Lãi suất huy động tăng và thiết lập mặt bằng mới trong bối cảnh áp lực thanh khoản "đè nặng" ngân hàng, khi tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Với diễn biến này, các chuyên gia nhận định lãi suất huy động sẽ còn tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm.
Theo phản ánh của các hiệp hội ngành nghề, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang rất lớn để phục vụ kế hoạch kinh doanh cuối năm. Trong bối cảnh đó, cuối tháng 8 vừa qua Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo cấp thêm hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng. Như vậy, trong quý IV sẽ có một lượng lớn tín dụng “chảy” vào nền kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn bằng cách liên tục tăng lãi suất huy động, mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1% một năm.
Lãi suất tiết kiệm lên đến 8,8%
Khảo sát biểu lãi suất tháng 9/2022 niêm yết trên trang web của các ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND trên cả kênh gửi trực tuyến và gửi tại quầy đều đang có xu hướng tăng so với hồi đầu tháng trước.
Sacombank và MB là hai đơn vị tăng lãi suất mạnh nhất đợt khảo sát này với mức 1%/năm cho tiền gửi tiết kiệm 9 tháng. Theo đó, Sacombank đang huy động ở mức 5,7%/năm, còn MB là 5,6%/năm.
Tăng lãi suất huy động còn nhằm mục đích chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm ngay khi được Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, ở các kỳ hạn 24 tháng, MB tăng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên 3,8%/năm.
Tương tự, Sacombank tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lên lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm.
Sau nhiều đợt điều chỉnh tăng lãi suất, hiện thị trường đang thiết lập mặt bằng lãi suất huy động mới ở một số kỳ hạn. Điển hình, ở kỳ hạn ngắn như 1 và 3 tháng có 12 đơn vị trả lãi quanh mốc 4%/năm cho hai kỳ hạn này như: SCB, BacABank, NCB, VietABank, GPBank, KienLongBank, VietBank, VIB…
Với tiền gửi 12 tháng, CBBank tiếp tục là ngân hàng trả lãi tiền gửi 12 tháng cao nhất với 7,45% tại quầy và 7,5% cho kênh online. Tiếp theo là SCB là 7,3%/năm, DongABank huy động ở mức 7%/năm… Hiện, lãi suất trung bình toàn thị trường kỳ hạn 12 tháng đạt 6,3% tại quầy và 6,49% online.
Ngoài tăng lãi, nhiều đơn vị khuyến khích người dân gửi tiền qua hàng loạt chương trình khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, cộng tiền... Song song đó, khách hàng chọn các gói tài khoản đặc biệt kèm điều kiện về số tiền, thời gian gửi, không được phép rút ra trước hạn...
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn. Cụ thể, khách hàng khi gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 6 tháng cho gói "Tài lộc" hay gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi" sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1% so với trước đó, lên 6,1 - 6,2%/năm.
Đáng chú ý, ABBank đang huy động lãi suất 8,8%/năm dành cho các khoản tiền gửi 1.500 tỉ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.
Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với 7,85%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất cho sản phẩm này kỳ hạn 24 tháng là 7,7%/năm.
Lãi suất tăng nhanh hơn dự kiến
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định, mặt bằng chung các loại lãi suất đã tăng từ 4,5 lên khoảng 5,6%, còn các ngân hàng nhỏ hơn, áp lực ít hơn thì đâu đó đã tăng 0,5%. Chính việc ghìm lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước sẽ dẫn đến chênh lệch về tăng trưởng huy động và tín dụng rất cao.
Giới chuyên gia cho rằng động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian qua có thể nhằm đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) để tránh việc mất cân đối tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, tăng lãi suất huy động còn để kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng khi tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt mức 9,35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%. Thực tế, với kỳ hạn 12 tháng, theo khảo sát của VnBusiness, nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, dao động từ 5,5-7,55%/năm, cao hơn khoảng 0,7% so với đầu năm.
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết việc tăng lãi suất huy động còn nhằm mục đích chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm ngay khi được Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.
Trước sức ép thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang căng thẳng hơn, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính bày tỏ quan điểm, nội lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đã tốt hơn rất nhiều và ứng phó chủ động hơn về câu chuyện thanh khoản so với giai đoạn năm 2011-2013. Ông Long dẫn chứng thêm, một số ngân hàng hiện đang quảng cáo phát hành trái phiếu ra công chúng, thể hiện việc họ đang sử dụng các công cụ khác nhằm huy động tiền để gia tăng thanh khoản.
Với diễn biến thời gian qua, SSI Research đánh giá lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến. Đơn vị này nhận thấy áp lực tăng lãi trong cuối năm 2022 sẽ hiện hữu khi hạn mức tín dụng được nới. SSI Research dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 - 70 điểm cơ bản. Như vậy, lãi suất huy động trong cả năm 2022 có thể tăng từ 1 - 1,5%.