Chứng khoán thế giới ngập ngừng và tăng nhẹ đêm qua phần nào giúp ổn định thị trường trong nước ít phút đầu phiên sáng nay. Tuy nhiên áp lực thua lỗ nội tại, cộng với sự chờ đợi giá rẻ hơn trong buổi chiều đã thúc đẩy nhu cầu bán ra. Cổ phiếu lẫn chỉ số từ từ “lịm” dần và dù VHM, SAB, CTG cố gắng nâng đỡ cũng không giúp VN-Index đứng trên tham chiếu...
Hầu hết các cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường sáng nay đều giảm giá.
Chứng khoán thế giới ngập ngừng và tăng nhẹ đêm qua phần nào giúp ổn định thị trường trong nước ít phút đầu phiên sáng nay. Tuy nhiên áp lực thua lỗ nội tại, cộng với sự chờ đợi giá rẻ hơn trong buổi chiều đã thúc đẩy nhu cầu bán ra. Cổ phiếu lẫn chỉ số từ từ “lịm” dần và dù VHM, SAB, CTG cố gắng nâng đỡ cũng không giúp VN-Index đứng trên tham chiếu.
Vài phút sau khi mở cửa, VN-Index tăng tốt nhất 0,82%. Độ rộng cũng khá nhất với 238 mã tăng/43 mã giảm. Tuy nhiên niềm vui chỉ kéo dài chừng 30 phút, đà suy yếu đã bộc lộ rất rõ.
Tín hiệu đầu tiên là độ rộng. Dù vẫn còn trụ nâng đỡ VN-Index nhưng cổ phiếu giả giá lại lan rộng khá nhanh. Đến khoảng 10h số mã tăng giảm đang tương đương. Đến khi loạt trụ hạ độ cao, VN30-Index “nhúng” xuống dưới tham chiếu lúc 10h07, độ rộng chính thức đảo chiều. Đến hết phiên sáng, số mã tăng chỉ còn 105, số giảm lên tới 288.
VN-Index chốt phiên sáng đã giảm 2,49 điểm tương đương 0,21% so với tham chiếu, VN30-Index giảm 0,18%. Rổ blue-chips từ chỗ có tới 29 mã tăng thì hiện chỉ còn 13 mã tăng/13 mã giảm. Hai cổ phiếu duy nhất trong nhóm này tăng trên 1% là SAB tăng 1,08%, VHM tăng 1,03%. Mã còn lại đáng kể nhất là CTG tăng 0,98%. Lợi thế vốn hóa cũng giúp VIC và GAS có vai trò khá tốt trong việc nâng đỡ chỉ số, dù mức tăng chỉ là 0,64% và 0,74%.
VN-Index lịm dần về cuối cho thấy áp lực bán đã tăng lên.
Thực ra điều quan trọng không phải là chỉ số tăng giảm bao nhiêu. Với biên độ khá hẹp và vẫn có trọng số vốn hóa hỗ trợ, thị trường nên được nhìn trong tổng thể diễn biến. Đa số cổ phiếu đều trong trạng thái tăng trước, giảm sau, cho thấy có áp lực bán ép xuống mạnh dần theo thời gian. Thống kê ở HoSE, 247/360 cổ phiếu có giao dịch đã bị tụt giá khỏi mức đỉnh đầu phiên từ 1% trở lên. Tỷ lệ tới 69% số cổ phiếu có thanh khoản như vậy là khá cao, cho thấy trạng thái dao động là phổ biến. Nếu tính cả các mã có dao động nhỏ hơn, tỷ lệ lên tới trên 85%.
Một điểm đáng chú ý là thanh khoản sáng nay rất kém, tổng khớp hai sàn chỉ đạt 5.031 tỷ đồng, giảm 29% so với sáng hôm qua. Riêng HoSE giao dịch giảm tới 30%, chỉ còn 4.505 tỷ đồng. Thanh khoản thấp, giá tụt dần đồng nghĩa với lực cầu giá cao quá yếu. Đã không có nhiều nhà đầu tư mua sáng nay nên khối lượng chặn cản trên đường giá giảm khá thấp, dẫn đến thanh khoản nhìn thấy được cũng thấp.
Đây có thể là một hiệu ứng khác của chu kỳ T+2,5, khi nhà đầu tư biết rằng cơ hội giảm giá nhiều hơn thường xuất hiện trong phiên chiều khi cổ phiếu mới về tài khoản. Nếu muốn mua nhà đầu tư cũng dễ giành nguồn lực cho buổi chiều. Với xác suất thua lỗ T+2,5 là cao, chiến lược mua như vậy hoàn toàn khả thi.
Với hơn 100 cổ phiếu còn xanh ở HoSE sáng nay, mỗi nhóm ngày đều có vài đại diện, nhưng cũng chỉ là tình huống giao dịch ở mã cụ thể. Đại đa số cổ phiếu đi ngược dòng có thanh khoản rất kém. Vài mã nhỉnh hơn mặt bằng chung có thể kể tới như TDM tăng 1,41% thanh khoản 14,4 tỷ đồng; PHR tăng 1,15% thanh khoản 25,4 tỷ; VHM tăng 1,03% giao dịch 39,8 tỷ; DBC tăng 0,78% giao dịch 34,6 tỷ; POW tăng 0,74% giao dịch 101,4 tỷ; CII tăng 0,73% giao dịch 54,5 tỷ...
Trái lại, phần rất lớn các mã thanh khoản nhất thị trường sáng nay lại trong tình trạng giảm giá. Cụ thể, Top 20 cổ phiếu giao dịch lớn nhất 2 sàn, chiếm 42% tổng giao dịch thị trường, thì chỉ có 4 mã tăng, còn lại là giảm. Trong 4 mã tăng thì cao nhất là POW cũng chưa tới 1%.
Với xu hướng suy yếu buổi sáng, thị trường chiều nay có thể chịu áp lực lớn hơn. Các thị trường tương lai chứng khoán quốc tế vẫn đang ổn định, nhưng sức ép nội tại là không thể xem thường. Các nhà đầu cơ ngắn hạn tiếp tục chứng kiến tình trạng lỗ nhiều hơn khi cổ phiếu về tài khoản sẽ phải xử lý. Trong khi đó nhà đầu tư muốn mua hoàn toàn có lợi thế chờ đợi.
Khối ngoại đang mua ròng 119,5 tỷ đồng trên HoSE với tổng giá trị giải ngân 504,1 tỷ và bán ra 384,6 tỷ. HPG, VHM là hai mã duy nhất được mua ròng trên 20 tỷ đồng. Nhóm CTG, NLG, VCB được mua trên 10 tỷ. Phía bán chủ đạo là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với -63,7 tỷ đồng.