Thị trường hôm nay chủ yếu thử thách khối lượng bán tháo khi VN-Index rơi xuống sát đáy cũ tháng 5 vừa qua. Thanh khoản tiếp tục duy trì thấp là một tín hiệu tốt, đồng thời nhóm blue-chips phân hóa đã ngăn chỉ số sụp đổ...
Thị trường hôm nay chủ yếu thử thách khối lượng bán tháo khi VN-Index rơi xuống sát đáy cũ tháng 5 vừa qua. Thanh khoản tiếp tục duy trì thấp là một tín hiệu tốt, đồng thời nhóm blue-chips phân hóa đã ngăn chỉ số sụp đổ.
Điểm thấp nhất VN-Index chạm tới trong hôm nay là 1162,94 điểm, giảm 1,48% so với tham chiếu trước khi nhóm blue-chips kéo lên. Mức điểm này cũng gần tương đương đáy thấp nhất của chỉ số chạm tới trong tháng 5 vừa qua.
Nhóm blue-chips lớn nhất của VN-Index đã có sự phân hóa khá tích cực hôm nay.
Đà giảm ở cổ phiếu vẫn áp đảo hoàn toàn, nhưng điểm sáng là nhóm blue-chips VN30 có trụ. VN30-Index gần như không giảm (-0,08%) với độ rộng 14 mã tăng/12 mã giảm. Đây là nhóm vốn hóa duy nhất có độ rộng tích cực.
Dù không nhiều cổ phiếu tăng, nhưng VN30 có tới 10 mã tăng trên 1%, trong đó 5 mã tăng trên 2%. Xuất sắc nhất là VNM tăng 6,81%, thậm chí trong phiên có lúc kịch trần. Hôm nay là phiên tăng thứ 2 liên tiếp ở mã này, sau khi phản ứng tốt với đáy cũ tháng 5.
VN-Index hôm nay có tới hai lần rơi xuống sát mức thấp nhất trong tháng 5.
VNM cũng là một trong số rất ít cổ phiếu blue-chips phản ứng với đáy một cách rõ ràng và có sức mạnh. Trong 5 phiên gần nhất VNM đã tăng 14,26%. Hôm nay thanh khoản của VNM lọt top 5 toàn thị trường với 348,6 tỷ đồng và gần 4,84 triệu cổ phiếu, cao nhất kể từ cuối tháng 3/2022. Điều đáng tiếc là với mức giảm quá nhiều thời gian qua, vốn hóa của VNM đã teo nhỏ và hôm nay chỉ kéo lại 2,7 điểm cho VN-Index.
Trong rổ VN30, BID tăng 2,71%, TPB tăng 2,4%, BVH tăng 2,18%, VCB tăng 2,24%, CTG tăng 1,99%, SAB tăng 1,97% là những cổ phiếu mạnh vượt trội. Trong đó BID, VCB và CTG cũng có ảnh hưởng khá mạnh.
Nhờ có nhóm blue-chips tăng với số lượng nhiều hơn và vốn hóa tương đối lớn, VN-Index đóng cửa hôm nay chỉ giảm nhẹ 7,93 điểm tương đương 0,67%. Chỉ số này vẫn xuống dưới mốc 1.200 điểm, nhưng đã phản ứng khá tích cực ở vùng đáy thấp nhất.
Lẽ ra VN-Index đã có thể tốt hơn nếu như GAS không giảm quá sâu. Mã này mất 4,17% và HPG giảm 3,7% có tác động mạnh. GAS lúc đóng cửa đã có cầu vào khá mạnh kéo lên, trong phiên thậm chí còn giảm sàn. Nhóm VIC, GVR giảm không đáng kể cũng là yếu tố hỗ trợ. Lợi thế nổi bật của các cổ phiếu tầm trung trong rổ VN30 phản ánh lên chỉ số này, khi VN30-Index chỉ mất 1,02 điểm tương đương 0,08%.
Phần còn lại của thị trường vẫn còn khá tiêu cực. Độ rộng chung của HoSE ghi nhận 138 mã tăng/323 mã giảm. Vẫn có 68 cổ phiếu đóng cửa ở giá sàn và 124 cổ phiếu giảm trên 2%. Midcap giảm 2,53%, Smallcap giảm 3%. Số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo trong 2 rổ này cho thấy nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục thua thiệt và khả năng cân bằng cung cầu vẫn chưa xuất hiện.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán hôm nay đảo chiều khá ấn tượng. HCM quay đầu tăng kịch trần, SHS tăng 9,02%, VCI tăng 6,6%, DSC tăng 6,31%, MBS tăng MBS tăng 6,16%. Tuy nhiên SSI vẫn giảm 4,69%, BVS, AGR... và một số mã nhỏ hơn vẫn giảm giá.
Mặc dù có hiện tượng phân hóa tốt trong rổ VN30 và đan xen tăng giảm yếu trên mặt bằng chung, nhưng áp lực bán vẫn đang hiện hữu. Trong top 20 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường hôm nay, chỉ có 4 mã tăng giá là VND, VNM, STB và VPB, còn lại đều giảm. Cổ phiếu năng lượng, hóa chất, thép, thủy sản, bất động sản... đều có đại diện giảm sâu với thanh khoản lớn như HPG, DGC, REE, DIG, DCM, DPM, VHC...
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn hôm nay giảm 3,1% so với hôm qua, đạt 15.062 tỷ đồng, khối lượng giảm khoảng 2%. Mức giao dịch ở cả hai tiêu chí này đều giảm xác nhận thanh khoản yếu. Điểm tốt là chỉ có 105/395 cổ phiếu có giao dịch ở HoSE hôm nay đóng cửa ở giá thấp nhất ngày, còn lại đều thoát đáy với mức độ khác nhau.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục mua ròng 378,8 tỷ đồng trên HoSE, với VNM +149,2 tỷ, REE +83,6 tỷ, GAS +68,5 tỷ. Phía bán ròng có HPG -211,5 tỷ đồng là chiếm hầu hết mức bán ra.