Là công ty bất động sản lớn với nhiều dự án đắc địa, song kết quả kinh doanh của QCGL suốt 14 năm qua không tích cực trên sổ sách, với nhiều nghiệp vụ tài chính mang tới băn khoăn lớn cho cổ đông.
Cổ đông kiến nghị thanh tra thuế đối với Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Internet
Như đã đưa tin, ba cổ đông của CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE:
QCG) vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng kiến nghị thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế đối với Quốc Cường Gia Lai để đảm bảo quyền lợi các cổ đông, cũng như đảm bảo việc nộp thuế của doanh nghiệp này được thực hiện đầy đủ.
Văn phòng Quốc hội vào ngày 1/6 đã chuyển đơn kiến nghị của 3 cá nhân trên đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Hiệu quả kinh doanh không tích cực là một vấn đề lớn đối với cổ đông QCGL trong suốt nhiều năm qua, thậm chí mở rộng từ trước khi doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán từ năm 2010 đến nay.
Cụ thể, giai đoạn 2008-2021, biên lợi nhuận gộp của QCGL chỉ khoảng từ 6-21%, có 2 năm còn âm là năm 2008 (-9%) và năm 2014 (-7%). Năm 2021, chỉ tiêu này là 21%, khá khiêm tốn so với các ông lớn địa ốc ở TP.HCM như Khang Điền (47,9%), Nam Long (34%), Novaland (41%), DIG Corp (32%).
Hệ quả là lợi nhuận duy trì rất thấp. Ngoại trừ 2 năm 2009-2010 (thời điểm lên sàn chứng khoán) lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức trên 3.000 đồng, và năm 2017 đạt 1.463 đồng, thì các năm còn lại đều èo uột từ vài chục đồng đến 200-300 đồng. Giai đoạn 2018-2021, khi mà các doanh nghiệp bất động sản báo lãi lớn, thì EPS của QCGL lần lượt chỉ là 347, 214, 181, 238 đồng.
3 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của QCGL tiếp tục kém khả quan, với doanh thu 134,8 tỷ đồng, lãi sau thuế 12,5 tỷ đồng, giảm mạnh lần lượt 61% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, QCGL vẫn chưa chốt lịch Đại hội đồng cổ đông thường niên (AGM) năm 2022, dù đã sang đến tháng 6. AGM năm ngoái được tổ chức tại ngày cuối cùng của năm - ngày 31/12/2021, bởi vậy đã không thể đưa ra không gian kịp thời để cổ đông thảo luận về chiến lược phát triển của công ty.
Việc chậm trễ tổ chức AGM 2021 cho thấy sự chi phối của nhóm cổ đông lớn ở QCGL, khi nhiều nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp này không khác gì một công ty gia đình.
Dù trực tiếp sở hữu 55% cổ phần, tuy nhiên vai trò của gia đình người sáng lập Nguyễn Thị Như Loan tại QCGL gần như là tuyệt đối. Bà Loan cùng người đồng hành Lại Thế Hà là hai thành viên duy nhất trong Ban tổng giám đốc, và chiếm 2/3 vị trí trong HĐQT QCGL. Trong đó, ông Hà đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT, còn bà Loan là Tổng giám đốc.
Lo ngại của cổ đông QCGL không chỉ là sự minh bạch khi HĐQT lẫn Ban điều hành nằm trong tay nhóm cổ đông lớn, mà còn là các dấu hiệu thiếu bất thường trong quá khứ.
Băn khoăn loạt giao dịch bất thường
QCGL vào tháng 6/2019 bị UBCKNN xử phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn về các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên, biên bản và Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2017, thông tin về ký hợp đồng kiểm toán, một số nghị quyết HĐQT.
Trước đó, giai đoạn 2017-2018, doanh nghiệp này cũng liên tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, trong đó có việc chậm công bố 14 giao dịch bất thường với tổng giá trị 3.280 tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 1/2013 - 8/2017.
Trong 14 giao dịch này, có nhiều giao dịch đáng chú ý. Nổi bật nhất là giao dịch chuyển nhượng 49% cổ phần Công ty Giai Việt cho Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sông Mã vào cuối năm 2014.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, QCGL ngày 19/12/2014 đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 49% trong CTCP Giai Việt với số tiền 70 tỷ đồng, ghi nhận khoản lỗ lên tới 258,3 tỷ đồng. Bên mua là Công ty TNHH Tư vấn & Xây dựng Sông Mã - đáng chú ý, lại là công ty có liên quan đến bà Nguyễn Ngọc Huyền My - con gái bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc QCGL.
Giao dịch bất thường này diễn ra trong bối cảnh QCGL ghi nhận doanh thu tài chính đột biến 398,5 tỷ đồng từ thanh lý khoản đầu tư. Lãi sau thuế cho năm đó chỉ là 32,4 tỷ đồng, tương đương EPS vỏn vẹn 251 đồng. Nếu không có giao dịch bán lỗ Giai Việt, lợi nhuận của QCGL chắc chắn sẽ tăng lên rất mạnh.
Đây không phải giao dịch "giảm lãi" hiếm hoi của QCGL. Năm 2016, QCGL đã bán 65,21% quyền sở hữu tại CTCP Quốc Cường Liên Á với giá bán 280,2 tỷ đồng, hạch toán lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Bên nhận chuyển nhượng tiếp tục là những cái tên thân quen trong hệ sinh thái QCGL, trong đó có bà Lại Thị Hoàng Yến - con gái Chủ tịch QCGL Lại Thế Hà và là người "đồng hành" lâu năm của bà Nguyễn Thị Như Loan.
Giao dịch bán lỗ Quốc Cường Liên Á trong năm 2017 cũng diễn ra khi QCGL có khoản doanh thu hoạt động tài chính đột biến 107,5 tỷ đồng. Đây cũng là 1 trong 14 giao dịch đã không được QCGL báo cáo đầy đủ.
Trở về năm 2009, nghiệp vụ tương tự cũng được sử dụng khi QCGL hạch toán lỗ tới 161,6 tỷ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư, trong khi ghi nhận 282,8 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính.
Loạt giao dịch bất thường khiến không ít nhà đầu tư nghi ngại có hay không thực trạng "giấu doanh thu, lợi nhuận" ở QCGL, đặc biệt khi hoạt động công ty gần như bị chi phối hoàn toàn bởi gia đình Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan.
Liên quan đến biên lãi gộp của QCGL luôn rất thấp, có chăng cần đề cập lại một vụ việc từng xôn xao dư luận trước đây. Cụ thể, năm 2012, các cơ quan truyền thông từng đưa tin trường hợp ông Mã Thành Vinh (Thanh Khê, Đà Nẵng) phản ánh việc gia đình ông mua lô đất 115m2 tại dự án Khu dân cư Trung Nghĩa (Đà Nẵng) do QCGL làm chủ đầu tư. Điều đáng nói là giá mua lô đất là hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên hợp đồng chuyển nhượng chỉ ghi 690 triệu đồng và chuyển tiền vào tài khoản công ty, còn số tiền còn lại trên 300 triệu đồng được yêu cầu chuyển vào một tài khoản khác của tổng giám đốc.