Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, đi đầu trong đổi mới và phát triển, có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Tuy nhiên, với sự phát triển hiện nay lại chưa tương xứng với nội lực đang có.
Cần ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, sẽ phát huy hết sức mạnh trong kết nối vùng.
Đóng góp quan trọng
Nghị quyết 24 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu tàu kinh tế, Trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ 5 phương thức vận tải, đóng vai trò kết nối quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị Phát triển vùng Đông Nam Bộ hồi cuối tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đông Nam Bộ là nơi “hội tụ tiềm năng, thế mạnh”. Trong thời gian qua, vùng đạt nhiều kết quả nổi bật với 6 cái nhất trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều con số nổi bật là vậy nhưng theo Thủ tướng, vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều tồn tại, như kết nối hạ tầng chiến lược chưa hiệu quả; huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa huy động hợp tác công tư, nguồn lực trong xã hội... Vùng Đông Nam Bộ gặp những thách thức cả nội tại và khách quan như: Phát triển chưa bền vững; tắc nghẽn giao thông; tác động của biến đổi khí hậu... Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện “đột phá mới” là phải có cơ chế chính sách đột phá, trong đó có cách thức, phương thức mới huy động nguồn lực; hình thành trung tâm tài chính; xây dựng quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của vùng…
Phát triển giao thông kết nối vùng
Đúng như vậy, vùng Đông Nam Bộ còn bị hạn chế bởi nhiều lý do, trong đó có vấn đề kết nối vùng vẫn chưa thực sự đem lại kết quả khả quan vì hệ thống giao thông kết nối kém, yếu, thiếu, nhiều dự án giao thông triển khai chậm.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, để phát triển khu vực này, Bộ GTVT đã xây dựng phương hướng phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc. Giai đoạn 2010 - 2020, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ thay đổi rõ rệt, hệ thống hạ tầng cảng biển và đường thủy nội địa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải; hạ tầng hàng không sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải.
Tuy nhiên, theo dự báo nhu cầu vận tải trong giai đoạn đến năm 2030 cho thấy, vùng Đông Nam Bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) nhiều đoạn đã mãn tải, trong khi hệ thống cao tốc liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế là trục xương sống của hệ thống đường bộ đang triển khai rất chậm (chỉ mới đưa vào khai thác 95 km/911 km cao tốc theo quy hoạch).
Điều đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các cửa ngõ ra vào thành phố, tại các tuyến kết nối đến cảng biển, cảng hàng không ngày càng nghiêm trọng; hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng.
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng được quy hoạch theo các hành lang vận tải chính. Trong đó Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chú trọng đến hệ thống đường bộ (cao tốc, quốc lộ) kết nối vùng với TP.HCM, sân bay Long Thành, cửa khẩu quốc tế, cảng Cái Mép - Thị Vải.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743 km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng.
Hạt nhân của Vùng
Là trung tâm của Vùng, TP.HCM có vị trí khá quan trọng, trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, nhưng thành phố vẫn phải “chịu đựng” bởi giao thông tắc nghẽn, nhiều tuyến giao thông nhưng Vành đai 2, Vành đai 3 triển khai chậm, hậu quả dẫn tới là lưu thông hàng hóa kém làm chậm sự phát triển của Thành phố cũng như trong vùng, theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm vừa giải quyết những bất cập trước mắt, vừa tạo nền tảng cho việc phát triển lâu dài, từ đó tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của thành phố trong vùng, cụ thể thành phố tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Chủ tịch Thành phố cho biết, thành phố đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại - du lịch - logistics quốc tế, trung tâm đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe khu vực và quốc tế; tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao... Bên cạnh đó, thành phố đang xây dựng chính sách phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong giai đoạn tới.
Bên cạnh các công trình giao thông phải gấp rút triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển, thông thương, thành phố còn đang chủ động phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ GTVT xây dựng đề án “Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ” nhằm bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải. “Đây là dự án không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI”, ông Mãi nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng đô thị
Với việc phát triển mạnh mẽ, cũng như theo quy hoạch các tuyến giao thông lớn sẽ tác động tới các mặt của đô thị vùng Đông Nam Bộ, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đô thị, tuy nhiên, việc kết nối Vùng để phát triển phải thực hiện cấp bách theo đúng chủ trương đã đề ra. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị kiến nghị các tỉnh cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW để xây dựng chương trình hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị của các đô thị loại III trở lên trong giai đoạn đến năm 2025; phải cơ bản giảm thiểu tình trạng ngập úng và ùn tắc giao thông.
Cần cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị; hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn, tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị giai đoạn đến năm 2030. Ngoài ra tăng cường quản lý phát triển đô thị hợp lý, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị.
Về phát triển nhà ở và NƠXH, theo Bộ trưởng cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển NƠXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của các tỉnh trong vùng. Cần quy định khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.
Trong bối cảnh phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Song cũng cần ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.HCM; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Khi đó, kết nối vùng mới phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.