Nhiều tín hiệu khởi sắc báo hiệu cơ hội phục hồi tăng trưởng nhưng cũng đi kèm hàng loạt thách thức không nhỏ cho ngành Du lịch, cũng như các doanh nghiệp lĩnh vực này trong giai đoạn hậu Covid-19.
Nhiều tín hiệu phục hồi tích cực
Thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới – một chu kỳ kinh tế mới sau gần 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Mọi hoạt động đã dần quay trở về với quỹ đạo vốn có. Hoạt động du lịch toàn cầu, với thiệt hại 4,5 nghìn tỷ USD và 62 triệu việc làm trong năm 2020 do tác động của đại dịch, đã cho thấy sự phục hồi nhanh dần đều từ cuối năm 2021.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong 7 tháng đầu năm năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, ước đạt khoảng 474 triệu lượt khách. Trong đó, có khoảng 207 triệu lượt khách quốc tế được ghi nhận vào tháng 6 và tháng 7 năm 2022, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, chiếm 44% tổng số lượt khách được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm. Những con số trên cho thấy, hoạt động du lịch đã phục hồi gần 60% so với mức trước đại dịch. Sự phục hồi ổn định phản ánh nhu cầu đi lại quốc tế đang bị dồn nén mạnh mẽ, cũng như việc nới lỏng/dỡ bỏ các hạn chế đi lại (86 quốc gia không có hạn chế liên quan đến Covid-19 kể từ ngày 19/9/2022).
Đối với Việt Nam, sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại.
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2022 đạt 707,1 nghìn lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và gấp 41,2 lần so với năm trước, do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước, nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Trong tổng số gần 3.661,2 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 3.277,2 nghìn lượt người, chiếm 89,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,5 lần so với năm trước; bằng đường bộ đạt 380,9 nghìn lượt người, chiếm 10,4% và gấp 8,4 lần; bằng đường biển đạt 3,1 nghìn lượt người, chiếm 0,1% và gấp 5,1 lần. Các thị trường khách hàng hàng đầu đến Việt Nam là Hàn Quốc, Mỹ và các nước Đông Nam Á.
Trước đó, số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp lữ hành tái hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Kể từ sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng vào các ngày trong tuần và trên 95% dịp cuối tuần, đặc biệt là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải hành khách đáp ứng khá tốt nhu cầu của du khách. Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng lượng vận chuyển 11 tháng năm nay chỉ bằng 72,6% và luân chuyển bằng 68,4% so với cùng kỳ năm 2019 .
Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành của Vietnam Report tháng 10-11/2022 cho thấy, có đến 32,6% số doanh nghiệp nhận định doanh thu đã tăng lên trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 14% số doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm.
Khảo sát cũng cho thấy, có đến 60% số doanh nghiệp ghi nhận số lượt hành khách phục vụ đang ở dưới mức trước đại dịch, 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý II/2023. Với những điều kiện thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, thủ tục xuất nhập cảnh được đơn giản hóa, kéo dài thời gian thị thực, ngành Du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trở lại thời gian trước đại dịch.
Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report về sức chống chịu và khả năng phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp Du lịch - Vận tải hành khách Việt Nam thực hiện trong tháng 10-11/2022 cũng chỉ ra: 100% số doanh nghiệp trong ngành cho rằng có thể học được nhiều điều từ việc ứng phó với Covid-19; 69,2% số doanh nghiệp đã chuẩn bị để ứng phó với các tác động của đại dịch và 76,9% số doanh nghiệp đã quản lý hiệu quả các tác động đó.
3 thách thức của ngành Du lịch - Vận tải hành khách thời kỳ bình thường tiếp theo
Mặc dù cơ hội phục hồi là rất rõ ràng, song các thách thức đối với ngành Du lịch - Vận tải hành khách trước mắt không hề ít, đều là những vấn đề mang tính nội tại rất cơ bản của ngành. Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022, 3 thách thức chính của ngành Du lịch - Vận tải hành khách hiện nay là: Chất lượng nhân sự trong ngành yếu (36,7%); nguồn cung lao động thiếu (29,1%); và thiếu sản phẩm du lịch (25,3%).
3 thách thức doanh nghiệp du lịch phải đối mặt
Trước hết, việc thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và các điểm đến du lịch mới đang gây ra áp lực đáng kể cho những điểm đến vốn đã phổ biến, làm tăng rủi ro quá tải.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ du khách quốc tế và nội địa tăng nhanh trong thời gian qua sau khi dỡ bỏ các rào cản đi lại và nối lại đường bay quốc tế, các điểm đến phổ biến trong nước đang phải đối mặt với tình trạng quá tải du lịch ngày càng tăng, làm tăng rủi ro về trải nghiệm của du khách bị xuống cấp trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân sự của toàn ngành chưa được chuẩn bị đầy đủ sau khi ngấm đòn Covid-19.
Mật độ du khách tăng lên trong thời gian qua đã dẫn đến những vấn đề về quá tải, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân, như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết đầu tư cho hạ tầng du lịch trong những năm qua chỉ tập trung vào mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú để bắt kịp với tăng trưởng về lượt khách. Tuy nhiên, những cải thiện về năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng thiết yếu khác để hỗ trợ số lượt khách tăng nhanh lại chưa bắt kịp. Thách thức này cùng với công tác quản lý yếu kém đã trở nguyên nhân chính khiến phần lớn khách hàng không hài lòng đối với địa điểm du lịch.
Để khắc phục những hạn chế chế nói trên, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và địa phương trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng là rất cần thiết. Khảo sát khách du lịch của Vietnam Report cho thấy, những nội dung được quan tâm khi tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch bao gồm: thông tin chi tiết về các dịch vụ du lịch; du lịch gắn với phát triển bền vững, bảo tồn thiên nhiên; thông điệp hấp dẫn; ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho khách; hình ảnh được lồng ghép trong các bộ phim, MV ca nhạc…
Thứ hai, nguồn cung lao động và chất lượng nhân sự lao động ngày càng không có khả năng bắt kịp với nhu cầu khi ngành đang tăng trưởng nhanh.
Một thực trạng mà hầu hết các doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt hiện nay là ngành Du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Trong khi đó, hiện nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Thực tế này khiến nhiều lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành Du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong du lịch.
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho rằng, trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành Du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN. Cơ hội là rất lớn nhưng thách thức lại không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Du lịch trong nước.
Bên cạnh đó, vẫn còn đó những khó khăn khác ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp trong ngànhn có thể kể đến như: Tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; biến động giá năng lượng. Phần lớn các doanh nghiệp dự báo những khó khăn này còn kéo dài đến cuối năm 2023, thậm chí sau đó nữa.
5 xu hướng phát triển của ngành Du lịch giai đoạn hậu Covid-19
Kết quả khảo sát doanh nghiệp và phỏng vấn chuyên gia của Vietnam Report cho thấy nổi lên 5 xu hướng của ngành trong thời kỳ hậu Covid-19, bắt đầu từ năm 2023.
Xu hướng số hóa ngành du lịch ngày càng phổ biến
Từ hộ chiếu vắc-xin kỹ thuật số đến thông báo du lịch theo thời gian thực, các giải pháp công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng và cung cấp hướng dẫn cho tất cả các quyết định du lịch. Khi các quốc gia bắt đầu chào đón những khách du lịch đã được tiêm chủng trở lại, các yêu cầu về xét nghiệm, kiểm dịch và biểu mẫu vẫn có sự khác nhau giữa các điểm đến. Cung cấp các yêu cầu tại các điểm đến du lịch rõ ràng và hiện đại, cộng với cập nhật kịp thời nếu điều kiện du lịch thay đổi với sự hỗ trợ của công nghệ thời gian thực sẽ là điều cần thiết để hỗ trợ khách du lịch trong suốt hành trình của họ.
Vấn đề về visa điện tử là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của khách du lịch trên toàn thế giới. Các chuyên gia khuyến nghị hiện nay, để có thể đẩy mạnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ cần đưa ra các chính sách để tiếp tục hoàn thiện quy trình xin visa online với thủ tục đơn giản, dễ dàng và nhanh gọn nhất để du khách quốc tế không ngần ngại khi đến Việt Nam du lịch.
Ngoài ra, các công ty du lịch cũng đã linh hoạt áp dụng công nghệ sáng tạo để giữ an toàn cho khách hàng mà vẫn cung cấp những trải nghiệm du lịch mới mẻ, tiện lợi. Đặt phòng khách sạn, lên máy bay, tàu xe… không tiếp xúc, đặt đồ ăn hoặc dịch vụ qua ứng dụng hoặc hỗ trợ nhân viên hướng dẫn qua ứng dụng di động hoặc trò chuyện là tất cả các giải pháp mang lại sự an tâm hơn cho khách du lịch. Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 11/2022 cho thấy, kênh đặt dịch vụ được phần lớn khách du lịch lựa chọn khi du lịch là qua ứng dụng du lịch như Traveloka, Booking.com… (78,5%), tiếp đó là qua website của công ty du lịch (56,9%), rồi mới đến đặt trực tiếp tại văn phòng của đại lý, công ty du lịch (36,9%). Khảo sát cũng cho thấy xu hướng khách du lịch ưu tiên các phương thức thanh toán không tiếp xúc, hạn chế tiền mặt nhiều hơn với tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ ATM/Visa lên tới 72,3%, chuyển khoản 52,3%, ví điện tử 46,2% rồi mới đến tiền mặt (33,9%).
Song song với đó, các công nghệ AR/VR được dự báo ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng, thông qua các giải pháp như: Các chuyến tham quan ảo đến các khu vực nghỉ dưỡng, cabin máy bay, bảo tàng và các điểm tham quan. Những công nghệ này giúp du khách nghiên cứu một điểm đến kỹ lưỡng hơn, mang lại sự tự tin cho việc lập kế hoạch chuyến đi.
Du lịch nội địa và chặng ngắn phát triển
Theo nhận định của các doanh nghiệp lữ hành, trong bối cảnh ngành Du lịch mới ra khỏi đại dịch, nhiều quốc gia vẫn chưa mở cửa biên giới hoàn toàn cho du khách, bên cạnh đó là giá vé máy bay và giá khách sạn tăng cao, các chuyến đi nội địa với chặng ngắn ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người đam mê du lịch. Du khách, dù để giải trí hay công tác, thường có xu hướng chọn các điểm đến trong nước để đảm bảo an toàn tối ưu giữa mùa dịch, đồng thời tránh các quy tắc kiểm dịch khác nhau giữa các quốc gia. Trong tương lai, xu hướng này dự kiến sẽ tạo ra nhu cầu về các kế hoạch du lịch theo khu vực, chẳng hạn như người châu Á đi du lịch trong châu Á, người châu Âu đi du lịch trong châu Âu…
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, các điểm du lịch trong nước được phần lớn khách du lịch ưu tiên lựa chọn như miền Trung (78,5%), miền Bắc (70,8%), miền Nam (56,9%), sau đó là các khu vực lân cận như Đông Nam Á (61,5%) và châu Á (56,9%). Đáng lưu ý, hơn 1/3 khách du lịch lựa chọn du lịch tại các địa điểm trong và gần tỉnh/thành phố mà họ ở. Hình thức du lịch này trở nên khá phổ biến khi nhịp sống đô thị khiến con người luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, các cư dân thành thị luôn có xu hướng tìm về những không gian xanh mát, yên bình để tranh thủ nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng trong hai ngày cuối tuần tại các điểm du lịch dã ngoại ven đô.
Khảo sát cũng cho thấy, 75,4% số khách du lịch lựa chọn các chuyến đi ngắn từ 2-3 ngày, hoặc 4-5 ngày (23,1%). Đây cũng là điểm mà các công ty du lịch cần lưu ý bởi nguyên nhân khiến đa số khách du lịch không hài lòng với công ty du lịch chính là việc thiết kế tour có lịch trình dày đặc, di chuyển liên tục (chiếm 32,2%).
Du lịch bền vững đóng vai trò thiết yếu
Các chuyên gia dự báo du lịch bền vững sẽ là một trong những xu hướng trong ngành Du lịch thời kỳ hậu khách-19. Cộng đồng du lịch cũng sẽ ngày càng mong đợi sự minh bạch từ các tổ chức du lịch về các sáng kiến bền vững của họ. Khi các quốc gia trên toàn cầu nỗ lực đáp ứng các cam kết trong Thỏa thuận Paris và các công ty tư nhân đưa ra các mục tiêu về môi trường của riêng họ, khách du lịch sẽ tìm kiếm các tổ chức tập trung vào tính bền vững, đổi mới và có xu hướng lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường hơn.
Du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhận thức rõ hơn về tác động của họ, không chỉ đối với môi trường, mà còn về mặt xã hội và cộng đồng nơi họ sinh sống. Gần 94% số khách du lịch tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, để thúc đẩy du lịch bền vững. Bên cạnh chi phí, phần lớn giới trẻ thể hiện quan điểm và cách đóng góp vào sự phát triển bền vững thông qua việc du lịch vào thời gian thấp điểm để giảm sức chứa của điểm du lịch (86,2%), sẵn sàng giảm bớt sự thoải mái khi du lịch (chẳng hạn chọn phương tiện công cộng thay vì taxi) (70,8%), chấp nhận thời gian di chuyển giữa các điểm đến dài hơn (chẳng hạn đi tàu hỏa thay vì đi máy bay) (41,5%)…
Xuất hiện trào lưu mới du lịch dựa vào cộng đồng
Một trong những tác động tích cực của đại dịch là mọi người đang tìm kiếm những trải nghiệm địa phương và dành nhiều thời gian hơn cho cộng đồng. Vì vậy, khái niệm du lịch dựa vào cộng đồng là một khái niệm đặt cộng đồng làm trung tâm của mọi sự phát triển, đảm bảo rằng cộng đồng được tham gia, trao quyền và mang lại lợi ích. Cộng đồng sẽ tham gia vào quá trình lập kế hoạch và quản lý các hoạt động du lịch. Mục đích thực sự là đặt cộng đồng và các hoạt động văn hóa vào trung tâm của trải nghiệm du lịch. Hình thức này mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Du khách có thể có trải nghiệm đích thực. Họ không ở những địa điểm đông đúc, họ sẽ được trải nghiệm những điều mới mẻ và độc đáo trong cộng đồng. Những trải nghiệm này được thiết kế với sự hợp tác của các cộng đồng, những người nhận được lợi ích từ việc tiếp cận tài chính và nếu các hoạt động được thiết kế phù hợp, sẽ củng cố di sản văn hóa của chính cộng đồng.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, khách du lịch trong nước coi du lịch cộng đồng là một phần giúp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững: Tránh đi du lịch vào mùa cao điểm giúp giảm sức chứa tại điểm du lịch (81,5%); mua đặc sản địa phương từ người dân địa phương (60%); mua thực phẩm từ các nhà hàng địa phương thay vì các chuỗi nhà hàng (53,9%)…
Du lịch chăm sóc sức khỏe thịnh hành
Theo UNWTO, du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời hậu Covid-19. Viện Sức khoẻ Toàn cầu (GWI) dự báo loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022. Du lịch sức khỏe là dịch vụ du lịch thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe để thể chất cân bằng và tinh thần vui vẻ. Mục đích cốt lõi của du lịch chăm sóc sức khỏe chính là phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần./.