Ở trong nước, sự thận trọng của thị trường trái phiếu và cấp room tín dụng đồng nghĩa với thanh khoản của nền kinh tế chung và trên thị trường chứng khoán chưa thể dồi dào. Có lẽ bởi vậy mà sống chung với dòng tiền hẹp là kịch bản các nhà đầu tư cần làm quen cho đến khi các ngân hàng trung ương nới lỏng trở lại.
Nhìn lại tháng 6, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có biến động rất mạnh khi chỉ số S&P500 của Mỹ giảm 8,4% và Stoxx 50 của châu Âu giảm 5,5%, trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng 6,7%. Trong báo cáo mới gửi tới nhà đầu tư, SGI Capital nhận định, các chuyển động vĩ mô đang và sẽ tác động mạnh tới thị trường tài chính toàn cầu.
Ở trong nước, sự thận trọng của thị trường trái phiếu và cấp room tín dụng đồng nghĩa với thanh khoản của nền kinh tế chung và trên thị trường chứng khoán chưa thể dồi dào. Có lẽ bởi vậy mà sống chung với dòng tiền hẹp là kịch bản các nhà đầu tư cần làm quen cho đến khi các ngân hàng trung ương nới lỏng trở lại.
Nhà đầu tư cần "thích nghi" với dòng tiền hẹp
Thị trường chứng khoán đã qua những ngày đen tối nhất hay chưa? Câu hỏi này không thể trả lời ngoài việc nhìn vào các dữ liệu kinh tế để phân tích và hành động trên khẩu vị rủi ro và năng lực của mỗi nhà đầu tư.
Trước hết, lạm phát rất có thể đang tạo đỉnh và sẽ giảm dần. Nhiều chỉ báo liên quan tới giá cước vận tải, giá dầu và rất nhiều hàng hóa cơ bản đã giảm 20-30% từ đỉnh trong 3 tháng trở lại đây. Dưới áp lực của lãi suất tăng và nhu cầu giảm nhanh chóng, giá cả của nhiều loại hàng tiêu dùng cũng bắt đầu giảm.
Do các dư chấn của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam chậm một nhịp so với Mỹ và EU, hiện đang trong pha phục hồi, duy trì xuất siêu, nợ nước ngoài giảm và lạm phát thấp.
Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá và lãi suất đang lớn dần khi lạm phát trong nước tăng lên và Fed dự báo tiếp tục quá trình thắt chặt những tháng tới. Nếu Việt Nam thành công trong kiểm soát lạm phát, tỷ giá và lãi suất như trong quá khứ đã làm được, nút thắt tăng trưởng tín dụng sẽ được gỡ bỏ.
Nhìn ra thế giới, sự hồi phục mạnh và diện rộng của thị trường tài chính Trung Quốc mặc dù các dữ liệu vĩ mô của nước này chưa có nhiều biến chuyển mạnh, có thể là những chỉ báo tác động tích cực từ các biện pháp của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Trung Quốc. Cũng cần lưu ý là dòng tiền sẽ được kích hoạt khiến thị trường chứng khoán tạo đáy trước các chỉ báo kinh tế 3-6 tháng.
VN-Index đã rớt hơn 20%, PE xuống 11x, có thể tới đây xuống dưới 11 lần khi báo cáo quý II/2022 của các doanh nghiệp niêm yết công bố. Mức định giá hiện tại khá là hiếm gặp và cũng là một điểm sáng để một số nhà đầu tư quyết định “tham lam”.
Trong cuộc trao đổi với giới đầu tư tuần qua, các chuyên gia kỳ cựu của VinaCapital cũng chia sẻ rằng thị trường có thể phản ứng tích cực bất cứ khi nào. Bởi thế, quan sát kỹ thị trường và sẵn sàng tâm thế để nắm bắt cơ hội cũng là biện pháp có thể giúp nhà đầu tư “lấy lại những gì đã mất”.
Với nhiều nhà đầu tư, họ không nhìn VN-Index mà nhìn vào từng doanh nghiệp để chọn lựa được món đầu tư phù hợp. Trong quá khứ, khi thị trường đảo chiều đi lên, có năm VN-Index chỉ tăng 8% nhưng nhiều doanh nghiệp lại có mức tăng vượt trội 50-70%.