Tính đến cuối quý II/2022, dòng tiền các nhà đầu tư gửi tại Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường ở mức 50.000 tỷ đồng, mức này chỉ thấp hơn một chút so với đầu năm 2022. Như vậy, các nhà đầu tư đang sẵn sàng có lượng tiền mặt rất lớn để tham gia thị trường ngay khi có cơ hội.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trở lại cho thấy bối cảnh vĩ mô cũng như định giá thị trường chứng khoán đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt khối ngoại. Điều này thể hiện qua việc thanh khoản trong những phiên rồi đã cải thiện rõ rệt và dường như dòng tiền cũng dồi dào hơn.
Đánh giá về dòng tiền trong thời gian qua, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng Khoán VNDirect cho rằng, dòng tiền đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên thị trường Việt Nam cho đến tháng 6, khối lượng mua ròng rơi vào khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là một động lực khá tích cực hỗ trợ cho thanh khoản thị trường.
Một lượng tiền mặt lớn sẵn sàng tham gia thị trường ngay khi có cơ hội
Bên cạnh đó, dòng tiền đến từ các nhà đầu tư cá nhân, bởi vì tính đến cuối quý II/2022 thì dòng tiền các nhà đầu tư gửi tại Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường ở mức 50.000 tỷ đồng, mức này chỉ thấp hơn một chút so với mức đầu năm 2022. Như vậy, các nhà đầu tư đang sẵn sàng có lượng tiền mặt rất lớn để tham gia thị trường ngay khi có cơ hội. Cũng theo bà Trần Thị Khánh Hiền, trong khoảng 4-5 tuần gần đây thì nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đã khá tích cực trong việc quay trở lại mua ròng trên toàn thị trường.
Những tín hiệu tích cực này đang mang lại kỳ vọng về sự tăng trưởng tích cực trở lại của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán SHS, xét về góc nhìn trung và dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn đang hình thành vùng tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình nhiều năm trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì.
Theo ông Trương Thái Đạt - Phó Giám đốc Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán DSC, khi xem xét về P/E thì vào thời điểm đáy của thị trường chỉ ở mức khoảng 11 lần. Nếu so sánh trong quá khứ của thị trường Việt Nam thì đây là mức P/E rất rẻ và hấp dẫn, kể cả trong trường hợp mức chi phí vốn của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhiều so với thời điểm 2020-2021.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết cũng là thông tin hết sức tích cực đối với tâm lý thị trường. Theo ước tính của VNDirect, trong năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết sẽ có mức tăng trưởng khoảng 23% và khoảng 20% trong năm 2023, mức này được xem là một trong những mức tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực.
Tính tới ngày 5/8/2022, Công ty Chứng khoán BIDV thống kê 93% số công ty niêm yết trên HOSE và HNX đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý II/2022 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái (thấp hơn nhiều mức tăng 41% của quý I/2022). Trong đó, 56% số doanh nghiệp có lãi tăng, 13,3% số công ty thua lỗ.
Theo nhận định của bà Trần Thị Khánh Hiền, có lẽ giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán có lẽ đã qua và bức tranh cho những tháng cuối năm sẽ trở nên lạc quan và tươi sáng hơn, vẫn có sự tăng trưởng và phục hồi bền vững.
Về lựa chọn các cổ phiếu đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư trong ngắn hạn nên cơ cấu rút gọn danh mục, bán chủ động với những mã kém và yếu. Về góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang trong quá trình tích lũy trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng nên chiến lược giải ngân từng phần với các nhóm ngành triển vọng như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng vẫn có thể được cân nhắc.
Trong khi đó, theo Agriseco Research, trong môi trường lạm phát tăng cao, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thường khởi sắc hơn do lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm tăng lên; Tỷ trọng tiền mặt và tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp nhóm này được hưởng lợi trong môi trường lạm phát.
Đáng chú ý, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, lãi suất kỹ thuật tăng khiến tỷ lệ trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng kí mới giảm, và qua đó phần nào giúp cải thiện biên lợi nhuận...