Việc xây thêm nhà máy lọc dầu và kho dự trữ được PVN kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tự chủ hơn trong bài toán cung ứng xăng dầu. Tuy nhiên, những băn khoăn về tính hiệu quả của dự án lọc hóa dầu đang được dư luận băn khoăn, đó là hiệu quả về chi phí đầu tư, khả năng cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu, cũng như phụ thuộc nguồn nguyên liệu dầu thô nhập khẩu ra sao.
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề xuất Chính phủ xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ dầu thô, xăng dầu quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ USD cho hai giai đoạn, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 70%. Nếu được thông qua, dự kiến dự án vận hành thương mại từ quý I/2028.
PVN kỳ vọng lớn vào lợi ích từ dự án
Giải thích lý do cần phải xây dựng tổ hợp nhà máy lọc hóa dầu, PVN cho rằng dự trữ xăng dầu trong nước mới đáp ứng được khoảng 5-7 ngày tiêu dùng nên rất phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất, cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu. Trong khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2020 là 18 triệu tấn, dự báo tiếp tục tăng 25 triệu tấn/năm vào năm 2025 và 33 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Những tháng đầu năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã gặp phải những vướng mắc về tài chính, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn khoảng 12,2 triệu tấn, dự kiến tăng lên 13,5 triệu tấn. Vì vậy, khả năng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu sản phẩm xăng dầu, 40% cho các năm 2030 và 20% vào năm 2045. Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 19,5 triệu tấn xăng dầu vào năm 2030 và 25 triệu tấn vào năm 2035, khoảng 36 triệu tấn và 49 triệu tấn tương ứng vào năm 2040 và năm 2045.
Cũng theo PVN, Việt Nam hiện đang có 2 nhà máy lọc dầu: Dung Quất vận hành ổn định, sản xuất 5,8 triệu tấn xăng dầu/năm, 150 nghìn tấn PP/năm nhưng khó có khả năng mở rộng, thay đổi được công nghệ. Trong khi đó, Nghi Sơn (NSRP) vận hành không ổn định và hoàn toàn phụ thuộc, chi phối và quyết định bởi các nhà đầu tư nước ngoài, sản xuất 6,5 triệu tấn xăng dầu/năm, 340 nghìn tấn PP/năm, NSRP mới đưa vào vận hành năm 2018.
Ngoài ra, sắp tới có tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam của SGC và nhà máy lọc hóa dầu của Hyosung dự kiến đưa vào vận hành năm 2022 – 2023 sản xuất ra các sản phẩm PP 0,96 triệu tấn/năm; PE 0,95 triệu tấn/năm.
“Như vậy, năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, hàng năm vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc dầu để phục vụ cho nhu cầu trong nước. Trong tình hình địa chính trị có nhiều biến động phức tạp, giá cả leo thang, vận hành Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn không ổn định như thời gian qua, khả năng dự trữ xăng dầu trong nước còn nhiều hạn chế, PVN thấy rằng có cơ hội đầu tư một tổ hợp lọc dầu áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại sẽ mang lại nhiều lợi ích cho PVN và Việt Nam”, PVN cho biết nguyên liệu dự kiến tổ hợp sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước. Nguyên liệu dầu thô thiếu hụt sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ, tùy thuộc vào quy mô công suất tổ hợp.
Đánh giá đề án xây dựng ý tưởng này của PVN là rất tốt song ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cũng cho rằng để tính tới hiệu quả, tính khả thi của dự án thì cần trải qua những bước dài phía sau. Theo đó, nếu dự án được chấp thuận của các cấp có thẩm quyền thì cần lập báo cáo tiền khả thi, khả thi, thiết kế công nghệ và dự toán chi phí, đấu thầu lựa chọn nhà xây lắp công trình… Tiếp đó, chúng ta mới đi đến việc bàn có đầu tư hay không.
Ông Thập cho hay trong quá trình lập báo cáo tiền khả thi và khả thi cần phải tiếp xúc với nhà đầu tư tài chính, ngân hàng để đưa ra phương án tự đầu tư hay liên doanh hoặc liên kết với nhà đầu tư khác. Có thể nói đây là quá trình dài.
Cần tính tới hiệu quả
Về băn khoăn nhập khẩu nguyên liệu dầu thô từ nước ngoài, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cho rằng việc phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài rất bình thường. Thực tế đã chứng minh nhà máy lọc dầu trên thế giới, cụm hoá dầu trên thế giới không nhất thiết phải có đủ dầu thô trong nước mới xây lắp nhà máy, Singapore và Hàn Quốc là ví dụ về chuyện không có dầu thô nhưng có nhiều nhà máy lọc dầu.
Tuy nhiên, vấn đề mà ông Thập muốn nhấn mạnh là trước khi triển khai cần nghiên cứu, đánh giá dự án trên mọi khía cạnh, sau đó mới tính tới đầu tư hay không, hiệu quả ra sao. Việc đầu tư thêm nhà máy lọc hóa không nên phụ thuộc vào cách nhìn phiến diện như người ta làm rồi thì mình có nên làm hay không, cũng không phụ thuộc vào ai làm chủ công nghệ sớm hơn ai mà cần tính tới hiệu quả.
Ông Thập dẫn chứng, 15 năm trước khi đặt bài toán dự án lọc dầu Dung Quất, nhiều ý kiến cũng nghi ngại, song đến giờ dự án này đã cho thấy hiệu quả.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng nhấn mạnh tới yếu tố quan trọng về hiệu quả, mức độ cạnh tranh của sản phẩm đặt trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Những bài toán này tới đây phải được xem xét đồng thời, không chỉ về phía PVN, nhà đầu tư mà còn phải từ phía cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án. Nếu dự án chứng minh được tính khả thi, hiệu quả thì mới được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế cũng bình luận chắc chắn dự án này cần phải đặt trong bối cảnh nguồn nguyên liệu dầu thô trong nước cung ứng ra sao, phải nhập khẩu đến đâu thì mới ra hiệu quả. Quan trọng hơn, Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ cam kết tại Hội nghị COP 26 về việc đưa phát thải ròng về 0, liệu rằng việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hóa dầu có cần thiết nếu nhìn trong bối cảnh đến 2050. Có thể thấy đây là vấn đề cần nhìn rộng ra.
Trong khi đó, trao đổi trên báo chí, đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng thêm nhà máy lọc dầu sẽ góp phần đảm bảo nhu cầu xăng dầu, an ninh năng lượng của cả 3 miền. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đầu tư, xây dựng nhà máy lọc hóa dầu trước hết phụ thuộc vào cân đối cung cầu năng lượng quốc gia, chủ trương, chính sách cũng như các yếu tố về nguồn cung cấp dầu thô trong nước, hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư trong suốt vòng đời của dự án.
Đồng thời, việc đầu tư bổ sung nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam cần được PVN nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ mọi khía cạnh, nhất là nguồn nguyên liệu dầu thô và hiệu quả kinh tế của dự án.
TS. Nguyễn Văn Phúc
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Để trả lời câu hỏi có nên xây thêm nhà máy lọc dầu thì cần một cuộc thăm dò tổng thể xem trữ lượng và chất lượng dầu của Việt Nam hiện nay có đủ đáp ứng không, bởi nếu không đủ vẫn phải nhập dầu về tức là lệ thuộc bên ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xem xét xu hướng thế giới có đầu tư vào lọc dầu nữa hay không. Hiện nhiều quốc gia có quan điểm không đầu tư mà tính toán nhập về rẻ hơn.
TS. Võ Trí Thành
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh
Thực tế trong bối cảnh hiện nay, Việt nam cũng cần thêm nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm trước hết chưa phải là tổng số vốn mà là cách làm và hiệu quả. Đặc biệt, cần cân đối nguồn cung dầu thô, hiệu quả kinh tế và đặc biệt là chiến lược năng lượng quốc gia, trong đó có các cam kết ở COP 26 của Việt Nam. Vấn đề xây dựng thêm nhà máy lọc hoá dầu và dự trữ xăng dầu được đặt ra có phù hợp hay không trong bối cảnh Chính phủ đang cắt giảm sử dụng nhiên liệu xăng dầu theo cam kết tại COP 26 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp, nhà quản lý.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
Học viện Tài chính
Trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khó khăn như hiện nay, dự án lọc dầu là cần thiết, đặc biệt nhìn trong bối cảnh tới năm 2045, lượng xăng dầu trong nước chỉ đáp ứng 20-30%. Tuy nhiên, có những vấn đề cần được đặt ra là xem xét nguồn vốn từ đâu và như thế nào. Thực tế quan sát từ bài học của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho thấy, việc duy trì hoạt động cũng đang còn gặp nhiều vấn đề.