8 tháng đầu năm, nhu cầu hàng may mặc ở các thị trường chính duy trì ổn định bên cạnh tăng trưởng ở các thị trường mới. Bộ ba hiệp định FTA bao gồm: CPTPP, EVFTA và RCEP sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam thông qua các cam kết ưu đãi thuế quan và các quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Xuất khẩu dệt may ghi nhận tín hiệu tích cực
Báo cáo ngành dệt may của CTCK Mirae Asset cho biết lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt hơn 26 tỷ USD (+23.1% so với cùng kỳ).
Trong đó, xuất khẩu vào các thị trường chính tăng mạnh: Mỹ (+22.5% so với cùng kỳ), EU (+36% so với cùng kỳ), Nhật (+21.9% so với cùng kỳ), Hàn Quốc (+20.5% so với cùng kỳ), Canada (+48.5% so với cùng kỳ). Thị phần hàng thời trang, quần áo Việt Nam tại các thị trường chính nhìn chung duy trì ổn định và cải thiện. Trong đó, thị trường Mỹ (từ 17.6% lên 18.5%), Nhật (từ 14.1% lên 15%), EU (từ 6.1% lên 6.3%) và chỉ riêng Hàn Quốc ghi nhận giảm từ 31.8% xuống 29.3%.
Hoạt động sản xuất ở mảng may mặc tiếp tục ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tốt. Trong tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) mảng may mặc tiếp tục tăng trưởng 2 con số, tăng 28.2% so với cùng kỳ và tiếp tục chuỗi tăng trưởng mạnh từ cuối quý 3/2021. Hệ số sử dụng lao động mảng may mặc tính đến đầu tháng 8 ước tăng 18,8% so với cùng kỳ, qua đó ghi nhận phục hồi hầu như hoàn toàn sau khi bị ảnh hưởng bởi đợt giãn cách quý 3/2021 (giảm 14.1% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, xuất khẩu ở mảng Sợi trong 8 tháng đầu năm 2022 ghi nhận suy giảm với tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu ước đạt lần lượt 1.08 triệu tấn (giảm 17.8% so với cùng kỳ) và 3.4 tỷ USD ( giảm 5.6% so với cùng kỳ). Trong đó, xuất khẩu sợi sang 2 thị trường chính là Trung Quốc và Hàn Quốc ước đạt lần lượt 1.6 tỷ USD (giảm 16.7% so với cùng kỳ) và 343 triệu USD (đi ngang). Một số thị trường khác ghi nhận mức tăng tốt như EU (tăng 37% so với cùng kỳ), Nhật (tăng 30% so với cùng kỳ), Mỹ ( tăng 64% so với cùng kỳ).
Hoạt động sản xuất mảng Dệt trong nước ghi nhận hồi phục nhẹ. Cụ thể, IIP mảng dệt 8 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ (tăng nhẹ so với mức tăng 4.0% so với cùng kỳ trong 7 tháng). Số liệu chính thức trong tháng 7 cho thấy IIP mảng dệt ghi nhận tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Chỉ số IIP mảng may mặc 7 tháng đầu năm
Ưu đãi thuế quan hỗ trợ sức cạnh tranh của hàng Việt
Trong bối cảnh lạm phát ở các thị trường chính ghi nhận mức tăng cao, bán lẻ hàng thời trang tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, trong tháng 6, tăng trưởng giá trị bán lẻ ở Mỹ (tăng 0,9% so với cùng kỳ), Nhật( tăng 1,2% so với cùng kỳ), Hàn Quốc (+8.2% so với cùng kỳ), Canada (tăng 19,8% so với cùng kỳ) tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chính dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng, dù mức tăng trưởng dự phóng được điều chỉnh giảm. Cụ thể, theo dự phóng vào tháng 6 của World Bank, tăng trưởng GDP năm 2022 của Mỹ dự phóng đạt 2,5%, EU: 2,5%, Nhật Bản: 1,7%, Trung Quốc: 4,3%.
Bộ ba hiệp định FTA bao gồm: CPTPP, EVFTA và RCEP sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam thông qua các cam kết ưu đãi thuế quan và các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường mới và được hưởng lợi từ CPTPP như Canada, Australia, Mexico đã ghi nhận tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022, lần lượt tăng 48,5% so với cùng kỳ, tăng 26,4% so với cùng kỳ, và 93,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu giảm dần theo lộ trình từ EVFTA tiếp tục hỗ trợ sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường này và giá trị xuất khẩu hàng dệt may vào EU đã và đang tăng mạnh.
Chi phí nguyên vật liệu đầu vào và vận tải biển có xu hướng giảm
Thêm yếu tố tích cực là chi phí nguyên vật liệu đầu vào và vận tải biển có xu hướng giảm. Giá cotton và dầu thô cuối quý 3 ghi nhận xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh trong quý 2. Chỉ số giá vận tải container các tuyến chính cũng đã hạ nhiệt và đi ngang.
Chi phí nguyên vật liệu và vận tải giảm là yếu tố hỗ trợ các công ty trong nước trong bối cảnh mức lương tối thiểu vùng chính thức tăng 6% từ đầu tháng 7 2022. Ngoài ra, USD mạnh lên có thể ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận ngắn hạn trong năm 2022 khi ngành dệt may là ngành xuất khẩu ròng.
Tuy nhiên, Mirae Asset lưu ý quan hệ thương mại Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng và Chính phủ Mỹ quyết định tiếp tục giữ nguyên các mức thuế áp vào hàng Trung Quốc mang đến lợi thế cho các nhà nhập khẩu khác. Thị phần của hàng dệt may Trung Quốc tại thị trường Mỹ tiếp tục giảm trong năm 2022 về mức 24% (so với mức 28% và 36,6% năm 2021 và 2018).
Ngoài ra, việc Trung Quốc kiên trì tiếp tục áp dụng chính sách Zero-COVID và phong tỏa diện rộng có khả năng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất dệt may, khiến nhu cầu về sợi suy giảm. Giá trị xuất khẩu của mảng Sợi đã và đang chịu ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh thị trường Trung Quốc chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu sợi Việt Nam.