Tuy tỷ lệ nợ xấu đã giảm do quy mô dư nợ tín dụng lớn hơn, nhưng nợ xấu đã tăng lên về mặt giá trị.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, áp lực nợ xấu trong thời gian tới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm và theo dõi sát.
Tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng có xu hướng tăng mạnh.
Nợ tiềm ẩn cao
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, đến cuối 2021, tổng nợ xấu nội bảng là 190,48 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,49%. Trong khi tại tháng 7/2017, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, có khoảng 180 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong hệ thống các TCTD. Điều này có nghĩa nợ xấu đã tăng lên về mặt giá trị.
“Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu cuối năm 2021 là 6,31%. Thậm chí, nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết 42 lên tới 412,7 nghìn tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Một chuyên gia cho rằng cần lưu ý về nợ tiềm ẩn thành nợ xấu chủ yếu được đánh giá trên các khoản nợ cơ cấu lại mà NHNN đã hỗ trợ doanh nghiệp trong 2 năm vượt COVID-19. Khoản nợ này cũng chưa được đánh giá đầy đủ trên rủi ro của các khoản nợ “giấu” dưới các khoản cho vay theo lĩnh vực.
Khó phát mãi tài sản
Việc khó phát mãi tài sản đảm bảo (TSĐB) thu hồi nợ không phải đến bây giờ mới diễn ra. Song đến hiện tại, với nợ xấu mới và những biến động mới, công tác phát mãi tài sản thu hồi nợ được dự báo sẽ khá khó khăn.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính phân tích: Nhìn vào cơ cấu nợ xấu hiện tại, các nhóm nợ xấu đáng chú ý là bất động sản, tiêu dùng, đầu tư kinh doanh chứng khoán và BOT. Chẳng hạn như đối với lĩnh vực bất động sản, nợ xấu chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, tổng số nợ xấu là 34,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 1,67%.
“Nhiều ngân hàng đã phải đại hạ giá nhiều lần rao bán nhưng khó thành, cho thấy phía mua không dễ dàng mua những tài sản định giá cao. Chưa kể, thị trường lại còn chưa có cơ chế để thu hút các dòng vốn nước ngoài”, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho biết.
Tương tự là đầu tư kinh doanh chứng khoán, mà mức độ “nguy hiểm” là cùng với đà suy thoái của thị trường, giá trị cổ phiếu chứng khoán bốc hơi mạnh. “Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này liệu đã được phản ánh đủ qua các công ty vay sản xuất kinh doanh lại đi đầu tư chứng khoán, và các khoản mà nhiều “đại gia” repo qua các công ty chứng khoán”, ông Hoàn đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, việc NHNN đề xuất thông qua kéo dài Nghị quyết 42, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro là cần thiết. Tuy nhiên, kiểm soát không có nghĩa là bít vốn. Cần tạo động lực để dòng tiền tham gia mua bán nợ xấu.