Tháng Tám đã khép lại, đồng nghĩa với việc mùa Hè ở Bắc bán cầu đã gần kết thúc. Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, điều này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn không mấy dễ chịu: Tháng Chín.
Về mặt lịch sử, đây thường là tháng tồi tệ nhất trong năm đối với thị trường chứng khoán Phố Wall.
Trong ảnh: Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 27/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
* Nhìn lại lịch sử
Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số tổng hợp S&P 500 đã giảm mạnh vào tháng 9/2021 và vào cùng giai đoạn năm 2020, mặc dù thị trường về tổng thể đã phục hồi trong cả hai năm trên. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là các cổ phiếu sẽ kết thúc tháng Chín năm nay trong sắc đỏ. Cổ phiếu đã tăng trong trong cả ba tháng Chín trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Nhưng có một dấu hiệu đáng ngại khác: 2022 là năm bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Theo dữ liệu từ chuyên trang tổng hợp thông tin chứng khoán The Stock Trader's Almanac, chỉ số Dow Jones đã giảm trong 11/18 tháng Chín của các năm diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ tính từ năm 1950 tới nay.
Song giới chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư đừng dựa vào hiệu suất trong quá khứ để quyết định kết quả của tương lai. Sau cùng, giới đầu tư nên tập trung vào các yếu tố cơ bản thay vì các mốc thời gian trên lịch. Báo cáo thu nhập, thể trạng nền kinh tế và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của thị trường chứng khoán hơn việc tháng giao dịch đó là khi nào.
* Những nỗi lo của năm nay
Đầu tiên, cuộc họp tiếp theo của Fed về việc tăng lãi suất sẽ diễn ra vào ngày 21/9. Một số báo cáo kinh tế quan trọng sắp được công bố sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thêm manh mối về “sức khỏe” của thị trường việc làm, cũng như giúp xác định liệu áp lực lạm phát có giảm bớt hay không. Quốc hội cũng sẽ họp trở lại ngay sau đợt nghỉ lễ Ngày Lao động (5/9).
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 24/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Ông Josh Emanuel, Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn đầu tư Wilshire, cho biết không thể phủ nhận rằng đã xuất hiện một số lo ngại về tình hình địa chính trị và dữ liệu kinh tế - những yếu tố có thể dẫn đến biến động trên thị trường chứng khoán. Theo ông, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho điều đó.
Các nhà giao dịch còn nên theo dõi chặt chẽ động thái của Fed và nền kinh tế. Chuyên gia của Wilshire cũng lưu ý rằng vẫn có những tin tốt cho thị trường: đã có dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm Trung Quốc vẫn lành mạnh và lạm phát cuối cùng cũng bắt đầu hạ nhiệt.
Ông Emanuel cho biết nếu xu hướng đó vẫn tiếp diễn, kịch bản nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm” có thể khá hợp lý. Điều đó có nghĩa là Fed sẽ không gây ra suy thoái kinh tế bằng cách tăng lãi suất quá mạnh.
* Kỳ vọng về một đợt phục hồi
Thị trường chứng khoán đã có một nửa đầu năm khá chật vật. Giới quan sát hy vọng điều này có thể đồng nghĩa với đà phục hồi trong tháng Bảy có thể trở lại.
Ông Alex Chaloff, đồng trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản Bernstein Private Wealth Management, nhận định những lo ngại về diễn biến tháng Chín và tháng Mười có vẻ ít nổi bật hơn trong năm nay. Theo chuyên gia này, có những lực lượng đang tác động đáng kể hơn tới thị trường và đã xuất hiện một số chất xúc tác tiềm năng cho một đợt tăng giá của mùa Thu.
Chuyên gia Chaloff nói rằng nếu lạm phát tiếp tục giảm tốc, thị trường sẽ cổ vũ mạnh mẽ cho điều đó. Ngược lại, Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng Chín chỉ 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,75 điểm phần trăm. Điều đó có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập động lực cho một đợt tăng trên thị trường chứng khoán.
Chuyên gia Chaloff cũng cho rằng nền kinh tế có thể hạ cánh nhẹ nhàng, hoặc trong trường hợp xấu nhất là "suy thoái nhẹ". Ông cho rằng giới đầu tư không cần phải quá lo lắng về một cuộc suy thoái kinh tế khủng khiếp, vì sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ đủ để giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vì vậy, miễn là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng – dù có phần ì ạch - và lo ngại lạm phát ngày càng lùi xa, thị trường có thể tránh được một đợt lao dốc lớn vào tháng Chín hay tháng Mười.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trong cuộc họp báo tại Washington DC., công bố các kế hoạch của FED nhằm đối phó với lạm phát gia tăng, ngày 15/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN
* Báo cáo việc làm - tâm điểm mọi sự chú ý
Những nỗi lo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đã giảm bớt sau báo cáo việc làm mạnh hơn mong đợi cho tháng Bảy. Chính phủ Mỹ báo cáo rằng các doanh nghiệp đã tạo thêm 528.000 việc làm, nhiều hơn dự kiến của thị trường.
Báo cáo việc làm tháng Tám sẽ được công bố vào ngày 2/9 (theo giờ Mỹ). Các nhà kinh tế học kỳ vọng hoạt động tuyển dụng sẽ chậm lại, nhưng sẽ không có thông tin nào đủ sức nặng để hồi chuông cảnh báo suy thoái rung lớn hơn.
Theo Reuters, các nhà kinh tế dự báo thị trường việc làm Mỹ sẽ tăng thêm 285.000 vị trí trong tháng Tám và tỷ lệ thất nghiệp sẽ không thay đổi ở mức 3,5%. Nếu những ước tính đó được đáp ứng, Fed và các thị trường đều sẽ rất vui mừng.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các con số về tăng trưởng tiền lương trong báo cáo việc làm. Bất kỳ dấu hiệu giảm tiền lương nào cũng có thể được các nhà đầu tư ủng hộ như một bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát đang hạ nhiệt.
Giới chuyên gia kinh tế đang dự báo tiền lương tháng Tám sẽ tăng nhẹ so với mức của tháng Bảy. Con so với cùng kỳ năm 2021, mức lương tháng Tám dự kiến sẽ tăng 5,3%, cũng chỉ nhích nhẹ so với mức tăng 5,2% của tháng Sáu.
Một sự gia tăng nhỏ trong đà tăng trưởng tiền lương có lẽ không mang đến hồi chuông cảnh báo. Nhưng cả Fed và các nhà đầu tư sẽ không muốn nhìn thấy một mức tăng vọt. Đó có thể là một tin tốt cho người tiêu dùng trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ không được hoan nghênh về lâu dài.
Như Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói trong bài phát biểu hôm 26/8 tại Hội nghị Jackson Hole, thất bại trong việc khôi phục sự ổn định giá cả sẽ đồng nghĩa với nỗi đau lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế./.