăng, OECD lại hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2022 xuống 3%, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2021.
Điều đáng nói, chỉ trước đó một ngày, Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cũng không mấy sáng sủa. Ngân hàng này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9% (thay vì 4,1% như báo cáo trước), đồng thời cảnh báo nguy cơ nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Quốc phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19, cùng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát tăng chính là những nguyên nhân chính kìm hãm tăng trưởng.
Tương tự, hồi tháng 4/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 1 điểm % xuống mức 3,6% trong khi lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn nhiều so với dự báo trước đây.
“Điều này cho thấy những khó khăn nhất định của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cần có kế hoạch chuẩn bị ứng phó với những biến động của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới”, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, khuyến nghị.
Thế giới đang đối đầu với "Cuộc chiến lạm phát".
VIỆT NAM PHỤC HỒI NHƯNG VẪN CÒN RỦI RO
Liên quan đến Việt Nam, theo đánh giá của IMF, mặc dù Việt Nam có cú sốc lớn nhưng đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính.
Trong suốt đại dịch, Việt Nam đã ban hành các chính sách tài khóa hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua việc giảm, giãn thuế và phí, đồng thời tăng chi thường xuyên và chi đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện cắt giảm lãi suất, yêu cầu các ngân hàng giảm hoặc miễn lãi suất, đồng thời cho phép tái cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, đây là yếu tố cần thiết để giúp các ngân hàng vượt qua khủng hoảng một cách an toàn và ngăn chặn sự thắt chặt tín dụng.
Đặc biệt, việc ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được đánh giá là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Theo đó, các tổ chức quốc tế tin rằng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam vẫn trên 6%.
“Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo lạc quan, rất cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, ngoại trừ một số ngành có tốc độ tăng trưởng tốt, tiệm cận với tốc độ trước dịch, hầu hết các ngành còn lại chưa về mức độ tăng trưởng trước khi Covid-19 diễn ra.
“Đáng kể như hiện nay bất động sản đang gặp thách thức lớn do những tác động từ chính sách và vốn tín dụng trong ngắn hạn. Sự khó khăn của ngành này đã dẫn truyền sang các ngành như xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng…”, Chủ tịch FiinGroup nhận định.
Cụ thể, CEO FiinGroup cảnh báo, cho dù ngành ngân hàng, tài chính vẫn phát triển tốt ở thời điểm này nhưng những khó khăn mà ngành bất động sản hiện đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới đây.
Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù lạm phát trong những tháng đầu năm được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. “Trong đó, có 3 nhóm chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, ông Lâm nhấn mạnh.
Thứ nhất, sự đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ khiến giá cả nguyên, vật liệu sản xuất nhập khẩu từ bên ngoài tăng do thiếu hụt nguồn cung trước xung đột Nga – Ukraine và chiến lược zero Covid-19 của Trung Quốc, đẩy chi phí sản xuất trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo leo thang.
Thứ hai, giá xăng dầu thế giới tăng cao kỷ lục và lạm phát nhiều quốc gia trên thế giới lập đỉnh trong nhiều năm dẫn tới những tác động xấu tới giá xăng dầu trong nước, từ đó thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn trong nền kinh tế.
Thứ ba, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng.
CẦN CHÍNH SÁCH THÍCH ỨNG
Trước “vòng quay” chậm lại kinh tế toàn cầu và những rủi ro, bất định mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, ông Francois Painchaud cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi.
Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.
“Cho đến nay, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ một cách thích hợp nhưng cần phải ngày càng cảnh giác với rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ”, đại diện IMF đề xuất.
Đặc biệt, trước cú sốc về tài chính – tiền tệ có thể xảy ra, IMF khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng vùng đệm tài khóa để tăng khả năng chống chịu. Việc áp dụng Basel II là chìa khóa để nâng cao năng lực quản lý rủi ro và khả năng xử lý thua lỗ.
“Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng”, TS. Nguyễn Bích Lâm nói.
Ngoài ra, có thể cần phải tăng vốn cho các ngân hàng do chất lượng tài sản giảm sút kể từ đầu đại dịch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch tăng vốn, cần cân nhắc các đợt phát hành vốn cổ phần, bao gồm cả nâng giới hạn sở hữu nước ngoài và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các ngân hàng thương mại nhà nước.
Còn theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, các nước thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga làm trầm trọng thêm thiếu hụt nguồn cung, ông Lâm gợi ý Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung; đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên, vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng”, ông Lâm khuyến nghị.