Tái mở cửa hậu đại dịch đang được xem là cơ hội lớn cho ngành du lịch Đông Nam Á. Nhưng chặng đường để phục hồi lĩnh vực chủ lực này không hề dễ dàng.
Các tín hiệu tích cực sau khi Đông Nam Á mở cửa biên giới
Hôm 1/7, Thái Lan chính thức ban hành quy định mới, dỡ bỏ hầu như toàn bộ các hạn chế trong đại dịch với du khách nước ngoài. Khách quốc tế sẽ chỉ còn cần mang một trong hai loại giấy tờ khi nhập cảnh: Chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ, hoặc giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi bay
.
Thái Lan dỡ bỏ phần lớn các hạn chế phòng dịch với du khách kể từ ngày 1/7 (Nguồn: Bangkokpost)
Những yêu cầu trước đó như việc đăng ký chứng nhận điện tử Thailand Pass, có sẵn bảo hiểm du lịch từ 20.000 USD trở lên, hay kể cả quy định bắt buộc đeo khẩu trang đều đã được loại bỏ, giúp đơn giản hóa các thủ tục cho du khách một cách đáng kể.
Ngay sau ngày 1/7 khi quy định được nới lỏng, đã có hơn 9.000 du khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phuket, tăng khoảng 20% so với những ngày trước đó. Số lượng khách nhập cảnh bằng đường bộ qua các cửa khẩu giáp với Lào và Malaysia cũng đã tăng lên - minh chứng cho thấy chính sách đã phát huy hiệu quả, ngay cả khi Thái Lan chưa bước vào mùa cao điểm du lịch.
Giới chức Thái Lan kỳ vọng đón hơn 9 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay – còn xa với con số 40 triệu lượt khách trước đại dịch, nhưng vẫn là dấu hiệu tích cực ngành du lịch nước này đang trên đà trở lại. Lĩnh vực này vốn chiếm tới 12% GDP của xứ sở Chùa Vàng trong năm 2019.
Du lịch đóng vai trò quan trọng trong GDP của nhiều nước Đông Nam Á (Nguồn: Reuters)
Không chỉ tại Thái Lan, du lịch cũng chiếm khoảng 10-20% GDP của các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Việt Nam hay Campuchia, và được cho là bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch hơn so với các thị trường khác. Ông Gary Bowerman, giám đốc hãng nghiên cứu thị trường Check-in Asia nhận định: "Du lịch Đông Nam Á bị tàn phá nặng nề hơn, bởi các chính phủ đã duy trì việc đóng cửa biên giới với phần lớn du khách trong suốt 2 năm, và thậm chí có cả một số hạn chế đi lại nội địa. Trong khi đó Bắc Mỹ và châu Âu đã có một số luồng du lịch hoạt động trở lại ngay từ các năm 2020 và 2021".
Sau các động thái dỡ bỏ hạn chế, du khách đang dần quay trở lại với khu vực, theo các công ty theo dõi thị trường lữ hành Singapore ghi nhận lượng đặt vé máy bay cho tới tháng 6 đã bằng gần 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng đặt vé tại Philippines cũng đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm. Các đơn vị du lịch đang cố gắng nắm bắt cơ hội một cách "quá nhanh quá nguy hiểm", theo lời Stanley Foo, chủ một công ty lữ hành tại Singapore, bởi du khách sẵn sàng ở dài ngày hơn, chi nhiều tiền hơn cho mỗi chuyến đi – biểu hiện của tâm lý "du lịch phục thù" sau 2 năm đại dịch.
Chặng đường phục hồi du lịch vẫn còn gập ghềnh
Dù vậy, phục hồi du lịch Đông Nam Á không phải là chặng đường bằng phẳng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu 2022 chứng kiến rất nhiều biến động. Theo Chủ tịch Hội đồng du lịch Thái Lan Chamnan Srisawat: "Hiện mới chỉ có khoảng một nửa số doanh nghiệp du lịch của chúng tôi hoạt động trở lại, và các đơn vị đã mở cửa cũng chưa đủ lượng khách hàng để có thể đạt trạng thái làm ăn có lãi".
Một trong những thách thức lớn nhất đến từ việc du khách Trung Quốc vẫn chưa thể trở lại các điểm đến, khi nước này vẫn hạn chế đi lại do chính sách Zero Covid. Lượng khách từ Trung Quốc chiếm tới hơn 1/4 tổng số du khách đến Đông Nam Á trước đại dịch, và cũng là nhóm có mức chi tiêu lớn nhất. Giới kinh doanh khách sạn tại Thái Lan cho rằng, du khách Trung Quốc then chốt, bởi họ có thể "lấp đầy các phòng trống ở bất kỳ điểm đến nào, trong suốt cả năm".
Chính sách Zero Covid của Trung Quốc tác động mạnh tới lượng khách du lịch Đông Nam Á (nguồn: CNBC)
Tại Thái Lan, tỷ lệ lấp đầy phòng của các khách sạn nước này hiện cũng chỉ ở mức bình quân khoảng 30% tổng công suất, và ngành này cũng đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng khi bị sụt giảm hơn 3 triệu lao động trong đại dịch. Hiện giới kinh doanh du lịch đang hối thúc chính phủ nước này tiếp tục các chương trình giãn thuế và những hỗ trợ kinh doanh khác trong đại dịch.
Tác động từ làn sóng lạm phát trên toàn cầu trong năm nay cũng đã bắt đầu tác động tới du lịch Đông Nam Á. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), giá nhiên liệu máy bay trong tháng 6 đã tăng tới 128% so với cùng kỳ năm trước, tạo áp lực lớn lên chi phí của các hãng hàng không, và sau cùng kéo giá vé máy bay tăng lên. Tương tự như các khách sạn, giới hàng không Đông Nam Á cũng đang phải vật lộn nhằm giữ chân và tuyển dụng mới nhân lực, đáp ứng nhu cầu tăng vọt.
Ngành hàng không chịu áp lực lớn do chi phí nhiên liệu cao và thiếu nhân lực (Nguồn: Reuters)
Giá cả tăng cũng được xem là sẽ gây áp lực lên chi tiêu của du khách trong khu vực, nhất là khi làn sóng tăng lãi suất hiện nay làm giảm giá của các đồng tiền mới nổi, khuyến khích người dân siết chặt chi tiêu, giảm bớt các hạng mục không thiết yếu như du lịch.
Bất chấp những khó khăn này, nhiều đơn vị du lịch tại Thái Lan hay Singapore vẫn nhìn nhận tình hình khá lạc quan. Theo ông Stanley Foo, nhiều sự kiện và triển lãm đang được lên kế hoạch tại Singapore nửa cuối năm nay, và đây sẽ là một cơ hội lớn cho các đại lý muốn phục vụ thị trường nhắm vào nhóm khách đến Singapore công tác ngắn ngày.
Làn sóng "du lịch phục thù" được dự báo sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm nay (Nguồn: CNBC)
Đại diện hãng du lịch quốc tế Expedia đánh giá, bất chấp lạm phát và giá vé tăng, làn sóng "du lịch phục thù" vẫn sẽ hiện diện mạnh mẽ trong năm nay. Theo các hãng lữ hành, phần lớn các lượt đặt tour, đặt vé sớm đang tập trung vào giai đoạn cuối năm hoặc các mùa thấp điểm như tháng 9-10. Du lịch Đông Nam Á cũng đang phải nỗ lực lôi kéo những đối tượng khách hàng mới thay cho khách Trung Quốc, như Trung Đông, châu Âu và cả các du khách trong khối ASEAN.