Theo chia sẻ từ đại diện Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEGROUP, mã CK : TEG), nếu mọi việc triển khai đúng kế hoạch, TEG dự kiến sẽ ghi nhận một khoản doanh thu tài chính lớn trong quý I/2023 từ việc thoái vốn của công ty con tại dự án năng lượng ở Phú Yên.
Nguồn vốn thu về từ việc thoái vốn này, cùng với việc
TEG đang hoàn tất các thủ tục tăng vốn điều lệ và sự gia nhập của SSP với việc mua 5% cổ phần của
TEG sẽ là nguồn lực để
TEG và các công ty con tìm kiếm, thúc đẩy việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản tiềm năng, tạo đà cho những bước phát triển mới.
Nhà máy Điện mặt trời Hòa Hội nằm tại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, Việt Nam, khởi công tháng 11/2018 và khánh thành ngày 25/06/2019. Nhà máy có sản lượng điện hàng năm là 334.148 MWh trên diện tích thu năng khoảng 256 ha. Trong vòng 6 tháng 23 ngày kể từ khi chính thức động thổ nhà máy, toàn bộ 257 MWp (tương đương công suất phát 214MW) đã được đưa vào vận hành và đóng điện thành công.
Nhà máy chính thức phát điện thương mại vào lúc 8 giờ sáng ngày 10/06/2019. Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội do Công ty cổ phần TTP Phú Yên làm chủ đầu tư, với cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty Cổ phần Năng lượng Trường Thành (TTP), một công ty con của TEGROUP và Tập đoàn B.Grimm (Thái Lan). Đây là dự án điện mặt trời đạt Top 10 dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu năm 2021.
Theo đại diện TEGROUP ngày 31/10/2022, TTP đã thông qua kế hoạch chuyển nhượng cổ phần đang sở hữu tại Công ty Cổ phần TTP Phú Yên cho đối tác hàng đầu Nhật Bản – Tập đoàn Yonden (Shikoku Electric Power Co., Inc.) - một trong những tập đoàn năng lượng lớn tại Nhật Bản.
Việc TTP dự kiến chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần TTP Phú Yên cho Tập đoàn Yonden đang mở ra một chương mới trong tiến trình hợp tác với các đối tác quốc tế và từng bước đẩy mạnh mô hình các dự án Năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường của TTP nói riêng cũng như của TEGROUP nói chung.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2022 đầu năm 2023, TEGROUP đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để nhận được sự phê duyệt của Ủy ban chứng khoán nhà nước cho việc tăng vốn điều lệ lên gần 1.302 tỷ đồng. Theo đó,
TEG dự kiến chào bán 600 tỷ đồng cổ phiếu với giá bằng mệnh giá và chia 7% cổ tức bằng cổ phiếu (xấp xỉ 46 tỷ đồng theo mệnh giá).
Thêm vào đó, ngày 19/01/2023 công ty Sermsang Power Corporation Public Company Limited (SSP) đã công bố chính thức mua 5% cổ phần của
TEG. Việc chính thức trở thành một cổ đông tham gia vào
TEG đã nằm trong kế hoạch hợp tác lâu dài cùng
TEG phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam của SSP trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu, Sermsang Power Corporation Public Company Limited (SSP) đến từ Thái Lan, chuyên phát triển các dự án năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, điện sinh khối,... Hiện công ty này có các dự án năng lượng tại Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Cả 2 dự án tại Việt Nam với tổng công suất gần 100 MW đều hợp tác cùng tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN) và đang vận hành thương mại.
Với việc thu về doanh thu tài chính lớn trong quý I/2023 và tăng vốn điều lệ, cùng với sự gia nhập của SSP,
TEG dự kiến sẽ ưu tiên đầu tư cho các dự án điện gió (bao gồm các dự án đã vận hành và các dự án sẽ triển khai), cũng như đầu tư vào các dự án bất động sản theo đúng định hướng phát triển của Công ty. Có thể thấy,
TEG đang có những bước chuẩn bị rất kỹ nhằm đón đầu quy hoạch điện VIII của Chính phủ.
Tại Tờ trình 7194/TTr-BCT ngày 11/11/2022 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu về Quy hoạch điện VIII đã được đệ trình như sau: Đến năm 2030, dự kiến tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.757 - 145.989 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Trong đó, thuỷ điện 27.353 - 28.946 MW (tỷ lệ 19,8 - 22,5%); nhiệt điện than 30.127 - 36.327 MW (20,6 - 29,8%); nhiệt điện khí trong nước và LNG 30.330 - 39.430 MW (24,9 - 27%); năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) 21.871 - 39.486 MW (18 - 27%); nhập khẩu điện 4.076 - 5.000 MW (3,3 - 3,4%).
Định hướng đến năm 2050, ước tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368.461 - 501.608 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Trong đó, thuỷ điện chiếm tỷ lệ 7,2 - 9,7%; nhiệt điện than 0 MW; nhiệt điện sử dụng sinh khối/amoniac chiếm tỷ lệ 5,1 - 7,8%; nhiệt điện khí trong nước từ 1,6 - 2,1%; nhiệt điện LNG chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro chiếm tỷ lệ 4,2 - 4,9%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) chiếm tỷ lệ từ 54,9 - 58,9%; nhập khẩu điện (2,2 - 3%).