Phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành cao su vẫn tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm 2022.
Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận cạo mủ cao su. Ảnh: Thanh Sơn.
Tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng
Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năm 2022 được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức, nhất là đối với lĩnh vực cao su. Giá bán mủ cao su tuy có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức thấp, sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt …
Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cuộc chiến thương mại tiền tệ giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraina khiến giá các loại hàng hóa trên thị trường tăng cao, tạo áp lực lớn đến lạm phát, chi phí sản xuất tăng trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của toàn tập đoàn.
Trước tình hình đó, ngoài các nội dung đã và đang thực hiện mang lại hiệu quả cao như năm 2021, Ban lãnh đạo VRG đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Theo đó, tập đoàn yêu cầu các đơn vị thành viên bám sát khối lượng năm 2022 mà tập đoàn giao, thỏa thuận, đặc biệt trên 5 lĩnh vực lớn (nông nghiệp, khu công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ, thủy điện), để hoàn thành kế hoạch khai thác, chế biến, tiêu thụ.
Năm 2022, tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó gồm các dự án Nam Tân Uyên, An Điền mở rộng tại Bình Dương và dự án Khu công nghiệp Hiệp Thạnh tại tỉnh Tây Ninh …
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, VRG vẫn tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022 vừa được VRG tổ chức mới đây, các cổ đông thống nhất với kế hoạch năm 2022 do Ban lãnh đạo VRG đưa ra: đạt doanh thu và thu nhập khác hơn 29.700 tỷ đồng, lãi trước thuế 6.480 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 4% so với năm 2021.
Chế biến mủ cao su ở Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa. Ảnh: Thanh Sơn.
Điều đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cao su nhìn chung vẫn đang có sự tăng trưởng khá tốt. Thông tin từ Tổng cục Hải quan, cho thấy, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cao su đã đạt 599 nghìn tấn, trị giá 1,052 tỷ USD, tăng 8,9% về lượng và 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều đơn vị thành viên của VRG đã ký được những hợp đồng xuất khẩu dài hạn, đảm bảo cho việc tiêu thụ đến hết năm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ sản lượng cao su của Donaruco trong năm nay đều đã được ký hợp đồng xuất khẩu với khách hàng đến từ nhiều thị trường. Từ nay đến hết năm, Donruco chỉ việc tập trung sản xuất cao su cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký, thậm chí Tổng công ty còn lo không đủ cao su để giao cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa, công ty không lo lắng về đầu ra bởi có thương hiệu mạnh và đã ký được hợp đồng dài hạn với nhiều khách hàng châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc …
Xuất khẩu cao su nói chung vẫn đang tăng trưởng, nhưng xuất khẩu sang một số thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, đang gặp phải những khó khăn, thách thức.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mỗi tháng Trung Quốc tiêu thụ khoảng 500 nghìn tấn cao su tự nhiên, trong khi nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 115 nghìn tấn. Bởi vậy, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc khá lớn. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ cao su của nước này trong năm 2022.
Đẩy mạnh thu mua cao su tiểu điền
Đưa mủ cao su về nhà máy ở Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa. Ảnh: Thanh Sơn.
Thu mua cao su tiểu điền là một hoạt động quan trọng của các công ty thành viên VRG. Việc đẩy mạnh thu mua mủ cao su tiểu điền trước hết là nhằm đáp ứng được công suất của các nhà máy chế biến cao su và các đơn hàng xuất khẩu, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Nguyên Khang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, cho biết, 2 nhà máy của công ty hiện có tổng công suất tới 16.500 tấn/năm. Trong khi đó, tổng sản lượng mủ cao su mà công ty thu hoạch được trong năm 2021 là 5.650 tấn. Chính vì vậy, công ty đã tổ chức thu mua 7.400 tấn mủ cao su tiểu điền.
Lượng mủ cao su tiểu điền mà Donaruco dự kiến thu mua trong năm nay là 18 nghìn tấn, chiếm trên 30% tổng lượng mủ cao su đưa vào chế biến. Còn theo ông Nguyễn Minh Đoan, mủ cao su tiểu điền hiện đang chiếm 15-20% tổng lượng mủ cao su mà công ty đưa vào chế biến, xuất khẩu hàng năm.
Như vậy, có thể thấy, mủ cao su tiểu điền đang đóng vai trò không nhỏ ở nhiều công ty cao su. Thấy được vai trò quan trọng của mủ cao su tiểu điền, trong thời gian qua, các đơn vị thành viên của VRG đã đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ tích cực cho cao su tiểu điền trên địa bàn.
Donaruco đã liên kết với các hộ cao su tiểu điền ở những địa bàn mà Tổng công ty đứng chân và cả các vùng lân cận. Theo đó, Donaruco hướng dẫn các hộ tiểu điền kỹ thuật canh tác, khai thác mủ cao su, hỗ trợ phương tiện vận chuyển để thu mua tận gốc mủ cao su tiểu điền.
Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa cũng có các chính sách thu mua cao su tiểu điền với giá cả hợp lý, vừa góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho bà con vừa đảm bảo công suất chế biến của nhà máy.
Ông Phạm Minh Anh (trái) mang mủ cao su đến bán cho nhà máy của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận. Ảnh: Thanh Sơn.
Ông Phạm Nguyên Khang cho hay, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận luôn thu mua mủ cao su tiểu điền trên địa bàn với giá cao hơn khoảng 3% so với giá thị trường. Bên cạnh đó, vào đầu vụ, công ty còn hỗ trợ phân bón cho các hộ tiểu điền mà không tính lãi suất. Khi thu mua, công ty luôn thực hiện việc cân đo một cách chính xác.
Nhờ vậy, rất nhiều hộ cao su tiểu điền đã gắn bó lâu dài với Cao su Bình Thuận. Ông Phạm Minh Anh (khu phố 9, thị trấn Đức Tài, Đức Linh, Bình Thuận), chia sẻ “Tôi là một trong những hộ cao su tiểu điền đầu tiên bán mủ cao su cho nhà máy của Cao su Bình Thuận. Với 10 ha cao su, mỗi tháng, tôi cung cấp cho nhà máy khoảng 10 tấn mủ. Tôi gắn bó lâu dài với nhà máy vì giá thu mua ổn định và cao hơn so với giá bên ngoài. Ví dụ, nếu giá bên ngoài là 300 đồng một độ mủ thì giá mua của nhà máy là 320 đồng”.
Không chỉ ở Việt Nam, các thành viên của VRG đang đầu tư tại Campuchia, cũng tích cực đẩy mạnh thu mua cao su tiểu điền nhằm đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ cho người trồng cao su ở địa phương.
Ông Phùng Thế Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa – Kampong Thom cho biết, năm 2021, nhà máy chế biến 14.200 tấn mủ cao su. Trong đó, hơn 11 nghìn tấn là sản lượng do công ty thu hoạch, gần 3 nghìn tấn còn lại được thu mua từ các hộ cao su tiểu điền.
Trong năm nay, ngoài việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, nhà máy sẽ tiếp tục nâng sản lượng mủ cao su chế biến, bao gồm toàn bộ sản lượng mủ cao su khai tác tại các nông trường của công ty và cao su thu mua từ các hộ tiểu điền.
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG
Năm nay, VRG tiếp tục tăng cường công tác thu mua mủ cao su để tăng doanh thu, phát huy công suất các nhà máy chế biến, giảm giá thành, tăng việc làm, tiền lương cho công nhân và thể hiện vai trò của Tập đoàn trong việc hỗ trợ cao su tiểu điền.