Mới đây, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cho biết đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank; HOSE: TPB) là 1 trong 7 ngân hàng đã bị Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra trong đợt này.
Chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Theo đó, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank. Đến thời điểm tháng 4/2022, Cơ quan TTGSNH đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng. Riêng Ngân hàng Bảo Việt không thực hiện thanh tra với lý do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với ngân hàng này.
TPBank là 1 trong 7 ngân hàng bị Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Cũng trong giai đoạn đầu năm này, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng còn thực hiện thanh tra chuyên ngành với Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam (UOB) và thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với NHNN Chi nhánh Lạng Sơn, Nam Định.
Theo cơ quan thanh tra, hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật. Đồng thời, việc thanh tra cũng nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng.
TPBank trong tầm ngắm
Báo cáo tài chính quý 1/2022, đến cuối tháng 3/2022, tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của TPBank đạt trên 77.300 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác là hơn 25.400 tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán; chứng khoán chính phủ ghi nhận hơn 24.562 tỷ đồng, chiếm gần 32% và lượng trái phiếu doanh nghiệp tại TPBank tăng 48% lên 27.589 tỷ đồng, chiếm 35% tổng giá trị đầu tư.
Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của TPBank đã tăng 21% với cuối năm 2021 đạt hơn 53.000 tỷ đồng.
Về hoạt động phát hành trái phiếu, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2021 TPBank liên tiếp phát hành nhiều đợt trái phiếu. Cụ thể, ngày 2/12, TPBank thông báo đã chào bán thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm với mệnh giá 100.000.000VNĐ/1 trái phiếu.
Lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm được tính với lãi suất cố định 2,6%/năm. Ngày phát hành là 29/11/2021, ngày đáo hạn là 29/11/2024. Lô trái phiếu kỳ hạn 4 năm được tính với lãi suất cố định 3,8%/năm. Mục đích phát hành hai lô trái phiếu này để phát triển hoạt động tín dụng của TPBank.
Trước đó, ngày 22/11 TPBank chào bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, sau đó một ngày tiếp tục chào bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Cả hai lô trái phiếu này được tính lãi suất cố định 3,2%/năm.
Đáng chú ý, toàn bộ trái phiếu của TPBank phát hành đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản.
Như vậy, chưa đến 10 ngày, TPBank đã huy động thêm 4.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu nhằm phát triển hoạt động tín dụng.
Mới đây, TPBank vừa tất toán sớm 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỷ đáo hạn tháng 4/2023. Tuy nhiên, con số này rất khiêm tốn so với hơn 37.200 tỷ đồng giấy tờ có giá đã phát hành (ghi nhận tại thời điểm 31/12/2022).
Để thị trường trái phiếu phát triển cân bằng, trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhất là quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tăng chế tài xử phạt vi phạm.
Sau khi Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng, tính đến ngày 26/5, tổng khối lượng trái phiếu được mua lại trước hạn đạt 20.180 tỷ đồng. Trong đó khối lượng mua lại trong tháng 5 là hơn 12.930 tỷ đồng. Tuy tốc độ mua lại gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhưng giá trị không đáng kể so với quy mô của toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Có thể thấy, động thái cứng rắn từ Chính phủ trong việc lập lại trật tự và tăng cường tính minh bạch, công khai có tác động tương đối rõ ràng khi các đợt phát hành trái phiếu chủ yếu diễn ra trong tháng 1 (chiếm 51,8% tổng lượng phát hành). Hai tháng trở lại đây, hầu hết các đơn vị phát hành trái phiếu là những doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc là các tổ chức tín dụng và định chế tài chính, vốn đã chịu sự quản lý chặt chẽ từ UBCKNN và Ngân hàng Nhà nước.
Dự báo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, SSI Research nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ kém sôi động hơn và các động thái gần đây của Chính phủ là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường.
Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Ủy ban Kinh tế gửi Quốc hội ngày 31/5, Ủy ban Kinh tế đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng Uỷ ban Kinh tế cho rằng thị trường này tiềm ẩn rủi ro cao, mất cân đối về cơ cấu.
Tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ gấp gần 18 lần lượng phát hành ra công chúng và chiếm gần 95% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt có tới 70% khối lượng phát hành là các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản, công ty chứng khoán. Riêng bất động sản chiếm từ 30-50% tổng khối lượng phát hành, tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường gắn với rủi ro thị trường bất động sản.
Tại báo cáo, cơ quan của Quốc hội cũng cảnh báo hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. "Việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu lòng vòng qua các doanh nghiệp khác tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư, nhất là trong trường hợp dự án gặp khó khăn", cơ quan của Quốc hội nhận xét.
Để thị trường trái phiếu phát triển cân bằng, trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhất là quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tăng chế tài xử phạt vi phạm.
Theo thống kê của FiinGroup, các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư mua chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với 56% tổng giá trị phát hành và công ty chứng khoán chiếm 36,3%.
Đáng chú ý, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.