Thông tin lãi suất tiền gửi tăng đã ngay lập tức tác động tích cực đến các cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt trong phiên sáng 23/9, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bảo hiểm, khu công nghiệp,...
Ảnh minh họa
Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 20-21/9/2022 (giờ Mỹ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 3% đến 3,25%.
Ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed, cuối giờ chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành với mức tăng lên tới 1 điểm % so với trước đó. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%.
Cùng ngày, NHNN cũng ban hành Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Các mức lãi suất mới sẽ chính thức áp dụng từ ngày 23/9/2022.
Thông tin lãi suất tiền gửi tăng đã ngay lập tức tác động tích cực đến các cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt trong phiên sáng 23/9.
Cổ phiếu bảo hiểm hưởng lợi lớn
Ngay trong phiên sáng 23/9, mặc dù thị trường chung giảm gần 6 điểm song các cổ phiếu của doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng mạnh, thậm chí nhiều mã tăng trần với thanh khoản tăng đột biến so với các phiên liền trước.
Đến hơn 10h sáng, các mã BMI (+7%) và MIG (+6,8%) đã tăng kịch biên độ, trong khi các mã khác như BVH, VNR, PGI cũng lộ trần. Tuy nhiên, tạm kết phiên sáng, BVH sụt giảm đôi chút với mức tăng 6,2%, trong khi VNR (+8,2%), PGI (+3,3%). Một số mã cổ phiếu bảo hiểm khác cũng ghi nhận mức tăng khá ấn tượng, PVI (+4,6%), BIC (+4,3%), ABI (+2,6%).
Cổ phiếu bảo hiểm tăng mạnh trong phiên sáng 23/9
Cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm đồng loạt tăng mạnh trong phiên sáng 23/9 khi ngành bảo hiểm được đánh giá là hưởng lợi lớn do nguồn thu nhập chính của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đến từ việc đầu tư trái phiếu và gửi ngân hàng lấy lãi, ngoài ra cũng có đầu tư cổ phiếu, bất động sản hay góp vốn vào công ty liên kết... nhưng tỷ trọng không lớn.
Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá, trong giai đoạn bệnh dịch vừa qua, lợi suất của hai kênh tiền gửi và trái phiếu (chiếm khoảng 90% danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm đã giảm mạnh. Tuy nhiên, VNDirect tin rằng lãi suất đã tạo đáy và đang tăng dần trở lại khi thế giới và Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau bệnh dịch, kéo theo nhu cầu tín dụng và lạm phát tăng cao.
Dựa vào dữ liệu năm 2021, VNDirect ước tính là nếu lãi suất tăng 10 điểm cơ bản thì lợi nhuận của các công ty bảo hiểm thuần phi nhân thọ như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (mã PVI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (mã MIG), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI) sẽ tăng khoảng 1% và lợi nhuận của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sẽ tăng 5% (80% lợi nhuận của BVH từ nhân thọ/20% từ phi nhân thọ).
Như vậy, với việc lãi suất vừa được điều chỉnh tăng tới 100 điểm cơ bản từ ngày 23/9, lợi nhuận của PVI, MIG, BMI có thể tăng tới 10% và lợi nhuận của BVH có thể tăng hàng chục %.
Bên cạnh các cổ phiếu bảo hiểm, cổ phiếu của các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền ròng lớn (tiền mặt sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) cũng ghi nhận mức tăng khá lớn trong phiên sáng nay.
Trong đó, mã PVG của CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam - doanh nghiệp có tỷ lệ tiền ròng lớn nhất, vượt mức 690 tỷ đồng, tương ứng tới 218,16% mức vốn hóa 318 tỷ đồng của doanh nghiệp (số liệu của thống kê giữa tháng 5 của Fiinpro) - tăng 1,9%. Hay mã CTD của CTCP Xây dựng Coteccons cũng tăng 2,9%,...
Một số cổ phiếu thuộc nhóm khu công nghiệp như SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận mức tăng hơn 2% trong phiên sáng nay, trong khi mã NTC CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên tăng 3,6%.
Các cổ phiếu khu công nghiệp này được đánh giá hưởng lợi khi lãi suất tiền gửi tăng nhờ khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ. Khoản "của để dành" này giúp các doanh nghiệp khu công nghiệp có dòng tiền về đều đặn, qua đó duy trì lượng tiền và tiền gửi ổn định trong khi không cần vay nợ nhiều.
Cụ thể, tính đến hết quý 2, SIP có khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn lên đến 10.591 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty có thể duy trì lượng tiền và tiền gửi gần 4.500 tỷ đồng, qua đó kiếm thêm trung bình khoảng 70 tỷ đồng mỗi quý chỉ bằng việc cho vay và gửi ngân hàng.
Tương tự, đến hết quý 2, NTC cũng có gần 3.100 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện và số dư tiền và tiền gửi 1.500 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp này ghi nhận tiền lãi cho vay 100 tỷ đồng mỗi năm. Theo báo cáo quý 2/2022, tiền lãi từ tiền gửi và cho vay của công ty là 35 tỷ đồng, chiếm hơn 40% lợi nhuận trước thuế.
Ngoài ra, cổ phiếu của một doanh nghiệp đơn lẻ là Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (mã VEA) cũng bật tăng mạnh 5,6% trong phiên sáng 23/9 khi nhà đầu tư kỳ vọng mã này sẽ hưởng lợi từ việc tăng lãi suất nhờ sở hữu lượng tiền gửi lớn trong khi vay nợ không đáng kể.
Theo đó, thời điểm cuối quý 2/2022, VEA có hơn 14.500 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi, tăng gần 2.500 tỷ so với đầu năm, trong khi nợ vay chỉ hơn 200 tỷ. VEA cũng đang nắm giữ tới 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam. Nhờ đó, hằng năm doanh nghiệp này hàng được nhận hàng nghìn tỷ đồng đổ về từ cổ tức của các công ty liên kết.
Lãi suất tiền gửi dự báo còn tiếp tục tăng
Đánh giá về việc tăng lãi suất điều hành của NHNN mới đây, VNDirect cho rằng đây là động thái tương đối quyết liệt và kịp thời của NHNN trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế.
Tuy vậy, VNDirect có đôi chút bất ngờ về mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo trước đó của công ty chứng khoán này ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022).
Sau đợt tăng lãi suất lần này, VNDirect cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022.
Dù vậy, VNDirect dự báo mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023.
Về mặt bằng lãi suất tiền gửi, VNDirect cho biết, tính tới ngày 14/9/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân đã tăng mạnh lần lượt là 44 điểm và 51 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các NHTM cổ phần Nhà nước tăng chậm hơn đáng kể. Cụ thể, tính tới ngày 14/09/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước mới tăng lần lượt là 3 điểm và 7 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.
VNDirect duy trì dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những cuối năm 2022 bởi các yếu tố. Thứ nhất là tác động từ việc NHNN nâng lãi suất điều hành.
Thứ hai, NHNN đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các NHTM.
Thứ ba, tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (+4,2% so với đầu năm, +9,9% so với cùng kỳ) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.
Thứ tư, FED dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022.
Thứ năm, USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Sang năm 2023, VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá; NHTM tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.