Hơn 4 tháng trôi qua từ ngày chiến tranh nổ ra, sự phục hồi và tăng giá mạnh mẽ của đồng Rúp được điện Kremlin xem là một minh chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây không có tác dụng với Nga...
Vào hôm thứ Tư tuần vừa rồi, tỷ giá đồng Rúp Nga đạt 52,3 Rúp “ăn” 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Ở mức này, Rúp đã tăng gần 2,7 lần so với mức đáy 139 Rúp đổi 1 USD hồi tháng 3 - thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mới triển khai các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ để đáp trả “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Hơn 4 tháng trôi qua từ ngày chiến tranh nổ ra, sự phục hồi và tăng giá mạnh mẽ của đồng Rúp được điện Kremlin xem là một minh chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây không có tác dụng với Nga – theo hãng tin CNBC.
“Rõ ràng, họ muốn đánh sập nền kinh tế Nga. Họ đã không thành công. Điều đó hiển nhiên không xảy ra”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại sự kiện thường niên Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (PIEF) mới đây.
Để ngăn đà sụt giảm của đồng Rúp trong những ngày đầu chiến tranh Nga-Ukraine, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hôm 24/2 phải nâng lãi suất cơ bản hơn gấp đôi, lên 20% từ mức 9,5% trước đó. Nhưng việc đồng Rúp tăng giá quá mạnh sau đó đã khiến CBR phải cắt giảm lãi suất 3 lần, về mức 11% vào cuối tháng 5 và duy trì ở mức này đến hiện tại.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
VÌ SAO RÚP TĂNG GIÁ MẠNH?
Theo CNBC, có một số nguyên nhân đằng sau đà tăng giá ít ai ngờ tới của đồng Rúp giữa lúc Nga hứng chịu “cơn bão” trừng phạt của phương Tây.
Thứ nhất, Nga đang gặt hái doanh thu kỷ lục từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ nhì thế giới. Châu Âu chính là khách hàng chính mua năng lượng của Nga. Dù trừng phạt Nga, EU mỗi tuần vẫn đang phải chi hàng tỷ Euro để nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ nước này để duy trì các hoạt động kinh tế.
Cho dù các nước châu Âu đã thống nhất sẽ tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu phần lớn dầu thô Nga từ cuối năm nay và tìm các nguồn khí đốt thay thế cho khí đốt Nga, nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của nước này không vì thế mà giảm sút. Với giá dầu Brent đã tăng 60% trong vòng 1 năm trở lại đây, lợi nhuận của Nga từ xuất khẩu dầu khí vẫn đạt kỷ lục.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CRECE) có trụ sở ở Phần Lan, trong 100 ngày đầu tiên của chiến tranh Nga-Ukraine, Nga thu 98 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng hoá thạch. Hơn một nửa số này, khoảng 60 tỷ USD, là từ thị trường EU.
Giới phân tích cho rằng EU sẽ phải mất nhiều năm mới có thể “cai” được năng lượng Nga. Năm 2020, Nga đáp ứng 41% nhu cầu nhập khẩu khí đốt và 36% nhu cầu nhập khẩu dầu của châu Âu – theo cơ quan thống kê Eurostat.
“Tỷ giá đồng Rúp cao đến như vậy là bởi Nga đang đạt thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục”, chuyên gia Max Hess thuộc Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI) nói với CNBC. Phần lớn nguồn thu này là các khoản bằng USD và Euro thông qua cơ chế hoán đổi Rúp – theo yêu cầu của phía Nga là các nước “không thân thiện” phải thanh toán bằng Rúp khi mua khí đốt Nga.
“Dù xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu có giảm đi một chút, mức giá bán dầu thô và khí đốt lại cao hơn nhiều. Vì thế, Nga có được thặng dư tài khoản vãng lai rất lớn”, ông Hess nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại một sự kiện ở Moscow hôm 22/6/2022 - Ảnh: Reuters/CNBC.
Theo dữ liệu từ CBR, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga 5 tháng đầu năm nay là hơn 110 tỷ USD, cao gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Và thứ hai, tỷ giá đồng Rúp đang hưởng lợi từ các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt mà Nga áp dụng, cộng thêm việc nước này bắt buộc phải cắt giảm nhập khẩu do sự trừng phạt của phương Tây.
“Nhà chức trách đã triển khai ngay các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ khi lệnh trừng phạt được đưa ra. Kết quả là dòng tiền xuất khẩu vẫn đổ mạnh về Nga, nhưng dòng tiền chảy ra chỉ ở mức nhỏ giọt. Hiệu ứng ròng của việc này là một đồng Rúp tăng giá”, chuyên gia Nick Stadtmiller thuộc Medley Global Advisors nhận định.
Hiện tại, Nga đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát vốn và hạ lãi suất nhằm “hạ nhiệt” tỷ giá Rúp, vì đồng nội tệ mạnh gây ảnh hưởng bất lợi lên cán cân tài khoá quốc gia.
“TỶ GIÁ POTEMKIN”?
Theo ông Hess, do Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và bị chặn khỏi các giao dịch sử dụng đồng USD và Euro trên thị trường quốc tế, nước này giờ đây về cơ bản chỉ có thể tự giao dịch với chính mình bằng các đồng tiền này. Điều đó có nghĩa là Nga xây dựng được một dự trữ ngoại hối khổng lồ, giúp củng cố sức mạnh cho tỷ giá đồng nội tệ tại thị trường trong nước, nhưng lại không thể sử dụng dự trữ đó để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.
Tỷ giá hối đoái của Rúp hiện nay “thực ra chỉ là ‘tỷ giá Potemkin, vì việc chuyển tiền khỏi Nga là cực kỳ khó khăn, đối với cả cá nhân và tổ chức ở Nga, do lệnh trừng phạt của phương Tây và do chính các biện pháp kiểm soát vốn của Nga” – ông Hess nói.
Trong chính trị và kinh tế học, “Potemkin” chỉ những ngôi làng giả được xây dựng nhằm minh chứng cho sự thịnh vượng của nước Nga thời nữ hoàng Catherine đại đế.
“Bởi vậy, đồng Rúp đang mạnh lên trên giấy tờ, nhưng đó chỉ là kết quả của sự sụt giảm nhập khẩu. Việc tích luỹ dự trữ ngoại hối có ích gì, ngoài mục đích để nhập khẩu những hàng hoá cần thiết cho nền kinh tế? Hiện tại, Nga không thể thực hiện được việc nhập khẩu đó”, ông Hess phát biểu.
Một điểm thu đổi ngoại tệ ở Moscow hôm 25/5 - Ảnh: Getty/CNBC.
Liệu sức mạnh của Rúp có nghĩa là Nga đang có những yếu tố kinh tế nền tảng mạnh mẽ và tránh được ảnh hưởng tiêu cực của lệnh trừng phạt? Một số nhà phân tích không cho là như vậy.
“Đồng Rúp mạnh là do thặng dư cán cân thanh toán, xuất phát từ nhiều yếu tố như lệnh trừng phạt, giá hàng hoá cơ bản, và các biện pháp chính sách, hơn là những xu hướng kinh tế vĩ mô dài hạn”, nhà nghiên cứu tỷ giá Themos Fiotakis của Barclays nhận định.
Hồi giữa tháng 5, Bộ Kinh tế Nga dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này sẽ tăng lên mức gần 7% trong năm nay, từ mức dưới 5% của năm ngoái, và sớm nhất phải đến năm 2025 mới có thể quay trở lại mức cũ. Từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, hàng nghìn công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga, khiến nhiều người Nga lâm vào cảnh thất nghiệp.
“Tỷ giá đồng Rúp không còn là một thước đo sức khỏe nền kinh tế Nga. Chính cơ quan thống kê liên bang Nga Rosstat đã thừa nhận rằng số người Nga sống dưới ngưỡng nghèo đã tăng từ 12 triệu người lên 21 triệu người trong quý 1/202”, ông Hess nhấn mạnh.
Về việc đồng Rúp có thể duy trì xu hướng tăng giá hay không, ông Fiotakis cho rằng việc này “rất khó đoán và sẽ phụ thuộc nhiều vào các diễn biến địa chính trị và sự điều chỉnh chính sách”.