Rừng cây không phụ tình người, nhiều vùng đất ở Campuchia cách đây 15 năm là một khu rừng nghèo kiệt, vắng bóng con người, đến nay đã hình thành các khu dân cư quần tụ “đất lành chim đậu” trong những cánh rừng cao su xanh ngút ngàn. Đó là thành quả của sự nỗ lực, đoàn kết rất lớn của tập thể 16 công ty cao su trên đất nước chùa Tháp trong suốt thời gian qua.
Ông Yim Chhay Ly – Phó Thủ tướng Chính phủ Campuchia (thứ 3 từ phải qua) tham quan nhà máy chế biến Cao su Chư Sê Kampong Thom vào tháng 1/2018. Ảnh: Nguyễn Cường
Tính đến tháng 8/2022, các công ty đã đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội với tổng giá trị 60 triệu USD, gồm: Trên 1.200 km đường giao thông phục vụ dân sinh trị giá 20 triệu USD. Hệ thống điện, hơn 1.000 giếng nước sạch trị giá 6 triệu USD. Trạm y tế trên 5.000 m2; trường học trên 5.000 m2; nhà ở tập thể cho công nhân 120.000 m2, trị giá 17 triệu USD. Các công trình tôn giáo trị giá hơn 1 triệu USD. Các công ty còn tham gia ủng hộ địa phương các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục gần 6 triệu USD…
Tận mắt chứng kiến những gia đình ấm no, những ngôi trường vang tiếng trẻ thơ, những ngôi chùa rộn ràng mùa lễ hội… mới thấy cả một cộng đồng người dân bản địa đang ngày một hạnh phúc hơn giữa rừng cao su xanh tốt, nơi dòng nhựa trắng không ngừng chảy.
Kỳ 2: Cao su đã thay đổi diện mạo nông thôn Campuchia
Cao su trồng đến đâu, các công ty đều đầu tư xây dựng điện – đường – trường – trạm đến đó. Chỗ nào có cây cao su thì nơi đó có cuộc sống ổn định, khang trang, yên bình và no đủ. Các công ty luôn sát cánh hỗ trợ địa phương, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, đã tạo hiệu ứng tích cực, mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa bàn dân cư quanh vùng dự án.
Hạnh phúc bên dòng nhựa trắng
Trở lại vùng đất 15 năm trước 31 cán bộ đầu tiên của Công ty TNHH PTCS Tân Biên Kampong Thom đặt bước chân đầu tiên đi khai hoang mở cõi, đã không còn thấy sự nghèo nàn, hoang vắng nữa. Thay vào đó là những lô cao su san sát nhau, tạo nên một màu xanh trù phú, đầy sức sống. Bên cạnh là những con đường cấp phối rộng rãi, xe cộ thường xuyên qua lại, những khu nhà ở của công nhân, khu dân cư, chợ búa, hàng quán, trường học… Rảo bước bên hàng cao su thẳng tắp, ông Keo Nol – Chủ tịch xã Popok, huyện Stuong, tỉnh Kampong Thom chia sẻ về sự thay đổi ở địa phương. Ông kể về giai đoạn vùng đất này chưa phát triển, nơi mà hầu như chưa có các công trình kết cấu hạ tầng và người dân chủ yếu sinh sống bằng tập quán du canh, du cư không ổn định.
“Bà con trước đây sống bằng cây lúa, cây khoai, dù chăm chỉ làm lụng hết ngày này sang tháng khác, vẫn không khá lên được, cứ thiếu trước hụt sau. Nhờ cây cao su, từ một nơi gần như không có gì, đến nay đã có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, với tổng chiều dài trên 700 km. Ngoài việc đảm bảo nơi ăn, chốn ở, công việc, thu nhập cho công nhân, công ty cao su còn đầu tư xây dựng trạm y tế, trường học, siêu thị, chùa… đã góp phần lớn vào sự phát triển trù phú của huyện Stuong” – ông Keo Nol, cho biết.
Với người Campuchia, sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Thấu hiểu điều đó, các công ty đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi chùa trong các khu vực dự án. 3 công ty Bà Rịa, Tân Biên, Phước Hòa Kampong Thom đã cùng đóng góp 180.000 USD xây dựng ngôi chùa Senseray Mean Kom Odom. Ngoài ngôi chùa này, Bà Rịa Kampong Thom còn xây dựng một ngôi chùa riêng trong khu vực dự án của công ty để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho công nhân. Chư Sê Kampong Thom cũng chi trên 200.000 USD để xây dựng một ngôi chùa lớn ngay tại địa bàn trú đóng…
Những ngôi chùa do các công ty xây dựng không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của công nhân, mà còn của nhiều hộ dân trong vùng. Thầy Thone Chanh Thim – trụ trì chùa Senseray Mean Kom Odom, tâm sự: “Từ khi có ngôi chùa, người dân nơi đây có nơi bái Phật, thỉnh pháp và hành lễ… là nơi gắn kết sinh hoạt văn hóa cộng đồng và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Nhờ sự quan tâm của các công ty cao su xây dựng ngôi chùa này mà đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên”.
Có đường sá đi lại dễ dàng, có nơi ở kiên cố, có điện nước sinh hoạt, có trạm xá khám chữa bệnh miễn phí, có trường học và có cả chùa cho đời sống tâm linh, hàng nghìn lao động người Campuchia đang yên tâm gắn bó với công việc, với cuộc sống ấm no dưới màu xanh cao su.
Ông Vũ Quang Minh – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia (thứ hai từ phải qua) thăm vườn cây các công ty tại tỉnh Kampong Thom vào tháng 3/2019
Ấn tượng siêu thị giữa rừng cao su
Với mong muốn làm những gì tốt nhất cho NLĐ, để họ có thể thụ hưởng những chế độ chính sách của dự án phát triển cao su mang lại, ngày 5/5/2020, Công ty CPCS Đồng Nai Kratie khai trương “siêu thị mini” cung cấp lương thực thực phẩm và cây xăng trong niềm vui hân hoan, phấn khởi của tập thể NLĐ công ty và người dân. Đây là cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm đầu tiên trong vùng dự án có đầy đủ các mặt hàng bà con cần. “Cửa hàng có diện tích rộng 300 m² được xây dựng khang trang tại NT 2. Trước đây, NLĐ và người dân trong vùng dự án muốn mua nhu yếu phẩm phải di chuyển khá xa 60 – 120 km đến các chợ trung tâm với điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cửa hàng cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm rất đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả rẻ hơn so với mặt bằng giá chung ngoài thị trường. NLĐ có thể mua hàng bằng thẻ công ty cấp phát, sau đó trừ vào tiền lương hàng tháng hoặc có thể mua bằng tiền mặt” – ông Lê Văn Lâm – TGĐ Cao su Đồng Nai Kratie, chia sẻ.
Giữa rừng cao su bạt ngàn của Chư Sê Kampong Thom, còn có cả một siêu thị khang trang mang tên Green Mart, mới được khai trương vào tháng 2 năm nay. Siêu thị do công ty xây dựng, cung cấp hơn 100 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ưu tiên hàng hóa Việt Nam và Campuchia. Siêu thị cũng làm thẻ ưu đãi cho công nhân nhằm kích cầu và giúp họ chủ động trong việc mua sắm, thanh toán mỗi tháng. Sau giờ làm việc tại nông trường, nhà máy, công nhân có thể ghé vào mua các mặt hàng cần thiết mà không cần phải đi xa. Siêu thị còn thu hút được sự quan tâm, mua sắm của nhiều người dân trong vùng.
Dạo quanh siêu thị, chị Trần Thị Tường Hoan – Quản lý Green Mart, cho biết, siêu thị mở cửa từ 8 – 21 giờ hàng ngày và hoạt động rất tốt, đã thu hút rất nhiều bà con công nhân người Campuchia đến mua sắm hoặc đến uống cà phê, ăn kem. Siêu thị có vốn đầu tư 200.000 USD, với hơn 3.000 mã hàng, phần lớn là hàng Việt Nam và bán rất chạy, nhập hàng mới liên tục nên nhà đầu tư có kế hoạch nhân rộng mô hình ở các dự án cao su.
Đổi đời nhờ làm công nhân
Nhờ được “an cư” ngay từ khi vừa bước chân vào làm công nhân cao su, phần lớn người lao động tại các công ty đều đã “lạc nghiệp” với nghề nghiệp của mình. Sự “lạc nghiệp” ấy, trước hết là mức thu nhập cao hơn nhiều so với mặt bằng chung và so với công nhân ở nhiều ngành nghề khác. Hiện tại, thu nhập bình quân hàng tháng tính ra tiền Việt của công nhân đang làm việc tại các công ty từ 8 triệu đến 10 triệu đồng.
Có mức thu nhập cao và ổn định, được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách cho NLĐ, lại được công ty bố trí nhà ở miễn phí, con cái đi học không mất tiền, sau nhiều năm làm việc, nhiều hộ công nhân cao su người Campuchia đã dành dụm được một khoản tiền đáng kể. Với số tiền ấy, nhiều người đã có điều kiện để sửa sang nhà cửa ở quê, mua sắm xe cộ, thậm chí là mua đất đai để làm vườn gia tăng thu nhập ở những nơi ngay sát dự án.
Dẫn chúng tôi tham quan gia đình công nhân có cửa hàng tạp hóa buôn bán tấp nập, ông Trương Quốc Thông – GĐ NT 2, Cao su Bà Rịa Kampong Thom, cho biết: “Hầu hết các hộ công nhân đều đã có đất rẫy, hộ ít thì khoảng 1 ha, hộ nhiều có tới 5 ha. Có những gia đình lớn tới 15 người, rủ nhau vào làm công nhân. Ngoài thời gian thu hoạch mủ cao su, họ tranh thủ buôn bán để gia tăng thu nhập. Do được bố trí chỗ ở, có thu nhập tốt và ổn định, tỷ lệ công nhân gắn bó lâu dài với NT khá cao. Hiện có tới 60% công nhân đã gắn bó với NT từ khi thành lập năm 2009 đến nay”.
Nhìn gia đình công nhân rộn rã tiếng cười bên mâm cơm chiều trong ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, chúng tôi cảm nhận rõ dòng nhựa trắng không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho hàng ngàn lao động bản địa, mà còn làm đổi thay nhiều vùng đất khó. Các công ty vẫn đang tích cực tham gia đóng góp cho chính quyền địa phương trong các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục, các công trình phúc lợi phục vụ cho cộng đồng dân cư. Những hoạt động đó đã giúp phát triển đời sống kinh tế xã hội tại địa phương.
15 năm, từ thuở nếm mật nằm gai đi mở đất, đến nay một chặng đường dài gian truân, ý chí, khát vọng, bản lĩnh, sáng tạo đã chiến thắng. Các công ty cao su đã viết lên khúc ca khải hoàn thấm đẫm tình đất, tình người trên nước bạn. Cây cao su với người dân Campuchia chính là rừng, là tài sản, là sinh kế và nguồn sống.