Giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam, các nguồn điện nhiệt điện khí trong nước vẫn đang trập trùng vướng mắc và tiếp tục chậm tiến độ kéo dài.
Bộ Công thương cho rằng cần có các giải pháp để nhất thiết giữ vững tiến độ của cụm nhiệt điện khí Ô Môn – Lô B (3.150MW, vận hành giai đoạn 2025-2027) và cụm nhiệt điện khí miền Trung – Cá Voi Xanh (3.750MW, vận hành 2028-2029).
Bộ Công thương vừa có đánh giá tổng thể về nguồn nhiệt điện khí trong nước nằm trong chương trình phát triển nguồn điện và tác động tới khả năng cung ứng điện giai đoạn tới 2030.
Đến năm 2030, dự kiến phát triển khoảng 7.240MW nhiệt điện khí trong nước, bao gồm: cụm nhà máy điện sử dụng khí Lô B (ba nhà máy Ô Môn 2,3,4 với tổng công suất 3.150MW), cụm nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh (năm nhà máy Dung Quất 1,2,3 và Miền Trung 1,2 với tổng công suất 3.750MW) và nhà máy điện sử dụng mỏ Báo Vàng với công suất 340MW.
Xác định đây là nguồn điện đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ Công thương cho rằng cần có các giải pháp để nhất thiết giữ vững tiến độ của cụm nhiệt điện khí Ô Môn – Lô B (3.150MW, vận hành giai đoạn 2025-2027) và cụm nhiệt điện khí miền Trung – Cá Voi Xanh (3.750MW, vận hành 2028-2029).
Tuy nhiên, đến hiện tại, vẫn còn một số vấn đề liên quan tới các cụm mỏ khí nêu trên. Với cụm mỏ khí Lô B, vướng mắc chính ở phía thượng nguồn là vấn đề bảo lãnh Chính phủ. Bộ Công thương đã đàm phán xong và phía Nhật Bản đã ký thư chính thức bỏ yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ. Hiện đang thỏa thuận với phía Thái Lan (chiếm 5%) để bỏ yêu cầu này.
Đồng thời, phía hạ nguồn có 2 nhà máy (Ô Môn 3,4) do EVN đầu tư. Hiện nhà máy Ô Môn 4 đang chuẩn bị đấu thầu chọn tổng thầu EPC, thì Ô Môn 3 chưa được cấp chủ trương đầu tư do thủ tục vay vốn ODA, nhưng về cơ bản sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới. Cũng liên quan tới cụm mỏ khí lô B, nhà máy Ô Môn 2 (do liên danh Vietracimex- Marubeni đầu tư) hiện đã xong chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo Bộ Công thương, các dự án nhà máy điện sử dụng mỏ khí Lô B về cơ bản đã có tiến triển.
Tình hình khó khăn cũng đang diễn ra tại cụm mỏ khí Cá Voi Xanh. Hiện ghi nhận rủi ro về phía thượng nguồn (do ExxonMobil triển khai) đang có vấn đề về định hướng đầu tư nội bộ và dự án này không nằm trong các dự án ưu tiên của ExxonMobil.
Vì vậy, công tác đàm phán các thỏa thuận thương mại và GGU chậm, ảnh hưởng đến triển khai các công việc khác. Phía hạ nguồn (do EVN đầu tư dự án nhà máy điện Dung Quất 1,3 và Sembcorp đầu tư dự án BOT Dung Quất 2) đã được phê duyệt FS, đang đàm phán hợp đồng mua bán khí. PVN đầu tư dự án Tua-bin khí hóa hơi Miền Trung 1,2 đang triển khai lập quy hoạch 1/500 và lập FS (báo cáo nghiên cứu khả thi) với tiến độ dự kiến 2028-2029.
Ngoài ra, vẫn còn khó khăn trong xác định trữ lượng của mỏ khí Báo Vàng, quyết tâm của nhà đầu tư (Gazprom) khó có thể vận hành trước năm 2030.
Cần nhắc lại, các dự án nguồn điện nêu trên (định hình trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đều đã chậm tiến độ 3-5 năm (thời điểm 2019) để phù hợp với tiến độ cấp khí Lô B, Cá Voi Xanh.
Điển hình, là một số dự án do EVN làm chủ đầu tư như: Tua-bin khí hóa hơi (TBKHH) Ô Môn 3 (750MW, hình thức ODA, tiến độ theo quy hoạch điện VII điều chỉnh là năm 2020), TBKHH Ô Môn 4 (750MW, 2021), TBKHH Dung Quất I (750MW, 2023). Một số dự án TBKHH do PVN làm chủ đầu tư: Nhơn Trạch 3&4 (2x750MW, 2020-2021), Kiên Giang 1&2 (2x750MW, 2021-2022), Miền Trung 1,2 (2x750MW, 2023-2024).