Ngày 24/6, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) thông báo trong tháng 5/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số này tăng, nhưng mới là tháng thứ 2 tăng cao hơn so với mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI ở Nhật Bản tăng là do giá dầu thô và nhiều nguyên vật liệu khác đã tăng mạnh trên thị trường quốc tế do tác động tiêu cực của xung đột Nga-Ukraine, sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, việc đồng yen mất giá nhanh so với đồng USD cũng khiến cho các hàng hóa nhập khẩu càng trở nên đắt đỏ hơn.
Giới phân tích dự báo lạm phát ở Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn so với mục tiêu 2% của BoJ trong phần còn lại của năm nay. Tuy nhiên, BoJ vẫn lo ngại hiện tượng lạm phát do chi phí đẩy này chỉ mang tính chất tạm thời.
Phát biểu tại một sự kiện ở Tokyo hôm 6/6, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nhấn mạnh ngay cả khi CPI cơ bản ở Nhật Bản trong tháng 4 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái thì điều đó không có nghĩa BoJ đã đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Vì vậy, BoJ sẽ chưa từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sẽ đảm bảo rằng tăng trưởng tiền lương sẽ mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu lạm phát tiếp tục tăng trong khi tiền lương và lãi suất không tăng hoặc tăng chậm, điều đó có thể sẽ khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, từ đó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân – một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của kinh tế Nhật Bản./.