• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
09 Tháng Mười Một 2024 1:49:00 SA - Mở cửa
[Cafe cuối tuần] OCOP - con đường làm giàu
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 04/06/2022 10:10:00 SA
Hóa ra OCOP chẳng còn xa lạ gì. Đó là con đường làm giàu cho nhà nông. Khi nhận rõ con đường và đích đến và có đủ lưng vốn, người lao động sẽ tìm được chỗ đứng mới, mang lại giá trị cao hơn rất nhiều so với thời kỳ làm ăn nhỏ, tự cấp tự túc.
 
Mấy ngày qua, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 15 được cử tri và đồng bào cả nước rất quan tâm. Nhiều vấn đề nóng hổi đã được đặt lên bàn nghị sự, nhất là qua các phiên thảo luận tại hội trường. Sức nóng từ kỳ họp đã lan tỏa đến khắp các vùng quê cả nước.
 
Tôi về quê, một làng nhỏ ở Đồng bằng sông Hồng, thấy mấy ông thợ cầy, mấy bà thợ cấy “thời 4.0” cũng bàn soạn rôm rả. Vì họ xem ti-vi, nghe đài, đọc báo và đọc mạng xã hội nữa. Toàn những chuyện nóng như chảo dầu sôi.
 
 
Đà Nẵng thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: Thành Vân
 
Nào là “vụ Việt Á” đã khiến cho hệ thống y tế dự phòng cả nước chao đảo, lộ mặt bao nhiêu quan tham chuyên “ăn” hối lộ mà cứ ngỡ  là… chính đáng. Nào là, cái ông giáo dục sao mà vẫn nhiều chuyện nhiễu nhương quá, câu chuyện sách giáo khoa “giấy đẹp và khổ rộng” đúng là không nghe được.
 
Nào là giá xăng lên ù ù, khiến cho giá cả cứ như cá nhảy lên sân, lạm phát to rồi. Nào là chuyện chứng khoán, chuyện đấu thầu, quân xanh đè quân đỏ. Rồi chuyện tham nhũng, cấp cao quyết liệt đấy nhưng xem ra còn nhiều "củi ẩm", "củi tươi" chưa bị sờ đến.
 
Nghe các lão nông thời hiện đại tỏ tường bàn luận cứ như chuyện trong nhà. Mừng là, cùng với những cái lo cũng nhiều cái mừng. Tôi chỉ xin nói về một trong những cái mừng ấy đối với nhà nông. Tất nhiên, niềm vui lớn hơn trong cả nước phải kể đến là chúng ta đã cơ bản trói được "con COVID-19” bỏ vào rọ. Và cả nước đang trên đà phục hồi, phát triển kinh tế. Còn cái mừng của người dân quê là chuyện này…
 
Chuyện này, thú thật, chú em tôi bảo, lúc đầu em cứ tưởng nói về… nước ngoài. Là chuyện OCOP. Sau thì chú ấy phải hỏi mấy ông lãnh đạo, được giải thích đó là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP - One Commune One Product). Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện từ tháng 5/2018, đến nay vừa tròn 4 năm. Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
 
Cũng tương tự như Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP mọc cánh và đang bay. Có cô đại biểu Quốc hội xinh đẹp ví von rằng, phải làm sao để mỗi chị em ở nông thôn có một tấm áo đẹp khác màu nhau, chớ có đồng phục cò trắng hay quạ đen (!). Và thế là chương trình mới này ở quê tôi đã có các sản phẩm rượu quê tham gia. Cái thứ "rượu lậu" thời trước nay bỗng thành hàng xuất khẩu thì quá đã!
 
Đương niên các làng khác cũng có nhưng chỉ là sản phẩm thuộc loại "ba sao" và còn manh nha. Hôm trước đã thấy một cơ quan lớn của nhà nước báo cáo rằng, đến nay cả nước đã có 20 sản phẩm thuộc diện "năm sao", như trà xanh, hồng trà (Phìn Hồ), gạo ST 24 (Sóc Trăng), gạo đặc sản Thiên Vương (An Giang), cà phê rang xay Darmark (Kon Tum)… Cứ làm phép tính nhẩm, mỗi xã có một sản phẩm tiêu thụ tốt như thế thì cả nước sẽ có khoảng hơn 8.000 sản phẩm. Thế thì không những bảo đảm tiêu dùng trong nước mà chúng ta còn xuất khẩu rất mạnh, nông dân ta sẽ "làm giàu không khó".
 
Thế nhưng, đấy mới là tính. Quan trọng hơn là làm, làm cho hiệu quả không rơi vào bệnh phong trào mới khó. Thấy có vị đại biểu quốc hội "căn chỉnh" rất chi li. Rằng, sản phẩm ở các nơi phần lớn là sản phẩm thực phẩm tươi, chưa qua chế biến, tức là chưa gia tăng giá trị. Mà nó thường do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ sản xuất, làm với quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, do vậy chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm, hạn chế trong xây dựng ý tưởng sản phẩm, phương án kinh doanh,v.v.. Và như thế "nó" teo đi, "nó" giải thể lúc nào không hay. 
 
Rất mừng là, OCOP đã được Chính phủ và các cơ quan chức năng cùng xắn tay áo vào cuộc. Xin nói thêm rằng, Chương trình mỗi xã có một mặt hàng tốt, đẹp, hay này chủ yếu là do kinh tế tư nhân đảm nhiệm. Quy mô to nhỏ khác nhau nhưng nếu quyết tâm là có thể triển khai nhanh, "ngắn sào dễ chở". Chương trình lớn này sẽ tiếp tục được đầu tư rất lớn, 57.000 tỉ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương chỉ chiếm 1,8% (1.026 tỉ đồng). Còn hầu hết là vốn huy động từ các nguồn.
 
Xưa các cụ dặn: "Thứ nhất buôn tài, thứ nhì dài vốn". Nhà nông chúng tôi xin cảm ơn "Bác Đầu Tư". Mong sao con gà đẻ được trứng vàng. Bây giờ nguồn vốn đã có, thị trường đã có, khoa học công nghệ đã về đến chân tre. Vậy là nông dân không chỉ có một cây gậy mà là hai, ba cây gậy. Chỉ mong lúc gặp thiên tai, dịch bệnh thì các cơ quan, chính quyền các cấp chớ có đường ai nấy đi mà ngồi lại cùng nông dân nghĩ cách vượt khó.
 
Mục tiêu Chương trình OCOP trong giai đoạn mới, nói một cách bài bản là, phát triển sản phẩm để góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn. Từ đó, phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Còn nói theo cách của bà con nông dân ta, từ làng mà nghĩ rộng hơn chuyện nước chuyện quốc tế thời thế giới trở thành cái làng toàn cầu.
 
Hóa ra OCOP chẳng còn xa lạ gì. Đó là con đường làm giàu cho nhà nông. Khi nhận rõ con đường và đích đến và có đủ lưng vốn, người lao động sẽ tìm được chỗ đứng mới, mang lại giá trị cao hơn rất nhiều so với thời kỳ làm ăn nhỏ, tự cấp tự túc. Câu nói: "Hãy để người nông dân suy nghĩ trên luống cày của mình" của Các Mác, lúc này đọc lên sao gần gũi, thiết thực đến thế!