Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu nhóm thuỷ sản trở thành điểm nóng nhất trên thị trường chứng khoán khi liên tục đi ngược diễn biến chung. Thậm chí, trong tháng 4, VN-Index lao dốc mất hơn 10% giá trị vốn hóa, nhóm cổ phiếu thuỷ sản vẫn liên tục tăng thần tốc hàng chục phần trăm để thiết lập các đỉnh mới, điển hình như VHC, ANV, ACL…
Nhờ doanh số và lợi nhuận các công ty trong ngành có mức tăng trưởng đột biến đã giúp cổ đông các doanh nghiệp thuỷ sản tận hưởng niềm vui lớn từ cổ phiếu mang lại.
Lãi đột biến, cổ phiếu tăng mạnh
Tính từ đầu năm đến chốt phiên ngày 8/6, cổ phiếu
VHC (Vĩnh Hoàn) tăng gần 72% lên 108.000 đông/cp; cổ phiếu
ANV (Navico) tăng hơn 67% lên 57.000 đồng/cp; cổ phiếu
ACL (Thủy sản Cửu Long An Giang) cũng tăng hơn 58% lên 28.500 đồng/cp...
Báo cáo tài chính 3 tháng đầu năm cho thấy, hàng loạt công ty xuất khẩu cá, tôm ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu và lợi nhuận đang quay lại thời kỳ đỉnh cao.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguồn cung thiếu hụt đã đẩy giá cá tra nguyên liệu tăng khoảng 37% so với đầu năm, giúp doanh nghiệp hưởng lợi, nhất là doanh nghiệp còn hàng tồn kho giá thấp.
Nhờ mức tăng trưởng đột biến đã giúp cổ đông các doanh nghiệp thuỷ sản tận hưởng niềm vui lớn. (Ảnh: Int)
Điển hình, nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng ở hầu hết thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, EU, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần quý I/2022 đạt 3.267 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 553 tỷ đồng, tăng 322%. Mức lợi nhuận này chỉ xếp sau kỷ lục hơn 600 tỷ trong quý III/2018.
Đáng chú ý, từ ngày 4/5/2022, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga thông báo bổ sung Công ty TNHH Hùng Cá và Xí nghiệp 3 của Vĩnh Hoàn (hai công ty hàng đầu về xuất khẩu cá tra của Việt Nam) vào danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU).
Được biết, EAEU bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. Hiệp định thương mại (FTA) với Việt Nam cũng là FTA đầu tiên của EAEU, do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này.
Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 46%. Như vậy, với việc mở rộng thêm thị trường sẽ là cơ hội để Vĩnh Hoàn đạt được kế hoạch đề ra.
Tương tự, Công ty Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (
IDI) cho biết doanh thu thuần đạt 1.872 tỷ đồng (+37%). Lãi ròng cao gấp 10 lần cùng kỳ, ở mức 199 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử của công ty.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Navico cũng báo cáo doanh thu tăng 73% lên trên 1.200 tỷ đồng. Mặc dù chi phí cước tàu tăng lên gây tác động tiêu cực nhưng công ty vẫn báo lãi 207 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ và là quý có kết quả tốt thứ 2 trong lịch sử.
Trong khi đó, Thủy sản Cửu Long An Giang thông báo doanh thu đạt 325 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Song, nhờ biên lợi nhuận tốt hơn giúp công ty có lãi gộp tăng mạnh 236% lên hơn 110 tỷ. Sau khi trừ đi chi phí, công ty báo lãi 63 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ.
Không chỉ riêng mảng cá tra, ngành tôm cũng khởi sắc không kém khi “ông lớn” Thực phẩm Sao Ta (
FMC) ghi nhận doanh thu đạt 1.328 tỷ đồng (+37%) nhờ tiêu thụ hơn 4.800 tấn thủy sản và hơn 380 tấn nông sản. Lũy kế 5 tháng, doanh số tiêu thụ chung đạt gần 100 triệu USD, xấp xỉ 2.295 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Hay như Camimex Group báo cáo doanh thu gấp đôi cùng kỳ đạt 470 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó gấp 2,3 lần lên 25 tỷ đồng nhờ nhu cầu, giá cả và cơ cấu hàng bán thay đổi tích cực.
Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ
Giới phân tích cho rằng, bất chấp những khó khăn trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng và vận tải quốc tế, nhu cầu tăng cao trên thế giới sau đại dịch giúp xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Cũng theo báo cáo của VASEP, 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, tăng trưởng 46%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 955 triệu USD (+44% so với cùng kỳ) và 653 triệu USD (+90% so với cùng kỳ).
Hiện, Mỹ là quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất với 575 triệu USD, tăng 72%. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản tăng 14% đạt 348 triệu USD và Trung Quốc tăng 90% lên 362 triệu USD.
Nhận xét riêng về ngành cá tra, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, nhu cầu tăng mạnh do bị dồn nén bởi Covid-19 và nguồn cung thiếu hụt, từ đó thúc đẩy giá bán tăng cao tại các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngành cá tra còn được hưởng lợi thêm từ xung đột Nga - Ukraine kéo dài.
Đáng chú ý, sau hơn 5 tháng chính thức có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã và đang ngày càng mở ra không ít cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm thị phần lớn (trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam).
“Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng”, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Hiện tại, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhiều tiềm năng cho thuỷ sản Việt trong khối RCEP. Bên cạnh đó, thuỷ sản Việt cũng có nhiều cơ hội tại thị trường Malaysia, Australia…
Với những yếu tố nêu trên, chuyên gia nhận định, cơ hội của ngành thủy sản trong thời gian tới sẽ còn rộng mở. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ gặp một số thách thức.
Cụ thể, so với mức đỉnh của năm ngoái thì giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến đang cao hơn. Dự kiến thời gian tới còn tiếp tục tăng mạnh.
Các hãng tàu cho biết, hiện đang thiếu container, thiếu chỗ trên tàu. Nếu kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đây cũng là điều đáng lo nhất hiện nay.
“Hơn 85% lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp hiện nay phụ thuộc vào các cảng TP.HCM và Vũng Tàu, lượng còn lại đi qua cửa khẩu miền Bắc và miền Trung”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP thông tin.
Bên cạnh chi phí logictics, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu. Do hàng thủy sản hầu hết là đông lạnh nên việc vận chuyển cần đảm bảo thời gian và có được hóa đơn xuất khẩu nhanh chóng. Nếu có được hệ thống cảng tốt, đón được tàu container sẽ giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.
Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của các thị trường đang rất cao, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương phải giữ được nguồn cung nguyên liệu thủy sản cho chế biến, xuất khẩu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nhờ lợi thế là có sản lượng khai thác và nuôi trồng rất lớn, khi các thị trường thiếu hụt nguồn cung thì Việt Nam hoàn toàn chủ động hàng hóa để xuất khẩu, nhất là vào thị trường châu Âu, Mỹ và Nga.
Về chi phí logictics, Bộ Công Thương và Bộ GTVT cũng đã nhiều lần đàm phán với các đơn vị vận tải, song giá xăng dầu toàn cầu hiện nay biến động lớn nên vẫn chưa thể gỡ được nút thắt này.