Doanh thu của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) từ đầu năm đến nay vẫn tăng đều, tuy nhiên, nhìn vào khối nợ lớn hơn 36,8 nghìn tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ tuyệt đối) cùng với áp lực thị trường, “lớn thuyền thì lớn sóng”… sẽ thấy vẫn còn lắm mối lo về độ rủi ro ở một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bán lẻ này.
Có thể nói, kết quả kinh doanh của
MWG trong tháng 7/2022 và 7 tháng đầu năm nay hẳn làm cho nhiều người sẽ thấy dường như là “màu hồng” khi doanh thu vẫn tăng đều đều.
Nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ tuyệt đối
Cụ thể, doanh thu tháng 7/2022 đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đóng góp chính là mảng điện thoại và điện máy với 8.400 tỷ đồng, tăng đến 63%.
Tính luỹ kế 7 tháng đầu năm nay,
MWG ghi nhận doanh thu 81.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, với 65.300 tỷ đóng góp từ chuỗi Thế giới Di động/Điện Máy Xanh và 15.200 tỷ đồng từ chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX).
Tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ điện thoại, điện máy chậm lại với ước tính CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 2,7%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026, sẽ là thách thức đối với
MWG trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 của
MWG, có thể mọi người sẽ có suy nghĩ khác, đặc biệt là khối nợ lớn. Theo đó, nợ phải trả tính đến cuối tháng 6/2022 lên tới hơn 36,8 nghìn tỷ đồng, lớn hơn 14.000 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu.
Có thể thấy, nợ ngắn hạn vẫn chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong cơ cấu nợ phải trả của
MWG, trong đó phần lớn là khoản vay ngắn hạn với hơn 22,3 nghìn tỷ đồng.
Và, trong khối nợ ngắn hạn này thì nợ phải trả người bán ngắn hạn là hơn 9.387 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn là hơn 2.900 tỷ đồng, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là hơn 909 tỷ đồng, phải trả cho người lao động là hơn 475,9 tỷ đồng…
Mặc dù khối nợ ngắn hạn nêu trên đã giảm gần 6.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay, nhưng các khoản vay tín chấp ngắn hạn từ ngân hàng và trái phiếu là điều đáng lưu tâm.
Theo đó,
MWG có khoản nợ vay trái phiếu ngắn hạn hơn 1.133 tỷ đồng nhằm bổ sung nhu cầu vốn kinh doanh với tài sản đảm bảo là tín chấp.
Trái chủ cho khoản vay trái phiếu của
MWG là các công ty bảo hiểm quốc tế có văn phòng ở Việt Nam như Manulife, Prudential, AIA, Chubb, Sun Life. Lãi suất của các khoản vay trái phiếu này là 6,55%/năm, kỳ hạn trả gốc là vào ngày 17/11/2022.
Không chỉ vậy,
MWG có các khoản vay ngắn hạn từ phía ngân hàng với tổng nợ tính đến 30/6/2022 là hơn 21,2 nghìn tỷ đồng. Và trong thuyết minh cho thấy nhóm công ty của
MWG đã thực hiện các khoản vay tín chấp ngắn hạn với lãi suất thả nổi nhằm mục đích bổ sung cho nhu cầu vốn lưu động.
Các ngân hàng là chủ nợ cho các khoản vay của
MWG có thể kể đến như HSBC (Việt Nam) với hơn 3.500 tỷ đồng; HSBC (Singapore) với hơn 2.144 tỷ đồng; Ngân hàng Mizuho Bank - chi nhánh Hà Nội với hơn 1.900 tỷ đồng; Ngân hàng BNP Parias - chi nhánh Singapore với hơn 1.770 tỷ đồng…
Về phương diện tài chính, giới chuyên gia cho rằng nợ ngắn hạn cao làm tăng nguy cơ về khả năng thanh toán và tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp (DN) nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu, nhất là với các DN bán lẻ đầu ngành thường xuyên đối mặt với nhiều áp lực.
Bởi lẽ, do lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của DN bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây. Bên cạnh đó, lợi nhuận của nhiều DN bán lẻ hàng đầu cũng được đánh giá là đã đạt đỉnh, thị trường bán lẻ điện máy đang có dấu hiệu bão hoà, áp lực cạnh tranh (từ bán hàng online) đang làm cho biên lợi nhuận giảm dần.
“Lớn thuyền thì lớn sóng”
Riêng về BHX của
MWG vào cuối tháng 7/2022 có 1.735 cửa hàng. Doanh thu bình quân 1 cửa hàng đạt khoảng 1,3 tỷ đồng. BHX đã đóng cửa tổng cộng khoảng 400 cửa hàng so với hồi đầu năm và hoàn tất việc thay đổi layout (thiết kế) mới cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu.
Sau giai đoạn khủng hoảng và nhận nhiều chỉ trích liên quan tới chuỗi cửa hàng BHX, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài của
MWG khẳng định BHX đã giải quyết xong các vấn đề lớn và hướng tới mục tiêu có lãi vào cuối quý 4/2022.
Người đứng đầu
MWG cho biết sẽ chưa vội IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) đối với BHX trong năm 2023, mà sẽ chờ.
Tuy nhiên, thông tin mới cập nhật trong hạ tuần tháng 8/2022 cho thấy
MWG đã thuê tư vấn để tìm hiểu việc bán tới 20% cổ phần của chuỗi cửa hàng BHX. Một phát ngôn viên của
MWG thông tin với hãng tin Reuters trong một tuyên bố gửi qua email là “chúng tôi đã chọn một công ty tư vấn và đang làm việc chặt chẽ để chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho thương vụ. Thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn tất vào quý đầu tiên của năm 2023”.
Người phát ngôn này từ chối bình luận về việc định giá BHX và các chi tiết khác vì lý do giữ bí mật. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận cho biết có thể được định giá hơn 1,5 tỷ USD.
Còn với tình hình tài chính hiện tại của
MWG, nhiều ý kiến cho rằng “lớn thuyền thì lớn sóng”, như “thế trên lưng cọp”, phải tìm cách gia tăng doanh số nhằm lấy tiền trả nợ, trả lãi ngân hàng.
Không những vậy, với 5.515 cửa hàng bán lẻ và số lượng lớn nhân viên thì chi phí hoạt động của
MWG là không nhỏ. Nếu doanh thu lớn đủ chi thì tốt, nếu doanh thu sụt giảm sẽ là vấn đề cam go.
Trong khi đó, xét về giá trị hàng tồn kho của
MWG, tính đến hết tháng 6/2022 đã đạt hơn 28,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị tồn kho của mặt hàng thiết bị điện tử là hơn 9.000 tỷ đồng; của điện thoại di động là hơn 6.444 tỷ đồng; của thiết bị gia dụng là hơn 4.700 tỷ đồng; các loại thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, các loại nước uống và hàng tiêu dùng là hơn 1.900 tỷ đồng; hoá mỹ phẩm là hơn 1.5780 tỷ đồng; máy tính xách tay là hơn 1.490 tỷ đồng; phụ kiện là hơn 1.40 tỷ đồng…
Xét về độ rủi ro của
MWG, theo đánh giá gần đây của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán An Bình (ABS) thì đó là rủi ro tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ điện thoại, điện máy chậm lại với ước tính CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 2,7%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026. Điều này sẽ là thách thức đối với
MWG trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số đối với sản phẩm điện tử, điện máy, đặc biệt trong bối cảnh
MWG đã sở hữu thị phần cao trong ngành.
Hơn nữa, rủi ro lạm phát khiến giá cả hàng hóa leo thang ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng của người dân. Ngành bán lẻ điện tử, điện máy có thể sẽ phải chịu sức ép bởi lạm phát làm giảm nhu cầu mua sắm đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Mặt khác, rủi ro còn nằm ở việc mở rộng nhanh mô hình kinh doanh mới có thể gây áp lực lên chi phí. Chẳng hạn như việc
MWG đã triển khai các chương trình khuyến mại đối với chuỗi BHX nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó là việc thay đổi layout chuỗi BHX ảnh hưởng tạm thời đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng.