Thị trường chứng khoán toàn cầu rúng động đêm qua với đà tăng lạm phát tháng 8 của Mỹ chưa dừng lại ngay cả khi giá dầu giảm mạnh trong trong tháng. Thị trường Việt Nam sáng nay cũng không ngoại lệ khi VN-Index bốc hơi 1,38%. Tuy vậy vẫn có dòng tiền đang bắt đáy và nâng đỡ ở không ít cổ phiếu...
Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy cũng có một số cổ phiếu thu hút được dòng tiền mạnh vào nâng đỡ và giá vẫn tăng.
Thị trường chứng khoán toàn cầu rúng động đêm qua với đà tăng lạm phát tháng 8 của Mỹ chưa dừng lại ngay cả khi giá dầu giảm mạnh trong trong tháng. Thị trường Việt Nam sáng nay cũng không ngoại lệ khi VN-Index bốc hơi 1,38%. Tuy vậy vẫn có dòng tiền đang bắt đáy và nâng đỡ ở không ít cổ phiếu.
Với độ rộng cuối phiên sáng chỉ còn 43 mã tăng nhưng tới 396 mã giảm tại HoSE, khả năng ngược dòng là cực kỳ hiếm. Trong những phiên hoảng loạn như hôm nay, việc giá giảm là đương nhiên, điểm nhất là ở phản ứng bắt đáy của dòng tiền như thế nào.
Trong 43 cổ phiếu tăng ngược, rất hiếm mã có thanh khoản đảm bảo để có độ tin cậy về giá. Thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư không giao dịch nhiều nên có thể giá vẫn tăng do giao dịch cung cầu kém hiệu quả, hơn là cổ phiếu có sức mạnh.
Tuy vậy, vẫn có một vài điểm sáng đáng chú ý như EIB tăng 4,05% với thanh khoản 29,2 tỷ đồng; VCG tăng 3,91% giao dịch gần 304 tỷ; DXG tăng 2,84% thanh khoản 193 tỷ; PVD tăng 2,26% thanh khoản 217,6 tỷ; BCG tăng 1,89% giao dịch 112,3 tỷ; FCN tăng 1,66% giao dịch 45,8 tỷ; CKG tăng 1,63% giao dịch 50,2 tỷ; NT2 tăng 1,5% giao dịch 62,5 tỷ.
Nhóm cổ phiếu đáng chú ý khác là xuất hiện giao dịch bắt đáy và nâng được giá phục hồi dần lên, dù vẫn đang dưới tham chiếu. VN-Index chốt phiên sáng giảm 1,38% tương đương 17,23 điểm so với tham chiếu, chỉ mới phục hồi nhẹ 0,22% so với đáy. Thế nhưng thống kê trên cổ phiếu, vẫn có 156 mã “thoát đáy” được từ 1% trở lên, trong đó 87 mã phục hồi được trên 2%. Một số mã thanh khoản nổi bật và có mức phục hồi trên 2% có thể kể tới CII, HCM, DIG, HAG, VCI, SSI với mức giao dịch đều trên 50 tỷ đồng.
VN30-Index chốt phiên sáng cũng đang giảm 1,53% với toàn bộ 30 mã đều đỏ, trong đó 7 mã giảm trên 2% và 19 mã khác giảm từ 1% tới 2%. Chỉ số này cũng đang đứng mức thấp nhất trong buổi sáng, cho thấy hầu hết nhóm blue-chips chưa có sự phục hồi rõ rệt nào. SSI, POW, VCB, VIB, VIC là 5 mã duy nhất thoát đáy được hơn 1%.
Những nỗ lực bắt đáy không đem lại hiệu quả rõ rệt vì đa phần cầu chờ đợi ở giá rất thấp.
Sức ép chính lên các chỉ số vẫn đến từ nhóm blue-chips trong khi nhóm cổ phiếu Midcap dường như khá hơn. VNMidcap chỉ còn giảm 0,74% so với tham chiếu, tương đương phục hồi xấp xỉ 1% so với đáy. Rổ này cũng ghi nhận 11 mã tăng/56 mã giảm. Smallcap đang giảm 1,15% với 18 mã tăng/168 mã giảm tương đương phục hồi 0,67% so với đáy. Về mặt thanh khoản, Midcap cũng đang hút tiền tốt nhất với 3.822,5 tỷ đồng trong khi VN30 mới giao dịch 2.344,9 tỷ đồng. Smallcap giao dịch rất nhỏ 977,7 tỷ đồng.
Hai sàn niêm yết sáng nay chứng kiến mức thanh khoản tăng vọt 77% so với sáng hôm qua, đạt 8.261 tỷ đồng, mức cao nhất trong 10 phiên. Thanh khoản này thể hiện áp lực bán rất mạnh vì đại đa số cổ phiếu vẫn đang giảm giá. Dòng tiền bắt đáy là có, nhưng mới chờ đợi ở giá rất thấp.
Mức giảm rất mạnh sáng nay khiến phiên chiều trở nên bất ổn và khó đoán hơn. Lượng cổ phiếu mới về tài khoản hầu hết đã lỗ và sức ép tâm lý là rất cao. Nhà đầu tư sẽ phải quyết định có cắt lỗ hay hi vọng giá sẽ phục hồi.
Nhà đầu tư nước ngoài tuy đang mua ròng tại HoSE nhưng giao dịch rất nhỏ. Cụ thể, tổng giá trị giải ngân ở sàn này chỉ là 370,6 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng giao dịch của sàn. Giá trị bán ra đạt 330,3 tỷ, tương đương mua ròng 40,3 tỷ đồng. PVD được mua tốt nhất với 47,9 tỷ, HPG +34,9 tỷ SSI +25,4 tỷ. Phía bán ròng có STB -23,5 tỷ, NVL -21,5 tỷ, VHM -20,9 tỷ.