Sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, từ quý 1/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có xu hướng giảm. Nghị định số 65/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng giúp thị trường TPDN có cơ sở pháp lý để tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Tuy nhiên, những quy định trong Nghị định 65 đang được cho là "quá mạnh" trong bối cảnh thị trường TPDN đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, nên việc xây dựng Nghị định sửa Nghị định 65 (Nghị định số 65 +1) với nhiều phương án hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ vực dậy thị trường.
Nghị định số 65 thúc đẩy sự thay đổi tích cực của DN về minh bạch thông, hạn chế rủi ro của nhà đầu tư. Ảnh: ST
Tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường
Những sai phạm của một số doanh nghiệp trên thị trường TPDN thời gian qua khiến thị trường này bị sụt giảm. Một phần nguyên nhân là những lỗ hổng quản lý của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán TPDN riêng lẻ. Do vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả DN phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Nghị định 65 cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Các quy định này được đánh giá là sẽ góp phần làm minh bạch, ổn định thị trường.
Sau khi Nghị định 65 được ban hành, các chuyên gia kinh tế chung nhận định, về phía DN phát hành, Nghị định 65 có tính chất khơi thông về mặt pháp lý, giúp DN có đủ điều kiện theo quy định mới có thể thực hiện phát hành trái phiếu mới. Đối với cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có căn cứ pháp lý để có thể thực hiện xét duyệt các hồ sơ phát hành mới. Đối với thị trường TPDN, Nghị định 65 cũng có tác động tích cực và rất lớn, góp phần giải quyết vấn đề vốn và thúc đẩy sự thay đổi tích cực của DN về minh bạch thông tin, hạn chế rủi ro của nhà đầu tư...
Theo Bộ Tài chính, từ sau khi Nghị định 65 được ban hành và có hiệu lực thi hành (ngày 16/9/2022) đến ngày 30/11/2022, các DN đã phát hành được gần 7 nghìn tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành của DN xây dựng chiếm 15,63%, DN sản xuất, dịch vụ chiếm 19,52%, tổ chức tín dụng chiếm 9,69%, DN bất động sản chiếm 9,07% và lĩnh vực khác chiếm 46,1% khối lượng phát hành. Từ tháng 9/2022, thị trường TPDN bị tác động mạnh do khó khăn của thị trường tiền tệ khi lãi suất tăng mạnh, tỷ giá VNĐ so với USD tăng mạnh, đặc biệt từ ngày 6/10/2022, sau vụ việc liên quan đến Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB thị trường TPDN trở nên khó khăn hơn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, Nghị định 65 ra đời đã kịp thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường, xử lý các vấn đề bất cập cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình thị trường thay đổi, diễn biến cực kỳ nhanh chóng trong những tháng vừa qua nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải rà soát ngay những quy định liên quan đến thị trường TPDN, kể cả Nghị định 65 vừa mới được ban hành để tiến hành ngay việc sửa đổi, bổ sung, giúp thị trường phục hồi trở lại. Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề pháp lý liên quan đến Nghị định 65 và các quy định liên quan, trong thẩm quyền của Chính phủ xem xét giải quyết.
Cần có lộ trình để tiếp tục triển khai Nghị định số 65
Các doanh nghiệp phát hành, thành viên thị trường và các chuyên gia đánh giá định hướng của Nghị định là tốt trong trung, dài hạn. Tuy nhiên, do nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, các DN gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong năm 2022-2023 nên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, đề xuất điều chỉnh lộ trình áp dụng quy định tại Nghị định số 65 trong bối cảnh hiện nay. Trước mắt, Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 được ban hành để thị trường có thời gian điều chỉnh lại và DN có thể cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn, góp phần vượt qua giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản như hiện nay. Về định hướng trung và dài hạn, để phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững cần có lộ trình để tiếp tục triển khai quy định tại Nghị định số 65 và rà soát, sửa đổi tận gốc quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, Nghị định 65 đã được ban hành, trong đó có một số quy định siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nghị định này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trở nên an toàn và phát triển bền vững hơn, nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp hơn. "Việc sửa đổi một số nội dung của nghị định cần đảm bảo với mức độ cân bằng và lộ trình phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh", chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính đang hoàn thiện chính sách về thị trường TPDN. Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán TPDN riêng lẻ, trong đó, đề xuất cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm; hoãn thực hiện quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày; bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu..., nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cân đối nguồn vốn cũng như gỡ khó thanh khoản cho thị trường. “Bộ Tài chính tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đưa TPDN vào “đường ray”, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế phát triển, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.