Những biến động mạnh của thị trường chứng khoán thời gian gần đây khiến việc lựa chọn cổ phiếu trở nên khó khăn hơn với nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, mặc dù chưa kết thúc quý 2/2022 nhưng bức tranh kinh doanh đã phần nào hiện rõ và có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Nhóm hàng hóa thiết yếu cơ bản đang có sự phục hồi mạnh hơn so với các nhóm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản…
Nhóm cổ phiếu có thể tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm 2022.Hình minh họa
Lựa chọn cổ phiếu phòng thủ
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Chứng khoán MB (MBS) tại chương trình Talkshow Phố Tài chính, sau khi thị trường có tín hiệu đầu tiên của sự phục hồi, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh ấn tượng và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022 đã hồi phục mạnh mẽ, trong đó có những cổ phiếu vượt đỉnh. Hai nhóm cổ phiếu được ưu thích thời gian gần đây là ngành điện, đặc biệt các nhóm thủy điện, nhiệt điện. Nhóm thứ hai là nhóm liên quan đến ngành bán lẻ.
Ông Tuấn cho rằng để tìm ra được những doanh nghiệp phòng thủ, cần tìm kiếm các lĩnh vực được cho rằng, sẽ tăng trưởng trong vòng 2 – 3 năm tới. Nhà đầu tư không nên có tầm nhìn theo quý mà chọn những doanh nghiệp đầu ngành, hướng tới việc chiếm lĩnh thị phần trong ngành nghề đó. Khi nắm giữ các doanh nghiệp này, nhà đầu tư sẽ nhận thấy những biến động ngắn hạn của thị trường sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Chuyên gia MBS cho biết, những nhóm ngành liên quan đến hàng hóa cơ bản tăng trưởng mạnh như phân bón kinh doanh tốt trong nửa đầu năm, các lĩnh vực hàng hóa xuất khẩu như cá tra đã lên đỉnh, nhóm điện, dầu khí và bán lẻ tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Tuấn đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư là không nên nhìn quá nhiều vào kết quả kinh doanh ấn tượng 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp này, thay vào đó cần có tư duy rằng 6 tháng cuối năm hoặc đến năm sau các doanh nghiệp này sẽ ra sao.
Còn bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect cho biết 3 nhóm ngành có sự tăng trưởng vượt trội. Thứ nhất là nhóm cổ phiếu có tính chất phòng thủ (điện nước, phân phối gas, bảo hiểm). Nhóm thứ hai là được hưởng lợi từ việc nền kinh tế bình thường trở lại sau đại dịch (bán lẻ, vận tải). Nhóm thứ ba là dầu khí khi giá dầu đang có sự tăng trưởng tích cực.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect
Về công thức tìm ra cổ phiếu phòng thủ trong lúc thị trường biến động, theo quan điểm của bà Hiền có hai loại đó là cổ phiếu phòng thủ và chiến lược đầu tư phòng thủ. Trong đó, cổ phiếu phòng thủ là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dù bất kỳ chu kỳ kinh tế lên hay xuống chịu ít biến động nhất.
Một số đặc điểm nhận diện các cổ phiếu này đó là sử dụng tỷ lệ đòn bẩy thấp do có dòng tiền dồi dào ổn định, có lịch sử chi trả cổ tức ổn định. Cùng với đó, beta của các cổ phiếu này thấp hơn so với trung bình toàn thị trường. Trong khi đó, chiến lược đầu tư phòng thủ nghĩa là có thể chọn những nhóm ngành khác nhóm phòng thủ nhưng có định giá thấp.
Về chiến lược đầu tư phòng thủ, nhà đầu tư có thể chọn những doanh nghiệp trong nhóm ngành phòng thủ nhưng cũng có thể chọn những doanh nghiệp trong các nhóm ngành khác mà họ đang ở mức định giá thấp. Việc chúng ta mua được doanh nghiệp tốt và có định giá thấp cũng là phòng thủ hiệu quả.
Định giá thị trường và nhóm cổ phiếu có thể tăng trưởng tốt trong thời gian tới
Hiện tại, những rủi ro trên thị trường chứng khoán còn tiềm ẩn như lạm phát, lãi suất tăng… Đánh giá về thị trường thời gian tới, ông Tuấn cho rằng, sau nhịp sụt giảm vừa qua, nhà đầu tư đã có sự thận trọng hơn do đó ông không kỳ vọng thị trường trở lại mức giao dịch như trước đây. Ông Tuấn đánh giá mức P/E ở thời điểm hiện tại khoảng dưới 14 thì thị trường có thể quay trở lại trạng thái bình thường với mức P/E khoảng 15 lần. Đây là mức phù hợp với tăng trưởng lợi nhuận dự kiến trong năm nay. Vì vậy, thị trường có thể tăng trưởng khoảng 10% và đạt mức 1.400 điểm.
Theo ông Tuấn, dòng tiền rẻ và dễ dãi của năm 2020 và 2021 sẽ bị phai nhạt dần. Trong năm nay, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho môi trường đầu tư với mức độ lãi suất cao hơn. Nhà đầu tư hiện nên tìm kiếm các doanh nghiệp vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay và có trả cổ tức tiền mặt. Từ cổ tức tiền mặt, nhà đầu tư có thể tái đầu tư cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh triển vọng.
Cổ phiếu được định giá thấp theo quan điểm của ông Tuấn đó là mức P/E thấp hơn đáng kể so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cộng thêm lợi nhuận cổ tức tiền mặt.
Ngược lại, bà Hiền có quan điểm lạc quan hơn khi cho rằng, những câu chuyện tích cực của TTCK Việt Nam vẫn còn. Nền kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng và phục hồi thuộc diện ấn tượng nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 2 con số. VNDirect ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường khoảng 20%. Cùng với đó là câu chuyện về nâng hạng, dòng vốn nước ngoài quay trở lại mạnh mẽ.
Động thái của cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua đã làm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và cũng làm tăng cường sự minh bạch của thị trường. Bà Trần Khánh Hiền dự báo đến đầu năm 2023, chứng khoán Việt Nam có khả năng quay lại mức đỉnh cũ của của năm 2022 vừa qua.
Đánh giá về nhóm ngành, cổ phiếu có thể tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm, bà Hiền cho rằng, một số nhóm ngành dịch vụ như bán lẻ, vận tải, vận tải hàng không và du lịch có tăng trưởng mạnh và kỳ vọng duy trì đến cuối năm. Trong môi trường lãi suất đang có xu hướng nhích lên thì ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi.
Thị trường sẽ có sự phân hóa vào 6 tháng cuối năm. Trong đó, ngành dầu khí được đánh giá vẫn neo ở mức cao trong khi các mã ngành như phân bón, thép, các loại nguyên vật liệu… sẽ có xu hướng chững lại. Ngoài ra, kỳ vọng quý 3 và quý 4 đầu tư công sẽ được kích thích và đẩy mạnh trở lại.