Nhịp giảm theo quán tính ngay đầu phiên chiều nay đẩy VN-Index chớm rơi qua ngưỡng tâm lý 1200 điểm, xuống 1.199,71 điểm. Bất ngờ từ đáy này dòng tiền đánh ngược lên càng lúc càng mạnh. Vốn ngoại mua mạnh ở khắp các cổ phiếu với tổng mức giải ngân 1.128 tỷ đồng tại HoSE...
VN-Index được kéo ngược lên khi chớm rơi xuống dưới mốc 1.200 điểm đầu phiên chiều nay.
Nhịp giảm theo quán tính ngay đầu phiên chiều nay đẩy VN-Index chớm rơi qua ngưỡng tâm lý 1200 điểm, xuống 1.199,71 điểm. Bất ngờ từ đáy này dòng tiền đánh ngược lên càng lúc càng mạnh. Vốn ngoại mua mạnh ở khắp các cổ phiếu với tổng mức giải ngân 1.128 tỷ đồng tại HoSE.
Thị trường phản ứng ngược với chờ đợi của không ít nhà đầu tư khi hiệu ứng T+2 sẽ khiến áp lực bán tăng lên trong buổi chiều. Bất ngờ là lực bán không hề tăng mà trái lại, mua mạnh lên đáng kể.
Biểu hiện nhìn thấy được chính là mức thanh khoản vẫn rất kém ở phiên chiều, hai sàn cũng chỉ khớp được khoảng 5.634 tỷ đồng, tăng 12% so với buổi sáng. Tính chung cả ngày tổng giá trị khớp lệnh giảm tới 36% so với hôm qua, đạt 10.665,6 tỷ đồng. Tính toàn bộ giao dịch 3 sàn, tổng giá trị giảm 34%, với 12.814 tỷ đồng.
Mặc dù thanh khoản tệ, nhưng hiệu ứng giá lại rất tích cực. Thị trường phiên chiều chứng kiến đà phục hồi giá trên diện rộng. Dễ thấy nhất là độ rộng, từ chỗ chỉ có 105 mã tăng/288 mã giảm cuối phiên sáng, kết phiên đã có 309 mã tăng/120 mã giảm. Điều này nghĩa là hơn 200 mã đảo chiều đủ khỏe để vượt tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào mua khá ấn tượng phiên chiều. Thêm khoảng 624 tỷ đồng nữa được rót vào mua, trong khi bán ra chỉ gần 320 tỷ đồng. Các giao dịch này giúp mức vốn giải ngân ròng cả ngày tại HoSE vọt lên 423,7 tỷ đồng, trong khi phiên sáng còn chưa tới 120 tỷ đồng.
Khối này chỉ bán ròng đáng chú ý tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND với -85,3 tỷ đồng và phần lớn mức bán ròng đã có từ sáng (643,7 tỷ). Trái lại, vốn ngoại trợ lực đáng kể ở hàng loạt cổ phiếu. HPG, VHM được mua thêm nhiều, đẩy mức ròng lên 53,5 tỷ và 53,4 tỷ đồng. Cá biệt DGC được mua ròng toàn bộ 53,8 tỷ đồng chiều nay. VIC, VCB, CTG, STB cũng được mua ròng mạnh đáng kể từ 20-30 tỷ đồng. Tính chung cổ phiếu trong rổ VN30, giá trị mua ròng khoảng 312,3 tỷ đồng, tức là chiếm gần hết tổng mức ròng của khối này.
Cổ phiếu nhóm tài chính đảo chiều rất mạnh trong phiên và đóng cửa tăng rực rỡ.
Cầu ngoại hỗ trợ khiến gần như tất cả cổ phiếu trong rổ VN30 đều tăng giá mạnh so với phiên sáng, chỉ riêng NVL vẫn giữ nguyên mức giảm 0,47%. Một số mã bật lên cực kỳ ấn tượng so với phiên sáng như SSI tăng tới 3,5%, MWG tăng 3,17%, VIB tăng 3,72%. Các mã như BVH, BID, GVR cũng bật tăng trên 2% so với giá cuối buổi sáng. Biên độ phục hồi rất mạnh giúp các blue-chips quay đầu phục hồi hàng loạt vượt tham chiếu. Độ rộng cuối phiên ở rổ này ghi nhận 26 mã tăng/3 mã giảm khi cuối phiên sáng mới là 13 mã tăng/13 mã giảm.
Nhờ sức mạnh của blue-chips, VN-Index quay đầu tăng ngược 1,12% so với tham chiếu lúc đóng cửa. VN30-Index cũng tăng 0,91%. Trong 10 cổ phiếu kéo VN-Index khỏe nhất thì toàn là các blue-chips, dẫn đầu là BID tăng 2,78%, VIC tăng 1,59%, CTG tăng 1,96%, GVR tăng 2,62%, VHM tăng 0,86%, GAS tăng 1,02%, HPG tăng 1,55%... Thống kê riêng chiều nay rổ VN30 chỉ giao dịch 1.454 tỷ đồng thì khối ngoại mua vào đã chiếm hơn 20%.
Với đại đa số cổ phiếu tạo đáy trong khoảng 5 phút đầu phiên chiều, giá phục hồi mạnh đồng nghĩa với biên độ dao động trong ngày rất rộng. Thống kê cuối ngày thì HoSE chỉ có 88 mã đóng cửa tăng từ 2% trở lên, nhưng tới 212 mã có biên độ tăng trong phiên trên 2%, trong đó gần 100 mã tăng trên 4%. Dĩ nhiên khá nhiều cổ phiếu thanh khoản thấp, nhưng cũng không ít mã đảo chiều đáng chú ý với dòng tiền mạnh. Ví dụ VND tăng 5,32% với thanh khoản 297,9 tỷ đồng, phục hồi 5,32%; VGC tăng 4,72% thanh khoản 59,1 tỷ và biên phục hồi 6,77%; DCM tăng 4,5% giao dịch 208,8 tỷ, biên độ tăng trong phiên 6,98%; DXG tăng 3,53% giao dịch 172,8 tỷ, biên độ tăng 4,18%; DPM tăng 3,51% giao dịch 147,5 tỷ, biên độ tăng 5,8%...
Việc VN-Index quay đầu đi lên từ mốc tâm lý 1200 điểm sẽ tạo cảm giác thị trường được nâng đỡ ở vùng hỗ trợ. Đây là sự kết hợp tích cực ở thời điểm quyết định trong ngắn hạn, khi FED sẽ họp bàn chuyện tăng lãi suất.