Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng đang đứng trước nhiều thách thức về vận hành, quá tải lưới truyền tải ở một số thời điểm, hỗ trợ giá và nội địa hóa công nghệ, thủ tục đầu tư...
Chuyên gia Đan Mạch: Phát triển điện hạt nhân phải có nhiều điều kiện thì dự án mới khả thi
Thống kê từ Bộ KH&ĐT cho thấy tính đến ngày 20/5/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 11,71 tỷ USD. Đáng chú ý, sau khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đặc biệt vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp lãnh đạo Asia Group và nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn của Mỹ như: Blackstone, GenX, AES... Lãnh đạo các tập đoàn này cho biết, họ quan tâm tới các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, mong muốn đầu tư hơn nữa để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 26.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Trước đó, năm 2021, trong khó khăn do đại dịch, nhưng Việt Nam cũng chào đón First Solar - một trong 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất của Hoa Kỳ - với dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng, tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Không chỉ nhà đầu tư Hoa Kỳ, mà các nhà đầu tư nước ngoài của Singapore, Đan Mạch... cũng đang muốn tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đến năm 2021, tổng công suất lắp đặt của các nguồn điện là 78,4 GW, quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng đầu ASEAN. Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời).
Với tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 7% hàng năm, nhu cầu năng lượng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nhu cầu điện dự báo vẫn tăng khoảng 10% trong thập kỷ tới, do đó việc đảm bảo phát triển đầy đủ và kịp thời hạ tầng cơ sở hệ thống năng lượng là một thách thức hàng đầu.
Hơn nữa, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam vừa được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch công bố ngày 2/6 cho thấy, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).
Vì vậy, báo cáo trên khuyến nghị: Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần hạn chế xây mới các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch điện hiện tại đã là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhà đầu tư vẫn than phiền về thủ tục
Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng đang gặp phải một số bất cập. Theo đó, Việt Nam cũng đối mặt trong thách thức vận hành, quá tải lưới điện ở một số thời điểm khi năng lượng tái tạo phát triển mạnh.
"Việt Nam thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26, tuy nhiên việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng hiệu quả còn nhiều rào cản như hoàn thiện và ổn định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, chi phí đầu tư,...", ông Tuấn Anh cho biết.
Trên thực tế thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào phát triển các dự án năng lượng tái tạo vẫn đang gặp phải những khó khăn về thủ tục, chính sách giá... Luật sư Ngô Văn Hiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết trong quá trình tư vấn cho một số dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam thấy rằng, nhiều nhà đầu tư vẫn khá e ngại do thủ tục hành chính phức tạp, bất cập khi đấu điện vào hệ thống truyền tải, giá mua điện còn quá thấp....
Với nhà đầu tư trong nước, ông Lê Như Phước An, Phó Tổng giám đốc Trungnam Group cũng từng chia sẻ, doanh nghiệp này đang triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án đưa vào lưới điện quốc gia nhưng khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện các dự án rất nhiều. Ông An mong muốn: "Phải giảm được rủi ro, tăng tỷ suất lợi nhuận mới đảm bảo thu hút vốn đầu tư vào các dự án điện". Hiện nay, cơ chế giá cũng khá bất lợi với nhà đầu tư. Nguồn vốn dùng ngoại tệ nhưng giá điện tính bằng đồng VND, rủi ro cho doanh nghiệp hiện hữu.
Bên cạnh đó, thời gian qua sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo đặc biệt là gió - mặt trời đã tạo ra lượng công suất lớn được hòa vào lưới điện quốc gia. Sự phát triển này gây ra quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải, dẫn đến rất nhiều dự án phải cắt giảm công suất gây thiệt hại tài chính lớn cho doanh nghiệp.
Lý giải băn khoăn của các nhà đầu tư, một đại diện Bộ Công Thương cho biết thời gian qua để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ đã có ưu đãi thông qua cơ chế giá cố định (giá FIT). Tuy nhiên, giống như lộ trình nhiều nước trên thế giới, cơ chế giá FIT ở Việt Nam đã hết hạn, do vậy, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để chuyển sang cơ chế khác.
"Chúng tôi đang tham mưu Chính phủ ban hành chính sách khác theo hướng đảm bảo cạnh tranh nguồn năng lượng tái tạo theo cơ chế đấu thầu với khung giá rõ ràng", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Về thủ tục hành chính, vị đại diện Bộ Công Thương nêu quan điểm doanh nghiệp Việt Nam hay bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam từ khâu phát triển dự án tới vận hành... Tuy nhiên, trước phản ánh còn có nhiều thủ tục hành chính phát sinh làm khó nhà đầu tư, Bộ Công Thương sẽ ghi nhận và tham mưu với các cấp lãnh đạo, xem điều chỉnh thủ tục hành chính theo hướng rút gọn, đảm bảo hợp lý khi đầu tư vào Việt Nam.
Là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi, các chuyên gia của Đan Mạch cũng khuyến nghị việc đối thoại minh bạch giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư về chia sẻ rủi ro và xây dựng một khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi là bài học kinh nghiệm quý báu nhất từ Đan Mạch. Nếu không tạo ra được môi trường đầu tư cạnh tranh, Việt Nam sẽ rất khó có khả năng thu hút được các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho phát triển ngành này.